Bộ Y tế bổ sung phác đồ điều trị sởi
VOV.VN -Hội đồng chuyên môn Bộ Y tế vừa bổ sung thêm cách sử dụng gamma globulin vào phác đồ điều trị sởi.
Trước tình hình số ca tử vong liên quan đến sởi tăng cao trong thời gian qua, Hội đồng chuyên môn Bộ Y tế vừa họp và thống nhất sử dụng gamma globulin miễn dịch, một chất tăng cường sức đề kháng, bổ sung thêm cho cơ thể, ngoài những phác đồ chung đã áp dụng do Bộ Y tế ban hành vào năm 2009. PV VOV phỏng vấn ông Nguyễn Văn Kính- Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương về vấn đề này.
Bệnh Nhi mắc sởi (Ảnh: Dân trí) |
PV: Xin ông cho biết hiện nay những đối tượng nào dễ mắc sởi nhất?
Ông Nguyễn Văn Kính: Đối tượng dễ mắc sởi gồm người chưa tiêm chủng, và ngay cả những trẻ em dưới 9 tháng tuổi. Vì vậy, trẻ em từ 2 tháng tuổi, 6 tháng tuổi tới 9 tháng tuổi đều có thể mắc bệnh sởi. Ngoài ra, người lớn chưa được tiêm chủng, không có miễn dịch nên khi có dịch sởi họ cũng dễ mắc.
PV: Hội đồng chuyên môn Bộ Y tế vừa bổ sung thêm phác đồ điều trị sởi, ông cho biết cụ thể hơn?
Ông Nguyễn Văn Kính: Về phác đồ sau khi xem xét lại thì bệnh sởi là bệnh dẫn đến suy giảm miễn dịch cấp tính, ngay sau khi mắc sởi thì cơ thể đáp ứng miễn dịch với các mầm bệnh, vi sinh vật khác rất kém. Với cách hiểu về cơ chế bệnh như vậy, nên ngay chiều 15/4 khi Hội đồng chuyên môn họp đã thống nhất ngoài các phác đồ chung đã được Bộ Y tế ban hành vào năm 2009 thì sẽ bổ sung thêm cách sử dụng gamma globulin. Đây là chất tăng cường sức đề kháng của cơ thể, trường hợp nặng thì tiêm tĩnh mạnh, trường hợp ở mức độ trung bình sẽ tiêm bắp để nâng cao sức miễn dịch cho những người mắc bệnh sởi. Và kết hợp việc phát hiện sớm những trường hợp có biến chứng về hô hấp, viêm não để có những điều trị cụ thể cho từng trường hợp, giảm bớt tỉ lệ tử vong.
PV: Ông có khuyến cáo gì về cách phòng tránh bệnh sởi để giảm thiểu ca mắc và tử vong?
Ông Nguyễn Văn Kính: Thứ nhất, chúng ta phải áp dụng các biện pháp dự phòng chung và biện pháp quan trọng nhất là đeo khẩu trang khi đến chỗ đông người hoặc bệnh viện. Thứ 2 là phải rửa tay bằng các loại thuốc sát trùng. Thứ 3 là tăng cường miễn dịch cho những người có nguy cơ mắc. Nghĩa là song hành việc khám chữa bệnh, điều trị sớm để giảm biến chứng thì quan trọng là tăng cường công tác tiêm chủng ở cộng đồng. Chúng ta biết rằng tiêm chủng phải 4 tuần sau mới có hiệu lực để bảo vệ, nên ngay từ bây giờ phải khuyến cáo cho người dân đi tiêm phòng càng sớm càng tốt, có miễn dịch sớm ngày nào thì sẽ giảm bớt những trường hợp mắc sởi ngày đó. Cả cộng đồng cùng tham gia phòng chống dịch thì sẽ hạn chế được lây lan và tử vong./.
PV: Vâng, xin cảm ơn ông!./.