Cần có cơ chế để dân giám sát hoạt động của Đảng
VOV.VN- "Điều 4 trong Hiến pháp có điểm rất mới, nhưng cần có cơ chế để nhân dân giám sát hoạt động của Đảng và mọi Đảng viên"
Hiến pháp vừa được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 6. Hiến pháp sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2014.
TS Trần Văn Miều, nguyên Giám đốc Trung tâm Văn hóa Giáo dục thanh thiếu niên Trung ương cho rằng, Hiến pháp đã được thảo luận sôi nổi và nhận được đóng góp của trên 26 triệu người dân và việc thông qua Hiến pháp với trên 97% số đại biểu Quốc hội tán thành thể hiện thành công của đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng này. VOV online phỏng vấn TS Trần Văn Miều về những điểm mới, về quyền con người, về thể chế chính trị, về vị trí của thanh niên và tính ổn định, lâu dài của Hiến pháp.
TS Trần Văn Miều, nguyên Giám đốc Trung tâm Văn hóa Giáo dục thanh thiếu niên Trung ương |
Nhiều điểm mới quan trọng phù hợp xu thế phát triển
PV: So với Hiến pháp 1992, theo ông Hiến pháp vừa được Quốc hội thông qua lần này có những điểm mới gì?
TS Trần Văn Miều: Phải nói ngay rằng, Hiến pháp lần nay có rất nhiều điểm mới. Trước hết, kết cấu Hiến pháp gọn hơn, chỉ có 120 Điều, bớt đi được 27 Điều. Bố cục được sắp xếp thống nhất theo các chương, các điều trong một chương và các mục trong một điều được kết cấu hợp lý hơn, rõ hơn ràng hơn, các thuật ngữ và từ ngữ được dùng phổ thông, dễ hiểu.
Điểm mới thứ hai về kết cấu là đưa Chương V-Quyền và nghĩa vụ của công dân (Hiến pháp năm 1992) về Chương II thành Quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân.
Điểm mới nữa là Hiến pháp 1992 nói về thể chế, nói nước “Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là nước độc lập thì bây giờ có thêm một cụm từ “dân chủ” vào trước cụm độc lập. Đưa thêm thuật ngữ dân chủ vào là kế thừa Hiến pháp cũ, vừa đảm bảo được việc Việt Nam tuyên bố với thế giới nước ta theo chế độ dân chủ. Điều này thể hiện, Hiến pháp đã thể chế hóa quan điểm của Đảng. Chế độ dân chủ được hiến định sẽ làm cho người dân thấy rõ được vị trí của mình và Nhà nước là của dân, do dân, vì dân. Mặt khác, tuyên bố Việt Nam thực hiện thể chế dân chủ là làm cho Nhà nước gần dân hơn và chịu sự giám sát của dân.
Điều 2, Hiến pháp quy định “tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân, nền tảng là liên minh giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và tầng lớp tri thức”. Hiến pháp năm 1992, dùng cụm từ “tầng lớp trí thức”. Hiến pháp mới, dùng cụm từ “đội ngũ trí thức”. Điều đó cho thấy, Đảng và Nhà nước ta đánh giá cao vị trí, vai trò của trí thức trong việc tham gia vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tham gia vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Điều đó còn cho thấy, Đảng và Nhà nước thấy rõ sự lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng của đội ngũ trí thức trong hiện tại và trong tương lai. Sửa đổi cụm từ “tầng lớp trí thức” thành “đội ngũ trí thức” là phù hợp với xu hướng phát triển và đáp ứng với việc nước ta thực hiện “kinh tế tri thức”.
Ở Điều 3 có một khẳng định rất mới, đó là ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Hiến pháp cũ không nói đến điều đó, mà chỉ nói là các dân tộc được sử dụng ngôn ngữ, tiếng nói của mình, thì Hiến pháp lần này đã khẳng định ngôn ngữ tiếng Việt là ngôn ngữ quốc gia, như việc khẳng định Quốc kỳ, Quốc ca, Quốc huy của đất nước. Trên cơ sở quy định đó, tiếng Việt là tiếng phổ thông, được dùng làm ngôn ngữ giao tiếp trong nước và quốc tế. Đi đôi với việc quy định ngôn ngữ quốc gia, Hiến pháp vẫn quy định, các dân tộc có quyền sử dụng ngôn ngữ, chữ viết, tiếng nói và văn hóa của mình.
Trong Điều 6, nói đến việc nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước bằng các hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và các cơ quan của Nhà nước. Hiến pháp cũ chưa nói đến quyền dân chủ trực tiếp và quyền dân chủ đại. Hiến pháp mới đã quy định rõ, người dân sử dụng hình thức dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện để nói lên tiếng nói của mình, để thể hiện quyền làm chủ của mình. Với hình thức dân chủ trực tiếp, người dân có thể gặp cán bộ, gặp các cơ quan quản lý và cơ quan hành chính để phản ánh ý nguyện của mình, nêu lên ý kiến của mình đối với mọi vấn đề của đất nước và địa phương, đơn vị.
Với hình thức dân chủ gián tiếp, người dân có thể phản ánh ý nguyện của mình thông qua đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân các cấp.
Hình thức dân chủ trực tiếp và gián tiếp có mối quan hệ hữu cơ với nhau, bổ sung cho nhau, người dân có thể sử dụng một trong hai hình thức đó và cũng có thể sử dụng cùng một lúc hai hình thức đó. Hiến pháp quy định hình thức dân chủ trực tiếp và gián tiếp là thể hiện đầy đủ ý nguyện của nhân dân, thông qua đó, Đảng và Nhà nước nghe được nhiều ý kiến và nguyện vọng cũng như đề xuất của nhân dân.
Điều 16 nói đến nội dung mọi người có nghĩa vụ tôn trọng quyền của người khác, đây là một Điều mới hoàn toàn. Trước kia, trong Hiến pháp 92 không nói đến điều đó. Hiến pháp mới khẳng định, bản thân mỗi công dân có quyền được luật pháp quy định, nhưng phải tôn trọng quyền của người khác như chính quyền của bản thân mình.
Trong Hiến pháp lần này cũng quy định ở Điều 45 rằng, công dân có quyền xác định dân tộc của mình, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, tự do lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp. Đây là một điều hoàn toàn mới, nhấn mạnh Việt Nam là quốc gia đa dân tộc, gồm 54 dân tộc anh em, có cùng nguồn gốc. Tất cả các dân tộc sinh sống trên lãnh thổ của Việt Nam đều có quyền bình đẳng với nhau về tiếng nói, chữ viết, văn hóa, truyền thống, về các tập tục…
Theo tôi, một điểm mới nữa rất đáng quan tâm trong Hiến pháp lần này là quy định ở Điều 46, mọi người được quyền sống trong môi trường trong lành. Đó là một điểm mới, bởi vì, theo tôi, sức khỏe của con người phụ thuộc vào 6 yếu tố: di truyền, chế độ dinh dưỡng, chế độ chăm sóc về y tế, chế độ luyện tập thể dục thể thao, môi trường sống trong lành và môi trường xã hội lành mạnh. Hiến pháp mới quy định điều này là đi đúng xu hướng phát triển của thế giới-tôn trọng quyền con người được sống trong môi trường trong lành, không ô nhiễm, không suy thoái để bảo vệ sức khỏe cho chính mình và cho thế hệ sau. Đó là cách tiếp cận mới, tiên tiến, đảm bảo nguyên tắc phát triển bền vững.
Thể hiện ý chí của dân, thể chế hóa chủ trương của Đảng
PV: Một điểm mới trong Hiến pháp này là về quyền con người. Mọi người rất quan tâm đến điểm mới này. Và họ cho rằng đây là một “điểm sáng” trong Hiến pháp lần này. Ông có thể cho biết rõ hơn về vấn đề này?
TS Trần Văn Miều: Quyền con người rất quan trọng, và Hiến pháp lần đã thể hiện được ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Thứ hai là thể chế hóa được chủ trương của Đảng. Thứ ba, khi nước ta đã hội nhập vào sân chơi chung của quốc tế, không thể không đề cập đến quyền của con người.
Đại biểu Quốc hội ấn nút thông qua Hiến pháp sửa đổi. Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội |
Từ trước đến nay, các thế lực thù địch thường tấn công ta vào các vấn đề liên quan đến quyền của con người. Bây giờ Hiến pháp đã nói rõ đến quyền của con người, trong đó có quyền được sống, quyền được mưu cầu hạnh phúc, quyền được sống trong môi trường thiên nhiên trong lành và môi trường xã hội lành mạnh, có quyền được học tập, quyền có nhà ở, quyền cư trú, quyền đi lại…
Ở Điều 21 hoàn toàn mới, quy định bằng một cụm từ “Mọi người có quyền sống”. Đây là tuyên ngôn mà các nước trên thế giới đều nói đến, Liên Hợp quốc cũng luôn quan tâm đến vấn đề này. Hiến pháp năm 92 không quy định điều này. Vì thế, việc đưa nội dung “mọi người có quyền sống” vào Hiến pháp lần này đã thể hiện Việt Nam đã hội nhập quốc tế đầy đủ, sâu rộng, không những chỉ hội nhập về kinh tế, văn hóa mà còn hội nhập về nhân quyền. Quy định đó rất đúng, đã kế thừa tư tưởng Hồ Chí Minh. Vào ngày 2 tháng 9 năm 1945, Hồ Chủ tịch đã thay mặt quốc dân, đồng bảo tuyên bố với thế giới: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”.
Nếu nói một cách ngắn gọn về chương II, tôi cho rằng, có nhiều điểm mới, không những chỉ mới về bố cục, mà còn mới về quan điểm và cách tiếp cận phù hợp với xu hướng chung của thế giới và đáp ứng được với ý nguyện của nhân dân.
PV: Ông nhận xét như thế nào về thể chế chính trị được quy định trong Hiến pháp lần này?
TS Trần Văn Miều: Về thể chế chính trị, tôi cho rằng Hiến pháp đã nêu rất đầy đủ. Đối với một đất nước, cần khẳng định: về chủ quyền, về thể chế chính trị, về dân tộc, về lãnh thổ, biển đảo và nền văn hóa. Một quốc gia, bao giờ thể chế chính trị cũng được quan tâm hàng đầu. Các nước đều phải quy định, nước đó theo thể chế chính trị gì.
Trên thế giới, hiện nay có hai loại thể chế chính trị chính: quân chủ và cộng hòa - thể chế quân chủ tức là có Vua, theo cha truyền, con nối. Còn theo thể chế cộng hòa, tức là dân bầu ra cơ quan quyền lực và người lãnh đạo đất nước. Trong thể chế cộng hòa được chia thành hai loại- cộng hòa đại nghị, tức là người dân bầu ra Quốc hội và Quốc hội bầu ra người lãnh đạo đất nước; Còn cộng hòa Tổng thống, tức là người dân trực tiếp bầu ra người lãnh đạo đất nước.
Nước ta, Điều 1, Hiến pháp đã quy định: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước dân chủ, độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời”. Đây là lời tuyên ngôn quan trọng của nước ta trước cộng đồng quốc tế và thể hiện, nước Việt Nam đi theo chế độ cộng hòa-cử tri bầu ra Quốc hội và Quốc hội bầu ra những người lãnh đạo đất nước.
Thứ hai, Chương II, Hiến pháp mới đã kế thừa và bổ sung Điều 4 quy định về Đảng Cộng sản Việt Nam. Về Điều 4 được nhiều tầng lớp nhân dân quan tâm, bàn luận rất nhiều. Nghiên cứu Điều 4, tôi nhân thấy: Điểm 1 của Điều 4 không thay đổi so với Hiến pháp cũ, khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam, đội quân tiên phong của giai cấp công nhân; đồng thời là đội quân tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác-Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.
Nhưng ở điểm 2, có thể nói là rất mới. Điểm này nói đến Đảng có quan hệ mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về quyết định của mình. Điểm mới này dân rất quan tâm. Trước kia, một số người cho rằng, Đảng là trên hết, trên cả Hiến pháp. Hiến pháp mới quy định khoản 2 đã cho thấy, Đảng chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về mọi quyết định của mình. Điều đó có nghĩa là, Đảng phải thực hiện dân chủ với dân, công khai trước dân về mọi hoạt động của mình.
Nhưng tôi cũng quan tâm đến cơ chế nào để nhân dân giám sát hoạt động của tổ chức Đảng và mọi đảng viên. Đảng phải xây dựng quy chế công khai hoạt động và chịu sự giám sát của nhân dân. Làm được điều nay, Đảng sẽ lấy lại được uy tín trước nhân dân. Trong một lần trả lời phỏng vấn của Đài truyền hình Việt Nam, tôi có nói: đảng viên làm mất uy tín của Đảng. Vì một bộ phận không nhỏ đảng viên suy thoái về chính trị, đạo đức, quan liêu, tham nhũng, sách nhiễu nhân dân. Chính những đảng viên đó đang làm cho dân không tin vào Đảng. Do vậy, Đảng cần có quy định mọi đảng viên phải công khai hoạt động và công khai tài sản, tiền của để dân biết và giám sát. Mặt khác, phải nhanh chóng thực hiện chế độ thu chi của cá nhân theo tài khoản. Làm được công tác quản lý đảng viên và bắt buộc mọi đảng viên phải chịu sự giám sát của nhân dân thì uy tín của Đảng sẽ dần dần được khôi phục.
Đặt thanh niên vào đúng vị trí
PV: Thưa ông, trong các văn bản của Đảng, Nhà nước đều rất quan tâm đến vai trò của thanh niên, nhất là trong quá trình hội nhập, phát triển đất nước. Ông có nhận xét gì về vai trò của thanh niên được thể hiện trong Hiến pháp lần này?
TS Trần Văn Miều: Dự thảo đầu tiên đã bỏ Điều 66 quy định về thanh niên. Sau khi có góp ý của các cấp bộ Đoàn và cán bộ đoàn thì Điều 66 đã được đưa lại vào trong Hiến pháp. Tôi cho rằng, đây là sự tiếp thu rất đúng đắn của Ban soạn thảo. Bởi thanh niên Việt Nam chiếm số lượng rất đông, đến 28,2% dân số nước ta. Đây là một lực lượng làm chủ đất nước trong một tương lai rất gần.
Điều đó phù hợp cả về lý luận và thực tiễn. Khi nghiên cứu về thanh niên, C. Mác đã khẳng định, do những điều kiện khác nhau của xã hội, mà bao giờ thanh niên cũng giữ vai trò quyết định đến phát triển của xã hội. Còn Lê nin thì nói: Chúng ta chiến đấu giỏi hơn cha ông chúng ta, còn con cháu chúng ta sẽ chiến đấu giỏi hơn chúng ta. Chúng ta mới xây dựng xong nền móng của tòa nhà Chủ nghĩa xã hội. Còn con cháu chúng ta sẽ xây dựng xong tòa nhà ấy”. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, nước nhà thịnh suy, yếu hay mạnh, phần lớn đều do các thanh niên. Trong thực tế ở Việt Nam, thanh niên bao giờ cũng là lực lượng xung kích, đi đầu trong các cuộc cách mạng.
Đã có quy định rõ vị trí, vai trò của mình trong Hiến pháp, thanh niên rất phấn khởi và tin tưởng hơn vảo sự lãnh đạo của Đảng, tin vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta.
PV: Xin cảm ơn ông./.