Những người thầy đặc biệt
VOV.VN-4 năm qua, các tình nguyện viên CLB Nhân Ái đã lập ra nhiều lớp học tình thương tại hàng loạt “điểm nóng” ở TP HCM
Từ thứ hai đến thứ bảy hàng tuần, khi đồng hồ điểm 5 giờ chiều là trẻ em xóm rác Sở Thùng (phường 13, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh) lại sẵn sàng tập vở cho giờ học thêm. Các em nhỏ tuổi thì được các tình nguyện viên Câu lạc bộ Nhân Ái đến tận nhà kèm cặp. Các em lớn hơn thì tới chùa Giác Quang để khởi đầu buổi học. Mới đầu, những lớp học tình thương như vậy của Câu lạc bộ Nhân Ái chỉ có vài em theo học. Nhưng sau một thời gian tiếp cận, vận động, đến nay, sĩ số mỗi lớp đã lên đến 60 em.
Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nhân Ái, Mai Bảo Trung, sinh viên Trường Đại học Nông Lâm thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: "Ban đầu xuống gặp gia đình các em, họ chưa tin tưởng vì chúng tôi cũng chỉ là một nhóm sinh viên. Thậm chí nniều người còn đuổi, đánh. Bên cạnh đó, khi nhóm chưa tiếp cận, các em thường chửi thề, đánh lộn, có em còn đánh tình nguyện viên. Nhưng bây giờ các em đã dần dần thay đổi".
Bên cạnh việc duy trì lớp học cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ở xóm rác Sở Thùng, Câu lạc bộ Nhân Ái còn quản lý nhiều lớp học tình thương khác tại quận Thủ Đức, quận 1…
Không chỉ dạy con chữ, bày phép toán, những người thầy đặc biệt này còn dạy cho các em̉ kỹ năng sống, cách bảo vệ bản thân trước những cám dỗ, cạm bẫy. Vào cuối tháng, mỗi lớp học tình thương sẽ có một buổi sinh hoạt tập thể theo chủ đề để thầy trò thêm gần nhau hơn. Mỗi đứa trẻ có một hoàn cảnh và ước mơ riêng, nhưng chúng đều cho rằng, được tham gia những lớp học như thế này là niềm vui lớn.
Em Phan Văn Thuận, 11 tuổi, quê ở Phú Thọ, vừa theo ba mẹ đến quận Bình Thạnh sinh sống được 10 tháng nay cho biết: "Con học lớp 5 ở ngoài Bắc. Đáng lẽ năm nay lên lớp 6 nhưng gia đình không có đủ điều kiện nên con chưa được đi học. Khi mấy thầy cô xuống xóm vận động mấy bạn lên đây học, con xin theo học luôn. Ở đây thầy cô dạy cho con học, dạy cho con chữ viết, nếu làm đúng còn được quà".
Một trong những mục tiêu nhóm đặt ra là phải từng bước thay đổi cách nghĩ, cách sống của những đứa trẻ kém may mắn nên song song với việc dạy văn hóa, các tình nguyện viên luôn dành thời gian tâm sự, chia sẻ những vấn đề mà học trò mình còn vướng mắc. Nhiều tình nguyện viên còn góp tiền mua tập vở, bánh kẹo làm quà khuyến khích trò ngoan.
Dương Ngọc Bích, sinh viên Trường Đại học Sài Gòn, một tình nguyện viên tham gia đứng lớp của Câu lạc bộ Nhân Ái trải lòng: "Niềm vui của em chính là nụ cười của các em nhỏ. Ở nhà, các em bị áp lực chuyện gia đình, đến đây, có mấy anh chị chia sẻ. Thấy các em vui bản thân em cũng vui vì nghĩ rằng mình đã làm được điều gì đó có ích".
Không chỉ được học trò trân trọng gọi tiếng thầy, tiếng cô, các thành viên Câu lạc bộ Nhân Ái còn trở thành điểm tựa đáng tin cậy của nhiều bậc phụ huynh. Chị Lâm Thị Tím, nhà ở quận Bình Thạnh, có con đang theo học tại lớp tình thương Sở Thùng phấm khởi: "Tôi rất mừng và cảm ơn các bạn sinh viên đã vào tận nhà dạy chữ cho trẻ em trong xóm, bởi những đứa nghèo hiếu học không có điều kiện được đến trường".
Nhận thấy ý nghĩa thiết thực của những việc mình làm, mỗi thành viên trong câu lạc bộ luôn nỗ lực hết sức để ngày càng giúp thêm nhiều trẻ em nghèo không dở dang chuyện học. Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Lê Thị Oanh cho hay: "Trước mắt chúng tôi sẽ làm tốt tại những khu vực mà nhóm đang mở lớp dạy tình thương. Khi thấy dự án phát triển hơn, chúng tôi đi tiếp cận tại những khu vực còn nhiều đối tượng cần giúp đỡ. Khi tiếp cận đúng đối tượng, chúng tôi sẽ kêu gọi thêm cộng tác viên tham gia dự án để mọi người có thể giúp chúng tôi gieo con chữ và thay đổi ý thức của những đứa trẻ có nguy cơ vướng vào tệ nạn xã hội".
Bằng tình thương yêu dành cho những cảnh đời kém may mắn, những người thầy đặc biệt của Câu lạc bộ Nhân Ái đang cùng nhau góp sức vào sự nghiệp "trồng người" với hy vọng mang đến cho xã hội những mùa trái ngọt mai sau./.