Phòng điều trị dịch vụ tại bệnh viện: Xuống cấp vẫn 1,2 triệu/1 ngày
VOV.VN - Giá phòng dịch vụ theo yêu cầu cao hơn buồng bệnh bình thường, nhưng không phải nơi nào cũng tương ứng với chất lượng.
Lâu nay, tại hầu hết các bệnh viện công lập từ Trung ương đến tuyến huyện đều hình thành những phòng điều trị dịch vụ theo yêu cầu, giá cao hơn hẳn so với buồng bệnh bình thường, thậm chí tương đương giá phòng khách sạn.
Đây là một trong những minh chứng cho thấy rõ hơn về thực trạng “một bệnh viện 2 chế độ” đang tồn tại phổ biến hiện nay. Vậy bao giờ người bệnh mới được đối xử như nhau, ít nhất là được điều trị trong cùng một điều kiện buồng bệnh tốt nhất?
Phòng dịch vụ 2 giường tại Viện Tim mạch Quốc gia |
Thuê khách sạn còn đàng hoàng hơn
Không nỡ để vợ vừa mổ xong phải nằm ghép, anh Nguyễn Thế Cường ở xã Thanh Xương, tỉnh Điện Biên đành thuê phòng dịch vụ với giá 1 triệu đồng/1 ngày đêm để vợ anh điều trị tại Viện Tim mạch Quốc gia. Cách đây 2 tuần, vợ anh phải mổ cấp cứu tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương vì bị tiền sản giật, đành phải bỏ con.
Khi chuyển sang Viện Tim mạch Quốc gia, anh muốn vợ được yên tĩnh, an dưỡng để vượt qua những di chứng của tai biến sản khoa. Anh Nguyễn Thế Cường cho biết, vợ anh được hưởng bảo hiểm y tế 80%, số tiền điều trị nửa tháng ở cả 2 bệnh viện lên đến 40 triệu đồng, trong đó chỉ riêng tiền phòng dịch vụ chiếm tới 10 triệu đồng.
“Nằm ở phòng bình thường thì 4 người một giường, nên bắt buộc tôi phải chọn phòng dịch vụ tự nguyện cho vợ. Phòng dịch vụ thì yên tĩnh, thoáng mát hơn. Giá thành hơi đắt so với hoàn cảnh của chúng tôi ở xa về đây điều trị. Nếu số tiền này thuê ngoài khách sạn thì phòng còn đàng hoàng hơn, rộng hơn” – anh Cường nói.
Điều trị tại bệnh viện, ai cũng muốn được nằm phòng dịch vụ vì có điều hòa, TV, tủ lạnh, yên tĩnh và sạch sẽ hơn. Tuy nhiên, không phải ai cũng có đủ điều kiện kinh tế và không phải lúc nào bệnh viện cũng còn phòng dịch vụ để thuê.
Giá cả thì mỗi khoa, mỗi bệnh viện một khác. Tại Bệnh viện Việt Đức, nhiều phòng dịch vụ 2 giường, giá 750.000 đồng/1 bệnh nhân/1 ngày đêm. Bệnh viện Lão Khoa Trung ương, phòng dịch vụ 2 giường giá 1,4 triệu đồng/1 người/1 ngày đêm. Bệnh viện Bạch Mai, giá phòng dịch vụ dao động từ 500.000 đồng đến 2 triệu đồng/1 người tùy từng loại, phòng 9 giường, 3 giường hay 1 giường.
Tại Bệnh viện Thanh Nhàn, phòng dịch vụ 8 giường có giá 200.000 đồng/1 bệnh nhân và chỉ khác phòng bình thường là không nằm ghép và có máy điều hòa.
Phòng dịch vụ xuống cấp tại Khoa Thần kinh, BV Bạch Mai |
Bà Nguyễn Thị Bích Hường, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết: “Thời gian qua, giá dịch y tế đang tăng dần nên giá giường bệnh dịch vụ cũng được bệnh viện điều chỉnh theo hướng giảm so với trước. Vừa rồi người bệnh bảo hiểm y tế không những không phải nộp thêm tiền mà có một số dịch vụ còn được lợi ích hơn nhiều. Ví dụ giường dịch vụ theo yêu cầu có loại 450.000 đồng/1 ngày, theo quy định sau khi trừ đi giá mà bảo hiểm y tế trả thì người bệnh phải trả. Trước đây 1 ngày bệnh nhân được bảo hiểm y tế trả 120.000 đồng tiền nằm giường thì phải nộp 330.000 đồng. Nay giá dịch vụ y tế tăng thì người bệnh chỉ phải trả gần 200.000 đồng thôi”.
Xuống cấp vẫn 1,2 triệu đồng/1 ngày
Tuy nhiên, giá phòng dịch vụ không phải nơi nào cũng tương ứng với chất lượng. Mới đây, phòng dịch vụ tại Khoa Thần kinh, Bệnh viện Bạch Mai xuống cấp nghiêm trọng, nhưng bệnh viện vẫn thu với giá 1,2 triệu đồng/1 ngày đối với phòng 3 giường. Khi đoàn kiểm tra của Bộ Y tế vào cuộc, bệnh viện đã xin lỗi bệnh nhân vì chậm điều chỉnh khi viện phí đã tăng thêm và sau đó không áp giá dịch vụ theo yêu cầu đối với những phòng này nữa.
Điều đáng nói hơn cả là giá khám chữa bệnh tự nguyện cũng như giá phòng dịch vụ đều do các bệnh viện đề ra. Bộ Y tế chưa có hướng dẫn cụ thể về tiêu chí, cũng như chưa ban hành được các quy định về việc bệnh viện sẽ được thực hiện bao nhiêu phần trăm số giường bệnh dịch vụ theo yêu cầu, cũng như khu khám và điều trị dịch vụ theo yêu cầu được chiếm tối đa bao nhiêu phần trăm diện tích của bệnh viện.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế) cho biết: “Hiện nay, chúng tôi đang dự kiến những tiêu chí, ví dụ như về cơ sở hạ tầng, bao nhiêu mét vuông trên một giường bệnh và một số tiêu chí khác nữa. Trên cơ sở những tiêu chí này, nếu đơn vị đáp ứng được tốt thì mới được áp dụng tính giá dịch vụ.
Nghị định 85 của Chính phủ đã quy định, các đơn vị khám chữa bệnh theo yêu cầu và xã hội hóa thì được tính đầy đủ chi phí và có tích lũy hợp lý nhưng không quá 10% chi phí. Vấn đề này Bộ Y tế và Bộ Tài chính đang xây dựng”./.