Lương 2 triệu/tháng, sao “toàn tâm toàn ý” cho khoa học?
VOV.VN - Người mới ra trường làm công tác nghiên cứu với mức lương 2 triệu đồng/tháng là quá khó khăn để gắn bó với nghề
Góp ý dự thảo Văn kiện Đại hội XII của Đảng, Thạc sĩ Tạ Phúc Đường (Viện Kinh tế Việt Nam - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng muốn chuyển đổi nền kinh tế theo hướng chất lượng và hiệu quả đòi hỏi phải có đội ngũ nhân lực chất lượng, hiệu quả tương ứng. Trong giai đoạn thế giới đang hướng tới nền kinh tế tri thức thì vai trò của nguồn nhân lực chất lượng cao ngày càng quan trọng. Thạc sĩ Tạ Phúc Đường cho rằng, chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ là mấu chốt trong việc thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng.
Nghiên cứu khoa học lương 2 triệu đồng/tháng
Theo Thạc sĩ Tạ Phúc Đường, giải pháp mấu chốt để phát triển nguồn nhân lực là đào tạo và sử dụng, chính sách cho hai nội dung này phải luôn song hành với nhau. Một mặt tăng cường kinh phí cho chính sách đào tạo, đặc biệt trình độ đại học và sau đại học; đồng thời phải sắp xếp lại cách thức, phương hướng đào tạo đại học và sau đại học hiện nay, chú trọng đào tạo theo chiều sâu, chất lượng. Song song với đó, cần nhấn mạnh chính sách sử dụng nhân tài, cải cách cách thức trả lương bổng cho các nhà khoa học, tạo điều kiện cho họ làm việc; tạo được cách thức đánh giá hợp lý, đúng với người có tài.
Đồng quan điểm với Thạc sĩ Tạ Phúc Đường, nghiên cứu viên trẻ Trần Thị Loan công tác tại Viện Nhà nước và pháp luật (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) dẫn thực tế bản thân, cho rằng, làm công tác nghiên cứu với mức lương của người mới ra trường khoảng hơn 2 triệu đồng/tháng là quá khó khăn để có thể toàn tâm toàn ý với công việc. Theo nghiên cứu viên Trần Thị Loan đó cũng là lý do mà trong số rất nhiều học sinh vô địch cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia chỉ có 1 người trở về Việt Nam làm việc. Theo nghiên cứu viên trẻ Trần Thị Loan, không thể phủ nhận là Nhà nước cũng có khá nhiều chính sách ưu việt hỗ trợ đào tạo cán bộ có đủ tri thức, thu hút tài năng làm việc ở nước ngoài về, tuy nhiên những chính sách hỗ trợ ấy vẫn còn nhiều hạn chế cần được khắc phục.
Thừa nhận thực tế này, ông Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư TƯ Đoàn cho rằng, chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, kể cả chính sách tiền lương, môi trường điều kiện làm việc ở ta vẫn còn nhiều hạn chế.
PGS.TS. Phạm Văn Đức, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm, tặng hoa chúc mừng các tân Phó Giáo sư của Viện (Ảnh: vass.gov.vn) |
Chính sách lao động, thu hút người tài thiếu thống nhất
Cũng liên quan tới vấn đề chính sách trọng dụng người giỏi, nhiều ý kiến cho rằng chính sách ưu tiên những người có tài năng, những người tốt nghiệp xuất sắc ở các trường đại học vào làm việc trong các cơ quan nhà nước cũng chưa có những chính sách thống nhất.
Bí thư Đoàn Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam Võ Xuân Vinh nêu thực tế những người đang công tác trong các cơ quan nhà nước, việc họ nhận được tấm bằng tiến sĩ không có gì thay đổi, vẫn cứ hưởng lương như cũ. Tuy nhiên những người mới được tuyển vào mà có bằng tiến sĩ, ngay lập tức họ được hưởng mức lương 3,0. Theo ông Võ Xuân Vinh đó là sự không thống nhất trong chính sách lao động cũng như chính sách thu hút người tài.
Làm rõ hơn câu chuyện của ông Võ Xuân Vinh, PGS-TS Phạm Văn Đức - Phó Bí thư Đảng ủy Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam cho biết, trong quy định của Bộ Nội vụ, nếu bảo vệ tiến sĩ hoặc được phong phó giáo sư thì được lên một bậc lương nhưng chỉ áp dụng ở trường đại học và một số cơ quan Đảng, còn ở Viện Hàn lâm không được áp dụng. Nhưng khi thi tuyển vào Viện, ứng viên có bằng thạc sĩ sẽ được xếp cao hơn ứng viên không có bằng thạc sĩ một bậc lương.
PGS-TS Phạm Văn Đức cho rằng, vấn đề ở đây là cần có sự đồng bộ hóa các văn bản, nghị quyết, không để tình trạng nhiều quy định không được thực hiện. Ví dụ quy định về chính sách với giáo sư, phó giáo sư, giáo sư phải là chuyên gia cao cấp, phó giáo sư là nghiên cứu viên cao cấp. Thủ tướng đã ký nhưng trong thực tế chưa thấy được thực hiện. Các giáo sư, phó giáo sư khi được phong hàm vô cùng phấn khởi, nhưng lương thì vẫn thế, giáo sư vẫn phải đi thi nghiên cứu viên cao cấp.
PGS-TS Phạm Văn Đức nêu câu chuyện thực tế ở Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, Giáo sư Nguyễn Xuân Thắng từng là một trong những người đứng đầu danh sách thi nghiên cứu viên cao cấp của Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam bởi theo quy định mới của Bộ Nội vụ, giáo sư không còn nghiễm nhiên là nghiên cứu viên cao cấp, mà phải thi. Tuy nhiên, đến khi Giáo sư Nguyễn Xuân Thắng được vào Ban Chấp hành Trung ương, được bầu làm Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, Bộ Nội vụ đưa Giáo sư Thắng vào hội đồng chấm những người còn lại và không phải thi.
PGS-TS Phạm Văn Đức nói vui: “Khi đọc các văn bản để bắt bẻ câu chữ thì rất khó, bởi chúng được viết rất hay, rất tuyệt vời như cách nhận xét của những nhà khoa học nước ngoài. Họ cũng nói rằng những nghị quyết của Việt Nam không cần phải sửa chỉ cần thực hiện đúng những vấn đề đã được viết”.
Cần có điều kiện, tiêu chí đánh giá trách nhiệm cán bộ quản lý
Đặt vấn đề năng lực, trách nhiệm, phẩm chất đạo đức của cán bộ trong điều hành, quản lý, thực thi nhiệm vụ còn hạn chế dẫn tới việc tổ chức thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, Nhà nước chưa hiệu quả, đây là một trong những nguyên nhân cản trở sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Ông Lê Mạnh Hùng (Viện Nghiên cứu con người – Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) đề nghị dự thảo văn kiện Đại hội XII cần nhấn mạnh đến vấn đề đổi mới công tác cán bộ; cần có điều kiện và tiêu chí rõ ràng, cụ thể đề cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo quản lý.
Để có được lớp cán bộ lãnh đạo, quản lý có tài, ông Hùng cho rằng dự thảo văn kiện cũng cần quan tâm tới việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Tuy nhiên, phải làm thế nào để nguồn nhân lực chất lượng cao không bị lãng phí, nhân tài được sử dụng, tránh hiện tượng chảy máu chất xám. Ngoài việc giáo dục đào tạo, dự thảo cần nhấn mạnh thêm đến quy trình phát hiện, bồi dưỡng, trọng dụng, đãi ngộ và sử dụng nhân lực chất lượng cao và nhân tài./.