Đà Nẵng triển khai Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị
VOV.VN -Các chỉ tiêu mà Nghị quyết đưa ra là rất cao, đòi hỏi Đảng bộ và nhân dân thành phố Đà Nẵng phải nỗ lực hết sức mới có thể đạt được.
Chiều 26/4, Thành ủy Đà Nẵng tổ chức Hội nghị cán bộ chủ chốt triển khai Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Giới thiệu các nội dung của Nghị quyết 43, ông Cao Đức Phát, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, các chỉ tiêu mà Nghị quyết đưa ra là rất cao, đòi hỏi Đảng bộ và nhân dân thành phố Đà Nẵng phải nỗ lực hết sức mới có thể đạt được.
Ông Cao Đức Phát- Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương. |
Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị nêu rõ: Mục tiêu đến năm 2030 xây dựng TP.Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á với vai trò là trung tâm thương mại, tài chính, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ; đô thị biển quốc tế..., là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên, người dân có mức sống thuộc nhóm địa phương dẫn đầu cả nước với chất lượng cuộc sống tốt, thân thiện, hạnh phúc.
Giai đoạn 2021 - 2030: tốc độ tăng bình quân GRDP trên 12%/năm. Tầm nhìn đến năm 2045 TP.Đà Nẵng trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á. Thực hiện tốt tiến trình đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đưa Đà Nẵng trở thành thành phố sự kiện, trung tâm hội nghị quốc tế.
Hình thành vùng đô thị Đà Nẵng bao gồm Chân Mây (Lăng Cô) - Đà Nẵng - Điện Bàn - Hội An - Nam Hội An; quy hoạch bán đảo Sơn Trà. Rà soát lại quy hoạch phát triển không gian đô thị; quy hoạch vùng kinh tế trọng điểm miền Trung theo hướng xác lập, phát huy vai trò, vị trí trung tâm của Đà Nẵng.
Quán triệt nội dung Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị, ông Cao Đức Phát, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương cho biết, Bộ Chính trị đồng ý chủ trương cần có cơ chế, chính sách đặc thù để xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng, tạo động lực cho phát triển khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước.
Các đại biểu học tập Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị. |
Thực hiện phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm địa phương, người đứng đầu trên một số lĩnh vực quản lý về quy hoạch, đất đai, đô thị, đầu tư, tài chính - ngân sách, tổ chức, nhân sự và tiền lương..., nghiên cứu cơ chế điều tiết hợp lý giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương; có cơ chế đặc thù để thu hút các nhà đầu tư chiến lược; đồng ý chủ trương thực hiện thí điểm xây dựng mô hình cơ quan quản lý cảng thống nhất tại Đà Nẵng theo hướng tiên tiến, hiệu quả, phù hợp với thông lệ quốc tế; xây dựng và thực hiện Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị phù hợp với yêu cầu phát triển của thành phố và quy định của pháp luật.
Ông Cao Đức Phát, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương khẳng định: “Tôi thấy những tầm nhìn, những mục tiêu Bộ Chính trị giao cho TP. Đà Nẵng là rất đúng đắn nhưng cũng rất là cao cần phải có sự nỗ lực rất lớn của Đảng bộ và nhân dân thành phố. Để hỗ trợ cho nhân dân thành phố có thể đạt được khát vọng và nhiệm vụ thì cần phải có sự phối hợp rất chặt chẽ của các bộ, ban, ngành. Về phía Ban Kinh tế Trung ương, chúng tôi sẽ cố gắng cao nhất để phối hợp với Đà Nẵng thực hiện Nghị quyết rất quan trọng này”.
Tại Hội nghị, Thường trực Thành ủy Đà Nẵng đã triển khai chương trình thực hiện của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố thực hiện Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị. Chương trình này tập trung phát triển 5 lĩnh vực kinh tế mũi nhọn và phát huy các động lực tăng trưởng mới.
Trong đó, tập trung phát triển du lịch và dịch vụ chất lượng cao gắn với bất động sản nghỉ dưỡng; Đẩy mạnh đầu tư phát triển cảng biển, mở rộng và nâng công suất cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng gắn với phát triển dịch vụ logistics; Phát triển công nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng đô thị sáng tạo, khởi nghiệp; Đầu tư phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử viễn thông gắn với nền kinh tế số; Đẩy mạnh phát triển sản xuất sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao và thực thi các chính sách hỗ trợ hoạt động ngư nghiệp./.