Từ vụ học sinh trường Gateway tử vong: “Lỗ hổng” xe buýt trường học
VOV.VN - Liên quan đến vụ việc xe chở học sinh ở trường Quốc tế Gateway, nhiều người đã đặt vấn đề phải có quy định với xe đưa đón học sinh hiện nay.
Tại Hà Nội hiện nay, đa số các trường từ cấp 1 đến cấp 3 đều có dịch vụ đưa đón học sinh và số lượng xe này tăng chóng mặt. Trong khi xe đưa đón học sinh, là đối tượng đặc thù phải có quy định quản lý bắt buộc.
Tuy nhiên, hiện tại dịch vụ xe đưa đón học sinh vẫn hoàn toàn tự phát, mạnh trường nào trường đó làm, không có bất cứ chuẩn mực nào về giá cả, chất lượng, cũng như hạ tầng giao thông.
Một xe đưa đón học sinh trường quốc tế Gateway. |
Sau vụ xe chở học sinh của trường liên cấp quốc tế Gateway (Cầu Giấy, Hà Nội) đã bỏ quên 1 học sinh lớp 1 trên xe từ sáng đến chiều khiến cháu bị tử vong đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh, cảnh báo. Đây chính là một “lỗ hổng” về quy định pháp lý và dẫn tới hệ luỵ như trường hợp ở trường quốc tế Gateway. Và nếu không có quy định cụ thể, những vụ tai nạn thương tâm chưa thể dừng lại ở chỉ một mình trường Gateway.
Chưa có quy chuẩn xe đưa đón học sinh
Theo số liệu phóng viên VOV.VN nắm được, hiện tại trên địa bàn TP Hà Nội có hơn 100 trường học sử dụng xe đưa đón học sinh. Nếu trung bình mỗi trường sử dụng 10 chuyến mỗi ngày thì sẽ có cả ngàn chuyến xe đưa học sinh đến trường. Đó là một con số không hề nhỏ. Nếu làm thống kê trên khắp cả nước thì sẽ là một con số khiến chúng ta “giật mình”.
Về vấn đề này, theo bà Phan Thị Thu Hiền - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT), hiện Việt Nam không có quy định riêng cho xe đưa đón học sinh.
Cơ quan chức năng khám nghiệm chiếc xe ô tô chở bé L. |
“Ở nước ta, các xe đưa đón học sinh hiện nay có thể do trường đầu tư và đăng ký dưới dạng xe vận chuyển nội bộ, hoặc thuê xe hợp đồng. Nhưng dù hình thức nào, tất cả xe này đều là hoạt động vận tải hành khách có điều kiện, phải đáp ứng đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn về xe kinh doanh. Sự việc cháu bé tử vong không phải do thiếu quy định, hoàn toàn do ý thức lái xe và nhân viên nhà trường, các nhân viên quá tắc trách”, bà Hiền nói.
Theo bà Hiền, nguyên tắc lái xe khách khi rời khỏi xe phải kiểm tra xe trước khi rời đi. Nếu các nguyên tắc đó được thực hiện, vụ việc đáng tiếc trên đã không xảy ra.
Trường Gateway ở quận Cầu Giấy, Hà Nội nơi vừa xảy ra sự việc đau lòng. Ảnh: Zing.vn |
Còn theo một lãnh đạo Bộ GTVT, xe hợp đồng đưa đón học sinh hiện đều có quy định về các nội dung hợp đồng, như phải đảm bảo an toàn, giám sát hành trình, bảo hiểm, trách nhiệm...
“Mỗi trường khi xin phép thành lập trong đề án nếu có phần xe đưa đón, ngành giáo dục sẽ căn cứ theo quy định để cấp phép. Do đó, việc kiểm tra, giám sát do ngành giáo dục chủ trì và phối hợp với ngành giao thông địa phương thực hiện”, vị lãnh đạo Bộ GTVT cho biết.
Bộ trưởng Bộ GTVT yêu cầu bổ sung quy định
Ngay trong chiều qua (7/8), Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia đã có văn bản yêu cầu siết lại hoạt động vận tải đưa đón học sinh.
Một xe ô tô chở học sinh của trường Ngô Thời Nhiệm. |
Theo đó, Bộ GTVT rà soát các quy định về an toàn và sức khỏe trẻ em trên xe ô tô. Đặc biệt, cần nghiên cứu, bổ sung các quy định pháp luật và hướng dẫn cụ thể đối với xe khách hợp đồng đưa đón học sinh.
TS Trần Hữu Minh, Phó chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, với đặc thù xe đưa đón trẻ em, cơ quan chức năng cần có quy định để đảm bảo chặt chẽ hơn, trong bối cảnh nhà nước chưa thể cung cấp riêng loại hình xe buýt này.
Dẫn chứng kinh nghiệm tổ chức xe đưa đón học sinh tại Mỹ, xe đưa đón học sinh có sơn màu vàng đặc trưng, khi thấy phương tiện này dừng đỗ, tất cả các phương tiện đang lưu thông phải dừng lại, chờ học sinh xuống xe và lên hết vỉa hè mới được tiếp tục lưu thông. Bên cạnh đó, xe đưa đón học sinh có điểm đón và điểm trả cụ thể, gần như mô hình xe buýt. Do vậy, một số ý kiến cũng cho rằng, việc đưa đối tượng này vào quản lý giống như xe buýt có thể đem lại hiệu quả tốt hơn.
"Ở đây cần sự chung tay của chính quyền cơ sở, cơ quan quản lý trong việc tổ chức những không gian, điểm đón trả hợp lý, đặc biệt là tổ chức giao thông tiếp cận đến các điểm đón trả một cách an toàn đồng thời tổ chức thanh tra, kiểm tra để đảm bảo chất lượng và độ tin cậy của dịch vụ đưa đón học sinh cũng rất quan trọng", TS Trần Hữu Minh nói.
Xe buýt học sinh của Mỹ. Ảnh minh họa. |
Còn theo Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục CSGT, cùng với quy định về xe đưa đón học sinh, phần lớn các tỉnh thành phố thực hiện đều gặp vướng mắc về nơi dừng đỗ cho xe đưa đón học sinh, khiến các phương tiện này bạ đâu đỗ đấy, trừ khu vực có biển cấm dừng đỗ.
Từ thực tế này, Đại tá Phạm Thanh Bình cho rằng, để việc đưa đón học sinh được tổ chức tốt, đơn vị kinh doanh vận tải phải xác định kinh doanh vận tải thì phải đáp ứng yêu cầu về an toàn.
Về phía cơ quan quản lý nhà nước như Bộ GTVT và các đơn vị trực thuộc cần phối hợp cùng CSGT khảo sát, đánh giá để có chuyên đề nghiên cứu phục vụ việc sửa đổi các quy định để an toàn nhất cho trẻ em.
Mỗi trường chọn kiểu, loại xe khác nhau rất bát nháo, khó quản lý. |
"Chúng tôi cho rằng tiến tới phải có một đề án giữa ngành giáo dục và ngành giao thông xem nhu cầu sử dụng xe vận chuyển học sinh cụ thể. Chúng tôi đặt lên đầu là an toàn cho học sinh, sinh viên khi tham gia vận tải công cộng, đặc biệt là xe hợp đồng này là phải đặt lên hàng đầu để đảm bảo tuyệt đối an toàn cho học sinh...", Đại tá Đỗ Thanh Bình cho biết.
Hà Nội chỉ đạo rà soát sau vụ Gateway
Trước việc xe hoạt động theo hình thức hợp đồng chở học sinh nhưng không có phép và gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra ở trường quốc tế Gateway, đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, đơn vị sẽ xin chủ trương để tiến hành tổng rà soát, kiểm tra loại xe này.
Theo ông Vũ Hà, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, hình thức xe hợp đồng vận chuyển học sinh đang nở rộ trên địa bàn thành phố Hà Nội. Việc quản lý, giám sát hoạt động loại xe này trong thời gian vừa qua đơn vị đã nắm được việc. Thời gian qua Sở GTVT Hà Nội đã có một số lần đề nghị Sở GD&ĐT Hà Nội rà soát, báo cáo.
Đã đến lúc cần có quy định, quy chuẩn và chuẩn hóa xe đưa đón học sinh. |
Gần đây nhất là cuối năm 2018, Sở GTVT Hà Nội đã có văn bản số 8889 gửi Sở GD&ĐT, đề nghị với nội dung: Hiện nay nhiều đơn vị tham gia kinh doanh vận tải đưa, đón học sinh, người lao động đi học tập, làm việc trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, có tình trạng một số cá nhân, tổ chức sử dụng xe ô tô khách và người lái không đủ điều kiện kinh doanh vận tải, không thực hiên đúng quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải để vận chuyển hành khách, hợp đồng đưa đón học sinh, người lao động, tìm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
Để chấn chỉnh công tác trên có hiệu quả hơn, ông Vũ Hà cho biết, thời gian tới, Sở GTVT sẽ xin ý kiến thành phố cho rà soát, tổng kiểm tra xe chở học sinh, giáo viên, người lao động theo hình thức hợp đồng.
“Với những trường, đơn vị doanh nghiệp không đủ điều kiện, không đáp ứng các yêu cầu theo quy định của Chính phủ, Sở GTVT Hà Nội phối hợp với các đơn vị có liên quan cương quyết dừng hoạt động và xử lý vi phạm theo các quy định hiện nay”, ông Hà khẳng định./.
Kỹ năng thoát hiểm cho bé khi bị bỏ quên trên xe ô tô
Nếu trẻ bị bỏ quên trên xe ô tô đóng kín cửa, không bật điều hòa thì chỉ trong thời gian rất ngắn, trẻ sẽ bị thiếu oxy, hôn mê và tử vong. Bên cạnh đó, nếu thời tiết nắng nóng, trẻ bị sốc nhiệt và bị mệt mỏi, kiệt sức, say nóng và sốc nhiệt dẫn tới hậu quả xấu.
Vì vậy việc dạy trẻ những kĩ năng thoát hiểm trong tình huống bị bỏ quên một mình trên xe là vô cùng quan trọng. Trong trường hợp rơi vào tình huống này, bạn nên hướng dẫn bé các kĩ năng sau:
- Thử mở các cửa ô tô: Khi bị bỏ rơi trên xe ô tô, hãy dạy trẻ thử mở các cửa bởi may mắn có thể một cánh cửa xe chưa được đóng kín. Từ đó trẻ có thể thoát ra ngoài.
- Liên lạc tìm sự trợ giúp: Với trẻ được trang bị điện thoại di động, bé có thể gọi điện ra ngoài để nhờ sự giúp đỡ. Bố mẹ hãy lưu một vài số điện thoại quan trọng và hướng dẫn trẻ gọi khi xảy ra sự cố như số bố mẹ, giáo viên hoặc cảnh sát, cứu thương.
- Tìm mọi cách để phát ra âm thanh: Bấm còi xe, tìm các dụng cụ có thể phát ra âm thanh trên xe và sử dụng, gọi to… để thu hút sự chú ý từ người xung quanh.
- Kĩ năng phá kính ô tô: Các gia đình, nhà trường nên trang bị dụng cụ phá kính ô tô trong xe và không quên dạy trẻ cách đập vỡ cửa sổ kính trên ô tô để tự thoát thân nếu chẳng may bị bỏ quên trong xe. Trong trường hợp không có dụng cụ phá kính, bố mẹ có thể hướng dẫn bé cách tìm các dụng cụ, đồ vật khác trong xe sau đó tìm cách phá kính ô tô.
- Trường hợp không thể phá kính nhưng tiếng ồn có thể thu hút sự chú ý của người xung quanh, tăng khả năng bé được giải cứu lên cao hơn.
Vụ bé trai trường Gateway tử vong: Khám nghiệm hiện trường xe ô tô
Vụ học sinh trường Gateway tử vong: Ai phải chịu trách nhiệm hình sự?
Xe chở học sinh lớp 1 trường quốc tế Gateway tử vong hoạt động “chui”