Trưởng thành từ người thợ
VOV.VN - Đóng góp trí tuệ, tâm huyết của những người thợ đã tô thắm hình ảnh tốt đẹp của giai cấp công nhân thành phố
Không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, những năm qua, đội ngũ công nhân thành phố Hồ Chí Minh đã và đang có mặt trong tất cả các ngành nghề, các thành phần kinh tế, đóng góp trực tiếp và to lớn vào sự phát triển của thành phố. Từ các phong trào lao động giỏi, lao động sáng tạo, Giải thưởng mang tên Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã ra đời vào năm 1999 do Liên đoàn Lao động thành phố Hồ Chí Minh khởi xướng nhằm phát hiện, tôn vinh những điển hình tiên tiến. Đó là những người công nhân, kỹ sư đã biết kết hợp nhuần nhuyễn giữa mục tiêu lao động sáng tạo, đào tạo thợ giỏi với với việc phấn đấu trở thành người thợ đầu đàn, góp phần khẳng định chuẩn mực của người công nhân trong giai đoạn cách mạng mới.
Là người ham hiểu biết, chị Nguyễn Thị Huyền đã dành thời gian ít ỏi sau giờ làm việc để học lên Đại học, và những kiến thức có được đã hỗ trợ chị rất nhiều trong sản xuất. Chị Huyền chia sẻ: “Hàng năm, phong trào phát động thi đua sáng kiến cải tiến kỹ thuật luôn được công ty và công đoàn tổ chức, đồng thời dành số tiền không nhỏ để khen thưởng dù là sáng kiến nhỏ nhất. Từ đó đã khuyến khích người lao động phải luôn ấp ủ, tìm ra những cách làm mới”.
Sự cần mẫn, sáng tạo trong lao động của những người thợ giỏi đã thổi luồng sinh khí mới, tạo nên không khí lao động hăng say cho tập thể công nhân tại các doanh nghiệp. Riêng đối với anh Sử Văn Dũng, Đội trưởng đội cơ động Truyền tải điện Miền Đông 2, thuộc Công ty Truyền tải Điện 4 thì những nghiên cứu mới của anh luôn hướng tới việc đảm bảo hệ số an toàn cao cho công nhân ngành điện. Đến nay anh đã có hơn 30 sáng kiến cải tiến, mỗi sáng kiến tiết kiệm hàng trăm triệu đồng cho công ty.
Anh Sử Văn Dũng luôn tự hào với công việc mà mình đã gắn bó suốt 32 năm qua. “Hiện nay ngành điện cũng là một trong các lĩnh vực chủ đạo của kinh tế đất nước. Tôi rất hãnh diện đem lại nguồn sáng đến với người dân”, anh Dũng bày tỏ.
Bằng tất cả niềm đam mê, các kỹ sư, công nhân đã ngày đêm tìm tòi, đầu tư công sức cho ra đời nhiều đề tài khoa học ứng dụng có hiệu quả trong thực tiễn. Cũng nhờ ham mê học hỏi, nghiên cứu mà anh Lương Quốc Huy, từ một nhân viên kỹ thuật đã trở thành trưởng chi nhánh 6 Công ty Truyền hình cáp SCTV. 14 năm công tác trong ngành viễn thông, anh đã có 8 sáng kiến với tổng giá trị làm lợi trên 40 tỷ đồng. Những thách thức đến từ công nghệ, từ phương thức quản lý cho đến chứng từ, sổ sách kế toán đều được anh học hỏi kỹ. 57 chi nhánh của Công ty phủ mạng cáp khắp cả nước cũng là các nơi anh đến công tác để huấn luyện công nhân, cán bộ trẻ.
Anh Lương Quốc Huy tâm niệm: “Tôi rất mong muốn được học hỏi nhiều nữa, cố gắng xứng đáng như lời Bác Tôn đã nói, đó là đội ngũ công nhân phải luôn tiên phong trong các phong trào thi đua và phải không ngừng học tập để vươn lên”.
Chính từ những sáng kiến và tâm huyết của những cán bộ kỹ thuật, công nhân ưu tú khiến chúng ta càng tự hào hơn về đội ngũ công nhân lao động của thành phố. Họ đã sống, lao động, cống hiến với những suy nghĩ giản đơn là công nhân có thêm việc làm, doanh nghiệp ngày càng phát triển.
Bà Nguyễn Thị Thu, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Sắp tới, chúng tôi sẽ tập trung đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sáng tạo, lao động giỏi ở tất cả các đơn vị, doanh nghiệp và các địa phương. Bên cạnh việc tập trung cho các ngành trọng điểm của thành phố, cũng chú ý đến ngành nông nghiệp kỹ thuật cao, phục vụ cho quá trình xây dựng nông thôn mới của thành phố”.
Sự nỗ lực, phấn đấu âm thầm, bền bỉ của những cá nhân đạt Giải thưởng Tôn Đức Thắng suốt 14 năm qua đã góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của thành phố. Những đóng góp trí tuệ, tâm huyết của họ đã tô thắm hình ảnh tốt đẹp của giai cấp công nhân, xứng đáng là những tấm gương điển hình để công nhân viên chức, lao động thành phố học tập và noi theo, tiếp tục nỗ lực phấn đấu, không tự hài lòng với chính mình để vươn lên chiếm lĩnh đỉnh cao tri thức./.