Vụ sập nhà cổ ở Hà Nội: Trách nhiệm thuộc chủ sở hữu công trình?
VOV.VN -Ông Lê Văn Thịnh cho rằng, trách nhiệm trước hết thuộc về Ban Quản lý Dự án đường sắt khu vực 1, thuộc Tổng Công ty đường sắt Việt Nam.
Liên quan đến sự việc ngôi biệt thự hơn 100 năm tuổi ở số 107 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội bất ngờ đổ sập, làm 2 người chết và 6 người bị thương, trả lời phỏng vấn của phóng viên VOV, ông Lê Văn Thịnh, nguyên Trưởng phòng Giám định 1, Cục Giám định Nhà nước về Chất lượng công trình xây dựng, Bộ Xây dựng cho rằng, trách nhiệm trước hết thuộc về Ban Quản lý Dự án đường sắt khu vực 1, thuộc Tổng Công ty đường sắt Việt Nam – chủ sở hữu công trình này. Đồng thời cho biết, vấn đề sở hữu các biệt thự cổ hiện đang có nhiều bất cập.
PV: Thưa ông, theo quy định hiện hành, việc quản lý, kiểm tra, cải tạo các biệt thự, nhà cổ có tuổi đời cao hàng chục năm đến hơn 100 năm như thế nào?
Ông Lê Văn Thịnh: Tại Điều 45, Nghị định 46 năm 2015 của Chính phủ về “Quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng” đã quy định về việc xử lý các công trình hết thời hạn sử dụng có nhu cầu sử dụng tiếp.
Từ vụ sập nhà cổ trên phố Trần Hưng Đạo lộ nhiều bất cập trong quản lý nhà cổ |
Cụ thể, đối với các công trình hết thời hạn sử dụng, chủ sở hữu hoặc người quản lý sử dụng phải thực hiện tổ chức kiểm tra, kiểm định, đánh giá chất lượng hiện trạng của công trình; gia cố cải tạo sửa chữa hư hỏng của công trình (nếu có) để đảm bảo công năng, an toàn sử dụng trước khi xem xét quyết định việc tiếp tục sử dụng công trình.
Ngoài ra, cũng có những quy định đánh giá các nhóm biệt thự là nhóm 1, nhóm 2, nhóm 3, tùy theo mức độ nguy hiểm để chính quyền trên cơ sở đó xử lý. Đối với công trình 107 Trần Hưng Đạo, do công trình này không thuộc đối tượng phụ lục số 2 của Nghị định 46, nên Ban Quản lý Dự án đường sắt khu vực 1, thuộc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam là chủ sở hữu quản lý sử dụng công trình được quyền tự quyết định việc tiếp tục sử dụng sau khi thực hiện các công việc như kiểm tra, kiểm định, gia cố.
PV: Để xảy ra sự cố sập biệt thự số 107 Trần Hưng Đạo ngày 22/9, rõ ràng trách nhiệm của các đơn vị liên quan cần được xem xét. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
Ông Lê Văn Thịnh: Theo tôi hoàn toàn đúng. Trước hết là về trách nhiệm thuộc về Ban Quản lý Dự án đường sắt khu vực 1, thuộc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam vì họ là chủ sở hữu công trình này.
Trước đó, Bộ Tài chính đã có giao chuyển đổi quản lý công trình này sang sở hữu toàn dân, nhưng trong khi chuyển giao chưa xong thì trách nhiệm này vẫn thuộc về Ban Quản lý Dự án đường sắt khu vực 1. Tôi nghĩ là họ quá biết về tình trạng, hiện trạng nên chẳng lý gì mà họ có thể chối bỏ trách nhiệm trong việc kiểm tra, tu bổ, bảo đảm sự an toàn cho công trình này.
PV: Theo ông, đâu là những bất cập trong việc quản lý các biệt thự, nhà cổ hiện nay?
Ông Lê Văn Thịnh: Bất cập nhìn thấy rõ ràng nhất là vấn đề sở hữu. Trước đây biệt thự từ thời Pháp thuộc là chỉ có một ông chủ, nhưng bây giờ thì có quá nhiều ông chủ ở trong các biệt thự này. Một biệt thự sau khi sụp đổ thì hiện chính quyền Hà Nội đang phải lo di chuyển tới 40 căn hộ để tạm cư.
Tôi nghĩ là không bao giờ một biệt thự bị “nhồi” từng ấy người vào. Cho nên thực chất là tất cả các hộ ở biệt thự đã không thực hiện công tác bảo trì công trình, mà ngược lại họ thi nhau phá vỡ toàn bộ công năng, kiến trúc và kết cấu của biệt thự. Tất cả việc làm này của nhiều ông chủ đe dọa đến sự an toàn của từng biệt thự. Đây là bất cập cực kỳ lớn.
Tôi nghĩ rằng để khắc phục thì tốt nhất là tất cả các biệt thự này Nhà nước nên thu hồi lại và chuyển các hộ này đến các chung cư ở khu vực khác. Còn các biệt thự này quay về một chủ là Nhà nước. Nhà nước mới có chi phí để cải tạo, sửa chữa, thậm chí nếu cần thiết có thể giải quyết phá vỡ khi các công trình ở mức độ nguy hiểm.
PV: Theo ông, cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương cần có giải pháp gì để tránh những sự cố đáng tiếc như vậy xảy ra?
Ông Lê Văn Thịnh: Theo tôi, tốt nhất là các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần lập một đề án, hoặc hơn nữa là một dự án, để tiến hành khảo sát tình trạng, đánh giá mức độ nguy hiểm của các kết cấu nhà cổ, đặc biệt các công trình xây bằng gạch đá.
Trình tự bước thứ nhất là đánh giá mức độ nguy hiểm của từng cấu kiện, rồi phân các cấu kiện thành các loại nguy hiểm và không nguy hiểm. Bước 2 là đánh giá mức độ nguy hiểm của các bộ phận nhà, sau đó cũng là chia theo các cấp A, B, C, D. Bước 3 là đánh giá toàn bộ mức độ nguy hiểm của nhà.
Nếu như công trình rơi vào cấp D là cấp cực kỳ nguy hiểm, tổng thể nguy hiểm thì có thể phá dỡ toàn bộ chứ không thể cải tạo sửa chữa được. Tôi nghĩ rằng các cơ quan, chính quyền nên khẩn trương làm trong cả nước, chứ không phải chỉ riêng Hà Nội. Vì ở thành phố Hồ Chí Minh, vừa qua cũng đã có một số công trình nhà cũ, nhà cổ bị đổ vì có tuổi thọ đến 100 năm rồi.
Bài học này không chỉ riêng đối với chính quyền Hà Nội, mà còn đối với các chính quyền địa phương khác có các công trình cổ và cũ như vậy./.
PV: Xin cảm ơn ông!./.