Dân vẫn phải trả thêm tiền phí “bôi trơn” khi làm thủ tục hành chính
VOV.VN - Theo đại diện Bộ Nội vụ, toàn bộ 6 thủ tục hành chính được khảo sát đều có tình trạng người dân phải trả thêm tiền ngoài lệ phí.
Tại buổi công bố Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2015 (SIPAS 2015), ông Phạm Minh Hùng, Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ cho biết, kết quả SIPAS 2015 cho thấy, người dân đánh giá tốt về kết quả giải quyết Thủ tục hành chính.
Dân vẫn phải trả thêm tiền phí “bôi trơn”
Theo đó, con số hài lòng về toàn bộ quá trình giải quyết Thủ tục hành chính trong thủ tục cấp Chứng minh thư nhân dân: 83,4%; Thủ tục cấp giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất 74,4%; Thủ tục cấp giấy phép xây dựng nhà ở 78,4; Thủ tục Chứng thực 86%; Thủ tục Kết hôn 89,5%; Thủ tục cấp giấy Khai sinh 87,5 %.
“Chất lượng năng lực chuyên môn của công chức được người dân đánh giá cao, tuy nhiên người dân chưa bằng lòng về đạo đức nghề nghiệp, về sự phục vụ nhiệt tình chu đáo của công chức”- ông Hùng cho biết.
Việc khảo sát xác định Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2015 trong phạm vi cả nước được Bộ Nội vụ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam thực hiện từ 1/1/2014 đến 30/6/2015. Khảo sát được thực hiện đối với 6 thủ tục hành chính, gồm: cấp Giấy chứng minh nhân dân, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy phép xây dựng nhà ở, Giấy đăng ký kết hôn, Giấy khai sinh và Chứng thực.
Ông Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam |
Đối tượng khảo sát là người dân, tổ chức đã giải quyết thủ tục hành chính và nhận được kết quả đối với 6 thủ tục hành chính nói trên trong khoảng thời gian từ 1/1/2014 đến 30/6/2015.
(ảnh chỉ mang tính chất minh họa: internet) |
15.120 phiếu khảo sát đã được triển khai tại 108 xã, phường, thị trấn thuộc 36 quận, huyện, thị xã, thành phố ở 10 tỉnh, thành này để khảo sát. Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2015 được khảo sát trên 4 tiêu chí: tiếp cận dịch vụ, hài lòng về tiếp cận dịch vụ, thủ tục hành chính, sự phục vụ của công chức, kết quả giải quyết thủ tục hành chính và đều có kết quả cụ thể.
Theo ông Phạm Minh Hùng, Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ, về các chi phí ngoài quy định, toàn bộ 6 thủ tục hành chính được khảo sát đều có tình trạng người dân phải trả thêm tiền ngoài lệ phí, phí phải nộp/không nộp theo quy định. Hiện nay 2 loại thủ tục hành chính mà dân không phải nộp phí, lệ phí là Giấy đăng ký kết hôn, giấy khai sinh lại là 2 thủ tục có nhiều người trả ngoài quy định nhất (20-30% số người được hỏi).
Kết quả khảo sát đã phải ánh đúng thực tế?
Chỉ số SIPAS 2015 theo công bố của Bộ Nội vụ cho thấy, chỉ số hài lòng thấp nhất là 70%, cao nhất là trên 80%. Nhiều người cho rằng chỉ số này có vẻ cao hơn so với thực tế. Tuy nhiên, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) vừa công bố chỉ số đo mức độ hiệu quả quản trị của bộ máy Nhà nước và chất lượng cung ứng dịch vụ của các cấp chính quyền (PAPI 2015) thì kết quả các chỉ số hài lòng của người dân cũng khá cao. Ví dụ về đất đai trên 80%; thủ tục chứng thực trên 90%.
Tại buổi công bố chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2015, nhiều đại biểu bày tỏ “nghi ngờ” về kết quả được Bộ Nội vụ được công bố.
Ông Chế Viết Sơn, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng |
Ông Chế Viết Sơn, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng cũng cho rằng, kết quả khảo sát là khó đáng tin. Theo ông Sơn, nhiều người dân đi làm thủ tục hành chính họ đã gặp phải phiền hà, nhưng thời điểm lấy phiếu khảo sát có thể họ đã không còn bức xúc với những nhũng nhiễu mình đã gặp, nên điền vào phiếu khảo sát có thể chưa chính xác. Đôi khi, có trường hợp vì đã trót nhận tiền bồi dưỡng để khảo sát phiếu nên làm qua loa cho xong chuyện. Vì thế, cần phải có sự khảo sát trên diện rộng hơn nữa, để khảo sát được nhiều đối tượng.
Theo ông Sơn, bản thân phiếu lấy mẫu cũng “đánh đố” người dân vì quá rườm rà, khó hiểu. Vì thế nhiều người có thể chưa hiểu hết mà điền “bừa” vào phiếu cho xong việc.
Ông Nguyễn Trọng Thừa, Thứ trưởng Bộ Nội vụ |
Ông Nguyễn Trọng Thừa, Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, kết quả khảo sát cho thấy, sự hài lòng của người dân chính là thước đo của các cơ quan hành chính Nhà nước. Đây cũng là thước đo để công tác phục vụ nhân dân trong các thủ tục hành chính ngày càng tốt hơn. Từ kết quả SIPAS 2015, Bộ Nội vụ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam sẽ xây dựng Chương trình phối hợp triển khai xác định Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước trong giai đoạn 2017-2020./.