Thái Lan thúc đẩy việc cấp phép cho lao động Việt Nam
VOV.VN - Trong đợt đăng ký việc làm này Thái Lan sẽ chỉ thúc đẩy cấp phép hoạt động cho các lao động Việt Nam làm việc trong lĩnh vực đánh cá và xây dựng.
Chính phủ Thái Lan vừa ra chỉ thị cho Bộ Lao động nước này gấp rút giải quyết xong vấn đề đăng ký làm việc hợp pháp với các lao động tới từ ba nước Lào, Campuchia và Myanmar. Hạn cuối cùng là ngày 30/6/2018. Đây là cả ba nước có ký kết hợp tác trao đổi lao động với Thái Lan.
Ảnh minh họa.
Tuy nhiên, trong văn bản ngày 18/1 mà Chính phủ Thái Lan gửi bộ Lao động còn đề cập tới việc cho phép cả lao động quốc tịch Việt Nam được thực hiện các bước đăng ký làm việc trên đất Thái Lan như các lao động tới từ ba nước trên nhưng vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể.
Còn theo thông tin từ bộ Lao động Thái Lan, nước này chỉ cấp phép cho lao động mang quốc tịch Việt Nam hoạt động trong hai ngành là đánh bắt cá và xây dựng. Các ngành khác hai nước chưa có thoả thuận chính thức. Chính vì vậy, trong đợt đăng ký làm việc này phía Thái Lan cũng sẽ chỉ thúc đẩy cấp phép hoạt động cho các lao động Việt Nam ở hai ngành nghề nói trên.
Đối với hai ngành nghề xây dựng và đánh bắt cá, người lao động Việt Nam cũng không mấy mặn mà vì thu nhập khi làm việc tại Thái Lan rất thấp trong khi đó việc đăng ký lại khá khó khăn và cần nhiều thủ tục. Trong khi các thị trường lao động khác như Trung Đông hay Malaysia có thu nhập tốt hơn và điều kiện làm việc cũng đảm bảo hơn.
Cách đây gần một năm, Chính phủ Thái Lan đã đưa vào áp dụng luật lao động mới và mở các đợt truy quét lao động nước ngoài bất hợp pháp. Tuy nhiên, động thái của nhà chức trách Thái Lan đã khiến nước này rơi vào đợt khủng hoảng lao động và phía Thái Lan đã quyết định kéo dài tới hai lần thời gian cho phép lao động nước ngoài được đăng ký làm việc hợp pháp trên đất Thái.
Theo luật lao động mới ở Thái Lan, lao động nước ngoài sẽ bị phạt tối đa tới 100.000 baht (tương đương 70 triệu đồng), thậm chí chịu án tù 5 năm nếu bị phát hiện lao động bất hợp pháp. Đối với người sử dụng lao động bất hợp pháp còn bị phạt nặng hơn, ít nhất là 400.000 baht (280 triệu đồng) và cao nhất là 800.000 baht (560 triệu đồng)./.