Nguyên Phó Chủ tịch MTTQ VN bàn việc 'luật hóa' để giám sát Đảng
VOV.VN -Ông Lê Truyền: Mặt trận cùng nhân dân giám sát cán bộ Đảng viên, cán bộ của Đảng nhằm góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.
Dự dự thảo Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi) đang được đưa ra lấy ý kiến và nhận được sự quan tâm của đông đảo tầng lớp nhân dân. Ông Lê Truyền, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết, ông tham gia vào việc xây dựng dự thảo luật MTTQ Việt Nam (sửa đổi) vào từ những năm 1997-1998, đến giờ dự thảo Luật MTTQ Việt Nam đã cởi mở và tiến bộ hơn nhiều.
Dự thảo Luật cởi mở, tiến bộ hơn nhiều
“Trước kia, khi thảo luận Luật MTTQ Việt Nam, vẫn có ý kiến cho rằng đây là luật chính trị, luật khung, viết rất chung chung và rút gọn. Nhưng thực sự, Dự thảo lần này, những quy định đã được mở rộng ra, mang tính chất một luật có thể thực hiện được trên thực tế ở nhiều lĩnh vực khác nhau”- ông Lê Truyền chia sẻ.
Ông Lê Truyền cho rằng, những quy định liên quan đến Đảng ở trong Luật MTTQ Việt Nam mà chúng ta đưa được vào thì đó là cơ hội tốt, bởi Đảng lãnh đạo bằng nhiều phương thức nhưng có phương thức rất quan trọng là lãnh đạo bằng việc thể chế hóa những quan điểm, chủ trương lãnh đạo của mình. Quan điểm của Đảng được thể chế hóa thì trong quá trình chúng ta xây dựng Nhà nước pháp quyền thì mọi người dân phải thực hiện theo pháp luật mà chính người dân xây dựng nên. Vì thế về sự lãnh đạo của Đảng, càng được thể chế hóa một cách cụ thể và thể chế sớm thì càng mau chóng đến được với các tầng lớp nhân dân.
“Theo tôi, trong luật về MTTQ Việt Nam, vấn đề về Đảng chưa được nhận thức một cách rõ ràng. Nếu nói có Đảng ở trong luật này cũng được, mà nói không có vấn đề về Đảng trong luật cũng được. Hiện nay, có rất nhiều điều khoản trong Luật MTTQ Việt Nam thì rải rác đã nói về Đảng nhưng chỉ nhắc có tên Đảng ở trong đó. Quan hệ giữa Đảng với Mặt trận, những công việc của Đảng với Mặt trận và của Mặt trận đối với Đảng còn chưa được thể hiện rõ trong luật. Nếu làm rõ được điều này thì rất thuận lợi cho Đảng, cũng như Luật MTTQ Việt Nam có tầm chính trị cao hơn và thực hiện một cách lâu dài”- ông Truyền phân tích.
Quan điểm của Đảng càng được thể chế hóa thì càng đến gần dân
Theo ông Truyền, có một điều rất quan trọng là Đảng vừa là thành viên, vừa là tổ chức lãnh đạo MTTQ Việt Nam. Như vậy, có nghĩa là Đảng ở trong Mặt trận, nhưng Đảng lại lãnh đạo Mặt trận. “Khi xây dựng Luật MTTQ Việt Nam, nội dung Đảng ở trong Mặt trận phải quy định như thế nào để góp phần làm cho MTTQ Việt Nam đầy đủ ý nghĩa là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội… Như vậy, Đảng là một thành viên số 1 của Mặt trận, đòi hỏi phải hoạt động nhất, gương mẫu nhất, phải làm cho Mặt trận mạnh lên trong quá trình Mặt trận thực hiện quyền và trách nhiệm của mình. Có làm rõ được vai trò của Đảng trong Luật MTTQ Việt Nam thì mới thể hiện rõ được mối quan hệ của MTTQ Việt Nam với Đảng, Nhà nước, nhân dân và các tổ chức khác không nằm trong MTTQ Việt Nam”.
Theo ông Lê Truyền, đã có một số điều trong dự thảo luật MTTQ Việt Nam nói về Đảng nhưng chưa thể hiện rõ. Để thể hiện vai trò của Đảng trong dự thảo Luật MTTQ Việt Nam thì cần thể hiện 3 điều: Thứ nhất, phải nêu được mối quan hệ của MTTQ Việt Nam với Đảng Cộng sản Việt Nam, mối quan hệ kép, vừa là thành viên, vừa lãnh đạo Mặt trận. Phải lý giải mối quan hệ này bằng những nội dung thật khúc triết, ngắn gọn được thể hiện trong Luật MTTQ Việt Nam, chứ không chỉ nêu mỗi câu “Đảng vừa là tổ chức thành viên, vừa lãnh đạo Mặt trận" như vậy không giải quyết được vấn đề gì”.
Thứ hai, trong Hiến pháp đã nêu nội dung Đảng hoạt động theo khuôn khổ của pháp luật, chịu sự giám sát của nhân dân. Mặt trận là một tổ chức đại diện cho quyền và lợi ích của nhân dân và một trong những nhiệm vụ của Mặt trận là giám sát. Giám sát ở đây là mang tính nhân dân. Mặt trận cùng với tai mắt của nhân dân giám sát cán bộ Đảng viên, những cán bộ của Đảng nhằm góp phần xây dựng Đảng từ ở cơ sở đến Trung ương trong sạch, vững mạnh.
“Việc giám sát hiện nay đã có văn bản của Đảng. Chỉ cần theo tinh thần đó đưa vào trong Luật và thể chế hóa những nội dung này”-ông Truyền nói.
Thứ ba, MTTQ Việt Nam phải phản biện về nhưng chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng như hoạch định những đường lối, kể cả công tác tổ chức cán bộ, kể cả Nghị quyết của Đảng đã nêu và văn bản của Bộ Chính trị hướng dẫn Thông tri để làm quy trình để MTTQ Việt Nam tham gia giám sát, phản biện thì những việc này bây giờ cũng phải đưa vào trong Luật MTTQ Việt Nam. Và phải có mục nêu mối quan hệ của MTTQ Việt Nam về giám sát, phản biện của Mặt trận đối với Đảng.
“Tôi rất tha thiết đưa được những nội dung đó vào Luật MTTQ Việt Nam với lý lẽ đây là thời cơ để công tác xây dựng Đảng của MTTQ Việt Nam ngày càng phong phú và trên cơ sở pháp lý là luật MTTQ Việt Nam”- ông Truyền đề nghị./.