Xuân mới trên bản tái định cư Sìn Hồ
VOV.VN - Cuộc sống của người dân trên bản tái định cư Sìn Hồ ngày càng khởi sắc. Nhiều lĩnh vực được địa phương quan tâm nên bà con rất phấn khởi.
Vượt bao khó khăn trong những năm đầu chuyển về vùng đất mới, đến nay, đời sống đồng bào các dân tộc trong vùng tái định cư thủy điện Sơn La trên địa bàn huyện biên giới Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu đã có nhiều khởi sắc. Các bản làng tái định cư nay đã mang diện mạo của sự đủ đầy, no ấm.
Hơn 70 tuổi nhưng thoạt nhìn ông Tao Văn Cầm, ở bản tái định cư Phiêng Lót, xã Nậm Tăm, huyện Sìn Hồ như ở tuổi 50, bởi vóc dáng cao to, nhanh nhẹn. Để có được sức khỏe như vậy là nhờ đời sống vật chất, tinh thần của gia đình ông và bà con trong bản đã có nhiều đổi thay nhờ chính sách tái định cư.
Người dân bản Phiêng Lót, xã Nậm Tăm đang họp bàn tổ chức lễ hội vui xuân ngày tết |
Ông Cầm phấn khởi cho biết, gia đình ông là một trong những hộ tiên phong di dời về nơi ở mới. Tuy ban đầu gặp nhiều khó khăn, nhưng chỉ một thời gian ngắn, hệ thống điện, đường, trường trạm đã được Nhà nước đầu tư kiên cố. Nhờ sự quan tâm của các cấp chính quyền bằng các chính sách hỗ trợ, định hướng phát triển nông nghiệp cuộc sống bà con trong bản dần ổn đình và phát triển.
Cả bản bây giờ toàn nhà sàn, nhà xây khang trang lợp tôn. Phấn khởi nhất là nhờ chính sách đầu tư nông thôn mới, nhà nào cũng có đường bê tông đến tận ngõ rất sạch sẽ.
Người dân bản Phiêng Lót, xã Nậm Tăm đang họp bàn tổ chức lễ hội vui xuân ngày tết |
“Trước đây, cuộc sống của người dân là vất vả, không có điện, không có đường, trường, trạm. Đến nay, chúng tôi chuyển lên đây tái định cư cuộc sống cũng khá hơn chỗ cũ. Điện, đường, trường, trạm được Nhà nước cũng đầu tư vào nhiều, bà con rất phấn khởi.
Sản xuất nông nghiệp cũng được nhà nước cũng đầu tư vào nhiều, như đầu tư giống má, nuôi trồng thủy sản … Nói chung là đón tết trên này hơn chỗ cũ. Chúng tôi đang chuẩn bị lương thực, thực phẩm, thể dục thể thao, văn hóa văn nghệ để bà con phấn khởi ăn tết”- ông Tao Văn Cầm nói.
Cách nhà ông Cầm không xa là ngôi nhà xây kiên cố của gia đình anh Tao Văn Xanh. Trước khi về bản tái định cư, gia đình anh thuộc diện hộ nghèo trong xã và năm nào cũng phải nhận gạo cứu đói của Nhà nước từ 3 đến 4 tháng. Về nơi ở mới, nhận được tiền đền bù, hỗ trợ, gia đình anh đã xây dựng cửa khang trang và đầu tư một phần để phát triển sản xuất.
Đến nay, gia đình anh đã có của ăn của để, vươn lên thoát nghèo, con cái được đi học đầy đủ. Sau khi góp hơn 1 ha đất trồng cao su, gia đình anh đã có 2 lao động được nhận vào làm công nhân, cho thu nhập ổn định hàng tháng từ 4 – 5 triệu đồng.
Anh Tao Văn Xanh cho biết: “Nhà nước rất quan tâm đến bà con, bây giờ đường xá đi lại rất là thuận tiện. Bản đang ở trong khu trung tâm, nên rất là thuận tiện cho bà con cho con cháu đi học hành, các cháu không bỏ học. Đến bản mới đón tết vui vẻ, bà con sung sướng. Tết là vui, bà con rất là cảm ơn Đảng và Nhà nước đã tạo điều kiện giúp đỡ cho bà con, bà con rất vui mừng, phấn khởi”.
Trong gần 4.500 hộ dân của tỉnh Lai Châu phải di dời làm thủy điện, huyện biên giới khó khăn Sìn Hồ có hơn 2.400 hộ với trên 12.000 khẩu, ở 49 bản thuộc 9 xã phải di dời về 27 điểm tái định cư, riêng xã Nậm Tăm có 7/9 bản tái định cư. Để người dân trong xã sớm ổn định cuộc sống, xã Nậm Tăm đã khai thác tốt thế mạnh của địa phương là vùng đất bán ngập lòng hồ thủy điện và huy động nhân dân góp trên 200 héc ta đất trồng cao su. Đến nay, toàn xã đã có gần 200 người làm công nhân cao su và có thu nhập ổn định.
Ông Cà Văn Huyên, Chủ tịch UBND xã Nậm Tăm, huyện Sìn Hồ cho biết, mục tiêu là bằng mọi giá, xã phải lo cho người dân có cuộc sống tốt hơn nơi ở cũ, bằng chứng là đến nay địa phương đã hoàn thành 14/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục định hướng cho bà con phát triển kinh tế nông nghiệp lòng hồ như: sản xuất tập trung vùng bán ngập, đánh bắt thủy sản và tham gia phát triển du lịch lòng hồ gắn với văn hóa dân tộc.
Ông Cà Văn Huyên bộc bạch: “Đến Tết là chúng tôi cũng lên kế hoạch để phân tổ, phân nhóm từng khu vực, bản để đảm bảo an ninh trật tự. Ngoài ra, chúng tôi cũng thăm hỏi, tìm hiểu bà con công tác chuẩn bị tết như thế nào, thì nhìn chung là bản nào người ta cũng chuẩn bị rất chu đáo, hầu hết nhà nào cũng có lợn. Qua rà soát, chúng tôi cũng xem xét những trường hợp nào đặc biệt khó khăn thì tạo điều kiện giúp đỡ cho các hộ đấy, hỗ trợ, tặng quà động viên tinh thần của họ để họ vui vẻ trong dịp tết”.
Trên những con đường bê tông kiên cố ở xã Nậm Tăm, bà con các dân tộc đang tấp nập chuẩn bị đón tết cổ truyền. Mùa xuân đang về trên khắp các bản làng tái định cư trên địa bàn xã Nậm Tăm và các vùng lân cận. Nơi ấy có những hộ dân tình nguyện, tiên phong đã từ bỏ mảnh đất sinh sống bao đời nay để về nơi ở mới, hy sinh vì dòng điện cho Tổ quốc./.