Lấy phiếu tín nhiệm: Chưa nên mở rộng đối tượng
(VOV) - Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, việc mở rộng phạm vi người lấy phiếu tín nhiệm là chưa cần thiết.
Ban hành Nghị quyết là cần thiết
Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 10/11, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.
Phát biểu tại hội trường, các ý kiến đại biểu đều bày tỏ đồng tình về sự cần thiết phải thông qua Nghị quyết này, cơ bản nhất trí với Tờ trình của ban soạn thảo cũng như báo cáo thẩm tra của dự thảo Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Các đại biểu nhấn mạnh, để triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, Nghị quyết của Quốc hội về một số cải tiến, đổi mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, thì việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn là cần thiết.
Ngoài ra, việc lấy phiếu tín nhiệm cũng góp phần đáp ứng yêu cầu của công tác cán bộ; bổ sung căn cứ để thực hiện công tác quy hoạch, đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ một cách hiệu quả, đúng người, đúng việc; khuyến khích những người tín nhiệm thấp tự nguyện từ chức; kịp thời đưa ra khỏi vị trí lãnh đạo, quản lý những người không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao mà không phải chờ đến hết nhiệm kỳ.
Phạm vi không nên quá rộng
Về Điều 5 của dự thảo Nghị quyết quy định phạm vi những người được lấy phiếu tín nhiệm, nhiều đại biểu cho rằng phạm vi còn quá rộng và chưa thật cần thiết.
Đại biểu Trương Thị Thu Trang (đoàn Tiền Giang) đề nghị chỉ nên giữ lại khoản 1 và khoản 3 của Điều 5. Theo đó Quốc hội thực hiện lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu và phê chuẩn gồm: Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, các thành viên khác của Ủy ban thường vụ Quốc hội; Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, các thành viên khác của Chính phủ; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng kiểm toán nhà nước.
Hội đồng nhân dân thực hiện lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch, Phó Chủ tịch, uỷ viên thường trực Hội đồng nhân dân, Trưởng các Ban của Hội đồng nhân dân; Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các ủy viên của Uỷ ban nhân dân.
Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Vi Thị Hương (đoàn Điện Biên) cho rằng, việc lấy phiếu tín nhiệm với các Phó Chủ tịch, các ủy viên của Hội đồng dân tộc, Phó Chủ nhiệm, các ủy viên của Ủy ban của Quốc hội cần phải cân nhắc. Bởi lẽ, những người này thường kiêm nhiệm, quỹ thời gian dành cho chuyên môn rất lớn và công tác ở những công việc khác nhau nên khó đảm bảo thời gian dành cho các hoạt động của Quốc hội theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội.
Ngoài ra, có những người giữ nhiều chức vụ và nếu lấy phiếu thì họ có thể được mặt này thì mất mặt kia, ví dụ như hoạt động tốt về chuyên môn nơi đơn vị công tác nhưng lại chưa đảm bảo thời gian cho các hoạt động của Quốc hội hay ngược lại. Điều này dễ dẫn đến khó đánh giá và không tạo động lực tốt trong công tác bố trí cán bộ.
Bổ sung thêm những ý kiến trên, đại biểu Trần Minh Thống (đoàn Kiên Giang) cho rằng quỹ thời gian của các thành viên Ủy ban bị chi phối rất nhiều, đặc biệt là những người giữ chức vụ chủ chốt ở các địa phương, đơn vị. Do đó đại biểu đề nghị, thay vì lấy phiếu tín nhiệm, Quốc hội nên tạo cơ chế địa phương, đơn vị nhận xét kiểm điểm hàng năm về những người này rồi gửi báo cáo tới Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban.
Phải lượng hóa mức độ tín nhiệm
Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội bày tỏ băn khoăn về 4 mức độ tín nhiệm được nêu trong dự thảo Nghị quyết là: “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm trung bình”, “tín nhiệm thấp” và “chưa có ý kiến”.
Tuyệt đại đa số ý kiến đề nghị bỏ lựa chọn “Chưa có ý kiến” vì cho rằng đại biểu phải thể hiện chính kiến cũng như trách nhiệm thay mặt cử tri đưa ra quyết định.
Ngoài ra, nhiều đại biểu đặt vấn đề căn cứ nào để lượng hóa được các mức độ Cao- Trung bình- Thấp, đó còn là chưa tính đến những tình huống có thể có như một người đạt tỉ lệ phiếu theo 3 mức độ trên là 40%-20%-40% thì sẽ phải xem xét ra sao.
Theo đại biểu Đinh Thị Phương Khanh (đoàn Long An), nên chăng cần xây dựng bộ câu hỏi và trả lời để đánh giá và làm căn cứ để lượng hóa theo các mức độ, đảm bảo tính khách quan hơn. Đại biểu Khanh đề nghị chỉ nên quy định 2 lựa chọn là: Tín nhiệm và Không tín nhiệm.
Ngoài ra, có ý kiến đề nghị có thể đưa mục “Ý kiến khác” vào để đại biểu bày tỏ ý kiến, góp ý đối với người được lấy phiếu tín nhiệm./.