Vì sao trận mưa lũ lớn lịch sử lại xuất hiện tại Quảng Ninh?
VOV.VN - Những ngày qua tại tỉnh Quảng Ninh xuất hiện những trận mưa lớn lịch sử, gây lũ lụt nghiêm trọng làm 17 người chết, gây ngập lụt, ách tắc nhiều nơi.
Phóng viên VOV đã trao đổi với ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia về nguyên nhân của những trận mưa lớn lịch sử xuất hiện tại đây
PV: Thưa ông, chỉ trong vài ngày qua tại tỉnh Quảng Ninh ghi nhận lượng mưa lớn đột biến, gây hậu quả nghiêm trọng. Ông có thể cho biết nguyên nhân gây nên hiện tượng này?
Ông Lê Thanh Hải: Chúng tôi đang phân tích để lí giải nguyên nhân. Sơ bộ thì trong 6 ngày vừa qua có một vùng áp thấp hoạt động trên vịnh Bắc bộ. Áp thấp này hầu như không dịch chuyển. Tâm nằm tại giữa vịnh Bắc bộ. Vùng áp thấp này hoạt động mạnh từ vùng thấp lên tầng cao.
Đường ống nước D800 bị gãy. |
Đây là vùng thấp tương tự như áp thấp nhiệt đới nhưng gió bề mặt không mạnh bằng và nó không di chuyển nên gây mưa lớn vùng ven biển, đặc biệt là Quảng Ninh. Tỉnh Quảng Ninh lại có địa hình nhiều đồi núi, đặc biệt có vòng cung Đông Triều tạo điều kiện cho các hội tụ tại địa hình này nên mới có lượng mưa khủng khiếp như vậy.
PV: Trong thời gian sắp tới tình hình mưa lũ sẽ tiếp tục diễn biến như thế nào, thưa ông?
Ông Lê Thanh Hải: Theo những phân tích mới nhất của chúng tôi, vùng áp thấp gây ra lượng mưa kỷ lục tại các vùng ven biển tỉnh Quảng Ninh đang có dấu hiệu suy yếu và dịch chuyển dần về phía đồng bằng trung du Bắc bộ. Từ hôm nay (29/7) đến ngày 3/8, Bắc bộ sẽ có mưa to trên diện rộng, có nơi mưa rất to, đặc biệt là khu vực ven biển Bắc bộ và vùng núi phía Bắc. Như vậy, ở Quảng Ninh sẽ tiếp tục có mưa to và mở rộng sang Hải Phòng, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An… Đợt mưa này sẽ kéo đến ngày 4/8 mới có dấu hiệu kết thúc. Theo thống kê của chúng tôi đây cũng là đợt mưa lớn nhất từ đầu mùa đến giờ ở Bắc bộ và Bắc Trung bộ.
PV: Như vậy, đợt mưa lớn này sẽ tiếp tục kéo dài khoảng 1 tuần nữa. Ông có cảnh báo gì đối với người dân và các địa phương nằm trong vùng ảnh hưởng?
Ông Lê Thanh Hải: Hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình có khả năng lên mức lũ ở cấp 2 đến cấp 3. Thượng lưu sông Hồng, sông Thái Bình như sông Đà, sông Thao, sông Lô… nước có thể lên từ 3 đến 7m, gây nguy cơ sạt lở cho các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Giang, Thái Nguyên, Bắc Cạn, Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang và Phú Thọ. Cấp độ rủi ro thiên tai là cấp 2, cấp 3. Các tỉnh ở đồng bằng Bắc bộ, ven biển như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định thì khả năng bị ngập lụt đô thị và các vùng ven biển là rất lớn trong những ngày sắp tới.
Ngoài ra, theo đánh giá của Viện Địa chất – Khoáng sản (Bộ Tài Nguyên và Môi trường), hiện nay, tại tỉnh Quảng Ninh có nguy cơ lũ quét và sạt lở đất do mưa quá lớn, đặc biệt nhiều và kéo dài. Toàn bộ vùng đất đã bị thấm và trữ nước quá nhiều nên giờ chỉ cần trận mưa vừa phải cũng có thể gây nguy cơ sạt lở đất rất lớn trong vài ngày tới.
Xin cảm ơn ông!