Tranh luận về nhạc sến nghĩ về thị hiếu âm nhạc
VOV.VN -Nghệ thuật không bao giờ cũ. Các giá trị không bao giờ giẫm đạp lên nhau, che khuất nhau.
Tôi luôn nghĩ văn hoá là một dòng sông chảy qua thời gian. Những bọt nước phù du vỡ tan khi đập vào ghềnh thác. Những con nước réo rắt thì vẫn bền bỉ trôi về đích xa thẳm. Tôi nghĩ thế khi gần đây đọc được những dòng tranh luận trên mạng về nhạc sến.
Tôi bấm máy gọi một ông bạn vong niên chuyên nghiên cứu văn hoá Nam Bộ. Ông bạn phân tích rằng, sến có ít nhất 4 nghĩa: sến là kiểu mặc quần áo màu mè; sến là một người rỗng tuếch nhưng làm ra bộ hiểu biết; sến là cây đàn trong dàn nhạc tài tử; sến là một loại nhạc mùi mẫn, tình cảm... Vậy ta cũng có ít nhất vài cái "giá nhạc" để đặt bản nhạc sến vào đời sống và lịch sử âm nhạc.
Người ta nghe nhạc bởi đó là một ca khúc hay. Hay vì nó vượt lên những khúc thức, dòng nhạc, chạm vào cả lý trí lẫn con tim người ta.
Người ta nghe nhạc khi đó là tâm trạng, kỷ niệm của họ. Nhiều bài hát không phải thật xuất sắc nhưng lại đánh thức được những xao xuyến vì nó có mặt trong thời điểm đáng nhớ của người ta... Nó bám chặt vào ký ức của người ta.
Người ta nghe nhạc trong các trạng thái cảm xúc khác nhau, vui-buồn-tự hào-buồn tủi, ở những bối cảnh khác nhau. Khi dạt dào cảm xúc thiêng liêng lớn lao Tổ quốc, không ai nghe nhạc vàng nhạc sến; và đương nhiên khi cô đơn, buồn bã không ai nghe những bài ca hừng hực khí thế cách mạng. Tâm lý tiếp nhận hệt như thời tiết vậy, nóng-lạnh-nắng-mưa.
Nghe nhạc không nên luận trình độ học vấn, tôi nghĩ vậy. Các giáo sư hàn lâm nhiều khi cũng thích ngồi phệt vỉa hè uống cốc bia thơm thơm đăng đắng. Tôi chợt nhớ đến một ông bạn làm nghiên cứu, suốt ngày giam trong phòng ôm chồng sách dày hự. Chợt một ngày hắn theo lũ bạn ra quán nhậu gần Ga Hàng Cỏ, được nghe nỉ non mấy bài nhạc vàng, được ngắm người ta chia tay trong tiếng còi xé lòng, hắn nghẹn ngào mấy lời cảm thán: Lâu lắm rồi không biết đến mùi phố đêm...
Nhạc vàng nhạc sến phủ đến cả giới có học thức. Đừng vội nhận định về gu thẩm mỹ của họ. Họ nghe nhiều khi không cần phân tích hay, dở, họ nghe vì có nhiều bài đánh thức sự riêng tư của con người.
Vậy âm nhạc chí ít có 2 loại (?): loại trí tuệ, lập ngôn bằng ngôn ngữ âm nhạc bác học, hàm chứa giá trị nhân loại. Loại nữa là đi ra từ cái tình mộc mạc, không trọng kỹ thuật cao siêu. Rồi sến cũng ít ra có 2 thứ: sến sang và sến súa...(?)
Có những ngày xa nhà lang thang đất miền Tây ca cổ, u hoài nhìn đám lục bình chầm chậm trôi, tôi thấy thấm những câu vọng cổ buồn, những bài hát ngọt ngào âm hưởng dân ca Nam Bộ.
Rồi những ngày trở về Hà Nội trong veo mùa heo may se lạnh, tôi lại khoác vào bộ vest lịch sự, đến Nhà Hát Lớn nghe "Điều còn mãi", một chương trình chuyên hát những bài nhạc xanh, nhạc đỏ bất hủ.
Tôi vẫn nghe những bài hát nói về nỗi nhớ và tình yêu của người lính cả hai bên chiến tuyến gửi về cho mẹ; cho người yêu của mình. Đó là thứ âm nhạc chứa cái tình xuyên thời gian, bền vững qua lửa đạn mang thân phận con người. Nghe nó, tôi cũng chợt nhớ tới mẹ, tới người mình yêu.
Khi người ta nghe lại nhạc xưa, đừng lo ngại mà thử đặt câu hỏi, tại làm sao nhiều người lại cứ thích quay về sống trong hoài niệm (?). Đừng lo ngại mà hãy tin số đông đó sẽ nghe cả những âm thanh mới khi nó trở thành giá trị.
Nghệ thuật không bao giờ cũ. Các giá trị không bao giờ giẫm đạp lên nhau, che khuất nhau. Có người thích nhà lầu xe hơi, lại có người mê nhà ngói quê kiểng. Người thích giao hưởng sang trọng, người yêu câu hò bình dị. Khi đời sống mở phóng khoáng những cánh cửa đa phong cách, đời sống mới khiến con người ta được sống rộng lòng và yêu thương hết thảy./.