Thí sinh không bị tạo áp lực khi thi vào Đại học Quốc gia Hà Nội
VOV.VN -Cách thức thi tương đối khách quan, các em biết ngay điểm của mình và xếp thứ hạng bao nhiêu.
Bắt đầu từ mùa tuyển sinh năm nay, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) sẽ áp dụng hình thức tuyển sinh hoàn toàn mới, đó là các thí sinh sẽ làm bài thi Đánh giá năng lực, qua đó ĐHQGHN sẽ căn cứ điểm của thí sinh để xét tuyển vào các trường thành viên.
Về đề thi, TS. Sái Công Hồng, Phó viện trưởng kiêm Giám đốc Trung tâm Khảo thí ĐHQGHN cho biết: Đề thi tổng hợp ngẫu nhiên theo ma trận đề thi. Phần mềm đề thi có 140 câu hỏi tương đương với 140 ô. Mặc dù là hình thức thi trắc nghiệm, nhưng trong phần câu hỏi vẫn có phần tự luận nên thí sinh không thể làm bài theo kiểu “đoán mò” và không có sự may rủi trong làm bài. Bài thi gồm 3 phần với 2 phần thi bắt buộc và 1 phần thi tự chọn. Thời gian đếm ngược được tính riêng với mỗi phần thi. Tổng thời gian làm bài là 195 phút.
Kết quả bài thi này có giá trị sử dụng để đăng ký dự tuyển vào ĐHQGHN trong thời gian 24 tháng kể từ ngày thi. Riêng bài thi Ngoại ngữ gồm 80 câu hỏi trắc nghiệm. Thời gian làm bài là 90 phút. Kết quả thi Ngoại ngữ có giá trị xét tuyển vào trường ĐHNN (ĐHQGHN) trong năm 2015. Trên cơ sở kết quả điểm bài thi đánh giá năng lực, ĐHQGHN sẽ xét tuyển từ điểm cao xuống điểm thấp (đến điểm sàn xét tuyển quy định theo ngành học, loại chương trình đào tạo).
Điểm ưu tiên sẽ được cộng vào kết quả bài thi Đánh giá năng lực. Mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa 2 nhóm đối tượng kế tiếp là 5 điểm, giữa 2 khu vực kế tiếp là 2,5 điểm. Đáng chú ý, ĐHQGHN sẽ không tổ chức phúc khảo bài thi.
Đổi mới để hội nhập quốc tế
PGS. Nguyễn Kim Sơn, Phó giám đốc ĐHQGHN khẳng định: Kỳ thi THPT quốc gia đang diễn ra là một phần trong lộ trình đổi mới công tác tuyển sinh nói riêng, đổi mới giáo dục đào nói chung. Đối với một kỳ thi mang tính quốc gia như vậy đòi hỏi phải tính toán rất nhiều yếu tố, từ tình hình giảng dạy, học tập… của học sinh phổ thông hiện nay, đến sách giáo khoa, các yếu tố vùng miền, đối tượng học sinh. ĐHQGHN là trung tâm đào tạo có sứ mệnh tiên phong hàng đầu trong sự nghiệp giáo dục – đào tạo. Ở đây có nguồn nhân lực khá toàn diện trong các lĩnh vực khoa học cơ bản, khoa học ứng dụng và rất nhiều lĩnh vực khác nhau. Từ năm 2012, Bộ Giáo dục – Đào tạo đã giao cho ĐHQGHN thí điểm làm phương thức tuyển sinh mới.
“Chúng tôi đã có thời gian dài để chuẩn bị từ điều kiện về cơ sở lý luận, điều kiện thực tế… Việc triển khai hình thức thi mới đã trải qua nhiều bước, xác lập cơ sở ban đầu, thử nghiệm. Quá trình này làm cho quy trình tuyển sinh hội nhập với quốc tế; các công đoạn của giáo dục đạt đến thông lệ, trình độ quốc tế nói chung, góp phần vào sự đổi mới, giúp đổi mới đào tạo. Rộng hơn, chúng tôi không chỉ nhằm cho việc tuyển sinh của mình, mà những kết quả chúng tôi đạt được hy vọng sẽ có ích cho toàn bộ nền giáo dục của nước nhà” – PGS. Nguyễn Kim Sơn nói.
Trước dư luận băn khoăn cho rằng, chất lượng và nội dung đề thi, công nghệ sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới thí sinh trong phương thức thi mới này, ông Nguyễn Kim Sơn chia sẻ: “ĐHQGHN đã có quá trình thời gian để chuẩn bị bộ đề thi, với số lượng đông đảo các nhà khoa học. Các câu hỏi đã qua quá trình phản biện, sàng lọc, chọn lọc, thí điểm trên nhiều trường phổ thông, cho nên những câu hỏi trong bộ đề đảm bảo được tính khách quan, công bằng, tương đương về độ khó giữa các đề thi, ca thi, đợt thi. Tôi tin rằng bộ đề được xây dựng trên cơ sở khoa học kiểm tra đánh giá tiên tiến, có thể đảm bảo được các yêu cầu đó. Các em thí sinh có thể yên tâm với bộ đề đưa ra”.
PGS. Nguyễn Kim Sơn cũng khẳng định: Tại thời điểm này, với điều kiện về máy móc thiết bị của Việt Nam, công nghệ phần mềm và thí sinh làm quen với việc làm bài trên máy tính, đã có thể cho phép triển khai các phương án này. ĐHQGHN đã xây dựng phần mềm đủ mạnh, đã chạy thử và thấy có thể đáp ứng được cho phần lớn thí sinh dự thi. Khi triển khai thi, hệ thống máy tính phòng thi sẽ được kết nối với máy chủ, đảm bảo độ an toàn; bên cạnh đó, có hệ thống máy tính dự phòng trong từng phòng thi. Nếu như có trục trặc nhỏ nào đó, thí sinh sẽ được bố trí làm bài ở máy dự phòng. Trong từng ca thi, nếu thí sinh có trục trặc nào đó thì có thể chuyển ngay sang thi ở ca tiếp theo, để đảm bảo quyền lợi và sự thuận thiện cho thí sinh.
Ngày 14/3 vừa qua, ĐHQGHN đã tổ chức 3 phòng thi, với hơn 100 em học sinh lớp 12 trường THPT Đại Từ (Thái Nguyên) làm bài thi thử Đánh giá năng lực. Thầy Trần Văn Hưng, Hiệu trưởng trường THPT Đại Từ cho biết, đa số thí sinh thích thú với cách thức thi này vì tương đối khách quan, các em làm bài thi trong một quãng thời gian là biết ngay điểm của mình và xếp thứ hạng bao nhiêu; trong quá trình làm bài, các em không bị tạo áp lực lớn. Với kỳ thi này, không phải các em cứ thi là phải vào ĐHQGHN, mà qua đó có thể đánh giá năng lực của mình, xem các em còn thiếu ở điểm nào để tiếp tục ôn luyện để tham gia kỳ thi tiếp theo.
“Trong hình thức thi này có cả Toán, Văn bắt buộc theo cấu trúc Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội, đề thi dàn trải, tránh tình trạng học lệch và dạy thêm, học thêm tràn lan. Đối với cán bộ quản lý như chúng tôi, rất dễ chỉ đạo trong việc dạy và học” – thầy Hưng nói./.