Quy định về sở hữu, quyền sở hữu trong dự thảo BLDS sửa đổi
VOV.VN - Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) có sự thay đổi rất lớn là đã cụ thể hóa các hình thức sở hữu
Sáng 4/2, tại Hà Nội, Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Điểm mới quy định về sở hữu và quyền sở hữu trong dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi)". Buổi tọa đàm được truyền hình trực tiếp trên Kênh truyền hình Quốc hội Việt Nam.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã làm rõ khái niệm sở hữu, quyền sở hữu và các vật quyền khác; phân tích những điểm mới trong quy định về sở hữu và quyền sở hữu trong dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi).
Các khách mời cho rằng: Dự thảo Bộ luật lần này được đưa ra lấy ý kiến nhân dân có sự thay đổi rất lớn là đã cụ thể hóa các hình thức sở hữu. Bộ Luật hiện hành liệt kê 6 hình thức sở hữu là sở hữu nhà nước, sở hữu tư nhân, sở hữu tập thể, sở hữu chung, sở hữu của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và sở hữu của các tổ chức xã hội nghề nghiệp.
Dự thảo Bộ Luật chỉ quy định có 3 hình thức sở hữu là sở hữu toàn dân, sở hữu chung và sở hữu riêng. Ông Dương Đăng Huệ - Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự, kinh tế - Bộ Tư pháp cho rằng: Quy định này là phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế ở nước ta hiện nay.
Liên quan đến khái niệm vật quyền là khái niệm mới được đưa vào dự thảo Bộ Luật, các đại biểu cho biết: Vật quyền là quyền đối với tài sản của người khác như quyền địa dịch, quyền bề mặt… Đây không phải là khái niệm mới trên thế giới và hoàn toàn phù hợp với thực tiễn đang phát sinh ở Việt Nam.
PGS.TS Phùng Trung Tập- Đại học Luật Hà Nội phân tích: “Quan điểm của chúng tôi là ủng hộ quan điểm xây dựng dự thảo lần này là quy định các vật quyền khác vì vật quyền khác điều chỉnh các quan hệ thực tiễn đã tồn tại ở nước ta cùng với cuộc sống rồi như quyền mở lối đi, quyền xây dựng hệ thống thoát nước, quyền mắc đường dây tải điện, quyền xây dựng các hệ thống giao thông như cầu vượt, tàu điện ngầm… đó cũng là một dạng của vật quyền. Mặc dù người sử dụng đó không phải là chủ sở hữu nhưng có quyền sử dụng tài sản đó để thỏa mãn nhu cầu vật chất cũng như tinh thần của mình”.
Cũng tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã làm rõ nhiều quy định liên quan đến quyền chiếm hữu, quyền sở hữu chung nhà chung cư, thời điểm xác lập quyền sở hữu và các vật quyền khác.
Liên quan đến thời điểm xác lập quyền sở hữu, trong trường hợp luật quy định việc chuyển giao vật phải đăng ký lại cơ quan có thẩm quyền thì thời điểm xác lập quyền sở hữu có hiệu lực kể từ thời điểm đăng kí.
Tuy nhiên, từ thực tiễn hoạt động bất động sản, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng đề nghị cần nghiên cứu thêm để quy định cho phù hợp với luật chuyên ngành: “Trong lĩnh vực bất động sản, thứ nhất thời điểm xác lập từ khi nào, chúng ta có đánh đồng giữa thời điểm xác lập hay thời điểm chuyển quyền trong các giao dịch hay không? Ví dụ tôi có 1 cái nhà, tôi xây dựng xong đã có giấy phép xây dựng vậy tôi có quyền sở hữu nhà đó từ khi nào. Tôi được thừa kế cái nhà, di chúc đó là hợp pháp vậy quyền sở hữu với nhà đó từ khi nào. Phải chăng từ lúc phải được nhà nước đăng kí thì mới có sở hữu. Như vậy có khả năng chúng ta chưa phân biệt rõ giữa thời điểm xác lập và thời điểm nhà nước công nhận đăng kí quyền đó. Tôi đề nghị có thể nghiên cứu lại, nếu như xác lập nó khác mà nếu như chuyển quyền và đăng kí thì lại khác nhau”./.