Nghị định số 155 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường có hiệu lực từ ngày 1/2/2017. Nhưng từ khi thực hiện đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh chỉ phát hiện, lập biên bản xử phạt được một số trường hợp với số tiền phạt hơn 10 triệu đồng. Các lỗi vi phạm chủ yếu là xả nước thải, rác thải ra môi trường. Còn các vi phạm khác như tiểu tiện, đại tiện không đúng nơi quy định, khạc nhổ bừa bãi... lại rất khó xử lý.
Hành vi xả rác bừa bãi vẫn diễn ra hàng ngày ngoài đường, trên vỉa hè và cả những nơi công cộng ở Thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài nguyên nhân do nhiều người thiếu ý thức nên xả rác, phóng uế bừa bãi ra môi trường, việc thiếu nhà vệ sinh công cộng cũng là nguyên nhân khiến nhiều người vi phạm bất đắc dĩ.
Tại Quận 1, nơi có rất đông khách du lịch nhưng chỉ có 30 nhà vệ sinh công cộng. Hiện nay, đa số nhà vệ sinh công cộng này đã xuống cấp và không đảm bảo vệ sinh nhưng vẫn được khai thác và thu phí. Còn cả thành phố có hơn 200 nhà vệ sinh công cộng có thu phí, trong đó có hơn 150 nhà vệ sinh tập trung ở bến xe, khu du lịch và công viên. Hầu hết chất lượng nhà vệ sinh ở đây đều rất thấp và vị trí đặt không phù hợp, từ đó phát sinh những hành vi thiếu ý thức như là phóng uế bừa bãi của người dân và du khách vãng lai.
Ông Nguyễn Huy Quang, Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Loại vi phạm này đã xảy ra là rất nhanh, nơi vi phạm cũng cơ động và người vi phạm có thể là người địa phương cũng có thể là người khách vãng lai ở nơi khác đến do đó để xử lý rất khó khăn. Khi phát hiện và xác định vi phạm, tống đạt quyết định xử phạt cũng rất khó khăn, nhất là đối với trường hợp vi phạm không phải là người địa phương”.
Chúng tôi có mặt tại đường số 10, thuộc địa bàn phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, nơi được lắp đặt hệ thống camera quan sát. Mặc dù vậy, việc người đi đường, người buôn bán hàng rong vứt rác ra đường vẫn diễn ra phổ biến mà không có ai nhắc nhở hay xử phạt.
|
Ông Đức hàng ngày đi vớt rác tại kênh Liên Thường. |
Ông Nguyễn Ngọc Đức, một cựu chiến binh ở Khu phố 8, phường Bình Trị Đông cho biết từ khi phường gắn camera, tình trạng vứt rác bừa bãi và phóng uế nơi công cộng đã đỡ được phần nào. Nhiều người biết có camera theo dõi thì sợ bị phạt, nhưng cũng còn nhiều người vẫn lén lút xả rác ra đường. Ông Đức thường đến tận các hộ dân và những cơ sở kinh doanh để vận động mọi người vứt rác đúng nơi quy định. Ông cũng tự tay nhặt rác ở nhiều nơi rồi mang đến những bỏ vào thùng rác.
Ông Nguyễn Ngọc Đức nói: “Một thời gian thấy dân có ý thức kém lắm nhưng sau rồi thấy tôi cứ lụi cụi làm hoài vậy đó, bây giờ hàng ngày tôi cứ vớt rác ở đây, bà con cũng nên bỏ rác đúng vị trí chút. Nhiều lúc khi trời mưa xuống rác sẽ trôi hết xuống dưới kênh đến ngày hôm sau tôi cũng phải đi vớt. Bà con cứ suy nghĩ vậy mà bà con giữ gìn vệ sinh cho sạch”.
So với các quy định trước đây, nghị định 155 đã tăng mức phạt lên nhiều lần đối với hàng loạt các hành vi vi phạm về vệ sinh nơi công cộng. Các hành vi vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị, có thể bị phạt từ 1 - 3 triệu đồng, mức cao từ 5 - 7 triệu đồng. Nghị định cũng nêu rõ, đơn vị xử phạt những vi phạm về môi trường là Ủy ban nhân dân phường, xã hay chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, quận, tỉnh, thành phố. Đối với lực lượng công an, trưởng công an xã, phường hay trưởng trạm công an cửa khẩu, khu chế xuất có quyền xử phạt tối đa 2,5 triệu đồng. Quy định là vậy, nhưng rất ít cơ quan hành chính hoặc lực lượng công an ở địa phương thực thi việc này.
Trên thực tế, nếu không bắt được tận tay, hoặc không có thiết bị ghi hình xác định rõ hành vi vi phạm thì các cơ quan có thẩm quyền không thể lập biên bản vi phạm các hành vi tiểu tiện, đại tiện không đúng nơi quy định hay vứt rác, xả nước thải ra vỉa hè, lòng đường.
Ông Nguyễn Thanh Hoàng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Bình Trị Đông, Quận Bình Tân cho biết: “Trên địa bàn phường mà có những điểm nào dân thường hay vứt rác, UBND phường lắp đặt camera bảo vệ công tác môi trường. Khi có camera, những trường hợp bỏ rác hoặc đi tiểu không đúng nơi qui định sẽ có cơ sở pháp lý này để xử lý xử phạt hành chính đối với những người vi phạm”.
Để công tác bảo vệ môi trường hiệu quả hơn, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh đang phối hợp với các ngành chức năng thực hiện các giải pháp xử phạt vi phạm trên 24 quận, huyện của thành phố. Các hành vi vi phạm sẽ bị xử phạt thông qua hệ thống camera được gắn trên những trục giao thông chính. Bên cạnh việc xử phạt, thành phố cũng tăng cường công tác vận động, tuyên truyền để nâng cao ý thức tự giác giữ gìn vệ sinh công cộng của người dân./.