Sơn La ban hành nghị quyết hỗ trợ học sinh, vùng sản xuất ảnh hưởng bởi thiên tai
VOV.VN - Các nghị quyết hỗ trợ học sinh ở các địa bàn có điều kiện đặc thù, người dân vùng sản xuất bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh... đã được thông qua tại Kỳ họp thứ mười một, HĐND tỉnh Sơn La khoá XV, nhiệm kỳ 2021 – 2026, diễn ra trong 2 ngày 16-17/7.
Nghị quyết quy định chế độ hỗ trợ kinh phí cho học sinh phải qua sông, suối, hồ để đi học trên địa bàn tỉnh Sơn La có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2025, được áp dụng với học sinh của cơ sở giáo dục phổ thông, học viên theo học chương trình giáo dục thường xuyên, phải chi phí qua sông, suối, hồ bằng phà, thuyền, đò, bè để đi học.

Cụ thể, mức hỗ trợ là 280.000 đồng/ học sinh/tháng, đối với học sinh phải đi, về hằng ngày; hỗ trợ 50.000 đồng/ học sinh/ tháng với học sinh không phải đi, về hằng ngày. Thời gian hưởng hỗ trợ 9 tháng/năm. Nguồn kinh phí thực hiện từ ngân sách nhà nước.
Chính sách hỗ trợ này góp phần giảm bớt khó khăn về kinh tế cho học sinh, phụ huynh học sinh; tạo điều kiện và khuyến khích học sinh đến trường, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo trên địa bàn. Nghị quyết ban hành đã điều chỉnh mức hỗ trợ phù hợp với sự biến động của giá cả thị trường so với chính sách ban hành từ năm 2015 là Nghị quyết số 129 ngày 10/12/2015 của HĐND tỉnh.
Chị Hờ Thị Mãi Dê, tổ đại biểu số 2, HĐND tỉnh Sơn La, là giáo viên Trường Tiểu học và THCS Tân Lập, xã Tân Yên, tỉnh Sơn La chia sẻ: Trong quá trình đi dạy học trên địa bàn, chúng tôi cũng đã đi qua những nơi rất khó khăn và qua những sông, suối rất nguy hiểm. Sau khi nghị quyết ban hành, tôi thấy rất là vui mừng. Chính sách hỗ trợ đã giúp các em học sinh có cơ hội đến trường với điều kiện thuận lợi nhất, giúp phụ huynh yên tâm gửi gắm con em, để các em có tương lai tốt hơn.

Với nghị quyết quy định mức hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch hại thực vật trên địa bàn tỉnh Sơn La, đối tượng hỗ trợ là các cá nhân, hộ gia đình, chủ trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, các cơ quan, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân (không bao gồm các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp thuộc lực lượng vũ trang) có hoạt động trồng trọt, lâm nghiệp, chăn nuôi, thủy sản bị thiệt hại do thiên tai, dịch hại thực vật.
Mức hỗ trợ đối với cây trồng, lâm nghiệp, thủy sản là từ 3 đến 60 triệu đồng tùy loại cây, diện tích, mức độ bị thiệt hại. Mức hỗ trợ đối với vật nuôi bị thiệt hại (chết, mất tích) do thiên tai, được tính theo con, ngày tuổi/tháng tuổi; ong mật là 400.000 con/đàn...

Tại Kỳ họp, HĐND tỉnh Sơn La cũng thông qua nhiều nghị quyết với nội dung liên quan trực tiếp đến công tác quản lý, điều hành của chính quyền các cấp trong bối cảnh mô hình tổ chức mới như: Điều chỉnh dự toán thu chi ngân sách, kế hoạch đầu tư công trung hạn, phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi ngân sách; các nghị quyết sửa đổi, bổ sung chính sách hỗ trợ đào tạo lưu học sinh Lào; quy định mức chi đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức; mức chi đối với các hoạt động tuyên truyền, văn hóa, nghệ thuật quần chúng…
Ông Lò Thanh Hải, Phó Chủ tịch HĐND xã Phiêng Pằn, tỉnh Sơn La, đại biểu tham dự kỳ họp cho biết: Các nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp có nhiều nội dung thay đổi về chế độ, chính sách với người dân, với các chương trình mục tiêu quốc gia, phát triển vùng đồng bào dân tộc còn gặp nhiều khó khăn... Ngay sau khi Nghị quyết được ban hành, có hiệu lực, HĐND cấp xã sẽ triển khai, cụ thể hóa các nghị quyết sao cho phù hợp với địa phương, đơn vị, sớm đưa nghị quyết vào cuộc sống.

Phát biểu bế mạc Kỳ họp, ông Nguyễn Thái Hưng, Chủ tịch HĐND tỉnh Sơn La đề nghị UBND tỉnh, các cấp, các ngành tăng cường theo dõi, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn hoạt động của bộ máy chính quyền xã, phường để kịp thời xử lý, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, bất cập, các vấn đề mới phát sinh, nhất là tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Đối với chính quyền xã, phường, HĐND tỉnh đề nghị khẩn trương rà soát và hoàn thành toàn bộ công tác phân công, bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ở các cơ quan, đơn vị; cập nhật, nghiên cứu, nắm chắc chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, phân cấp, phân quyền tại văn bản của Trung ương và của tỉnh để triển khai thực hiện đảm bảo đúng quy định của pháp luật và hoạt động thông suốt, không để chậm trễ, không để sót việc, mục tiêu xuyên suốt là phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn...