Đột phá về cơ chế chính sách tạo cú hích phát triển du lịch
VOV.VN -Du lịch Việt Nam đã Đột phá về cơ chế chính sách tạo cú hích phát triển du lịch, hoàn thành mục tiêu nhiệm vụ đặt ra.
Năm 2015, các hoạt động của ngành du lịch diễn ra trong nhiều bối cảnh có nhiều thách thức và cơ hội đan xen, khách quốc tế suy giảm liên tục trong 13 tháng từ tháng 6/2014. Tuy nhiên, trong tình hình đầy khó khăn thử thách, được sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của Chính phủ, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch, Du lịch Việt Nam đã tiếp tục phát huy đà tăng trưởng, huy động hiệu quả các nguồn lực đầu tư hoàn thành mục tiêu nhiệm vụ đặt ra.
Du lịch Việt Nam mang tầm khu vực và Quốc tế, thu hút ngày càng nhiều du khách. |
Kết thúc năm 2015, ngành Du lịch đã đón và phục vụ hơn 8 triệu lượt khách quốc tế, hơn 57 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch ước đạt khoảng 338.000 tỷ đồng.
Thành công lớn nhất trong năm qua là Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết, Chỉ thị nhằm tháo gỡ khó khăn cho du lịch, tạo bước chuyển biến mới. Trong đó, Nghị quyết 92 định hướng tập trung giải quyết 5 vấn đề trọng tâm của ngành du lịch, Nghị quyết 39 và Nghị quyết 46 về việc miễn thị thực có thời hạn từ ngày 1/7/2015 trong thời gian 5 năm đối với công dân 6 nước Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Italia và Belarus; Chỉ thị 14 về việc tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, tập trung khắc phục yếu kém, thúc đẩy phát triển du lịch…
Việt Nam chú trọng tăng cường thúc đẩy hợp tác du lịch với Nga
Tổng cục Du lịch đã làm việc với Đại sứ quán các nước để thông báo tình hình, cung cấp thông tin thị trường, làm việc với các hiệp hội du lịch, doanh nghiệp lữ hành để xây dựng các sản phẩm du lịch phù hợp; Mời, đón các đoàn Famtrip, Presstrip từ thị trường Tây Âu sang Việt Nam khảo sát…Cùng nỗ lực của toàn ngành, 6 tháng cuối năm 2015, du lịch Việt Nam bước đầu lấy lại đà tăng trưởng, khách quốc tế phục hồi. Nếu 6 tháng đầu năm 2015 khách quốc tế giảm gần 13% thì đến thời điểm cuối năm lượng khách này đã đạt gần 8 triệu lượt so với 7,870 triệu lượt năm 2014. Du lịch nội địa ngày càng khẳng định sự đóng góp quan trọng với 57 triệu lượt khách, tổng thu từ du lịch năm 2015 ước đạt 338.000 tỷ đồng, tăng 6,2% so với năm ngoái.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết: “ Năm 2015, trong đà phục hồi của lượng khách quốc tế có sự chuyển biến lớn về chất lượng khách. Trong đó, thị trường khách có chi tiêu cao và lưu trú dài ngày tăng tốt; Thị trường khách Nga và khách Trung Quốc bắt đầu phục hồi với chủ yếu là khách đi bằng đường hàng không; Khách từ 6 thị trường châu Âu vừa được miễn visa (gồm Anh, Pháp, Ý, Đức, Tây Ban Nha và Belarus) đã có sự tăng trưởng khả quan…Đặc biệt có sự bùng nổ về khách du lịch nội địa trong các dịp nghỉ lễ dài ngày, góp phần bù đắp nguồn thu từ khách quốc tế”.
Một tín hiệu tốt của ngành du lịch năm qua là một số địa bàn du lịch trọng điểm là TP HCM, Đà Nẵng, Lâm Đồng và tỉnh Quảng Ninh đạt kết quả cao trong việc thu hút và phục vụ khách du lịch. Năm 2015, nhiều dự án có quy mô lớn được thực hiện bởi các nhà đầu tư chiến lược như: VinGroup, SunGroup, Mường Thanh, FLC, Tuần Châu…hoàn thành đưa vào khai thác, với chất lượng dịch vụ cao, có sức hấp dẫn lớn đối với du khách, góp phần quảng bá thương hiệu du lịch Việt Nam…
Theo bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhờ những cơ chế chính sách đúng, kịp thời của Chính phủ đã giúp tháo gỡ được những khó khăn, tạo nên cú hích cho Du lịch Việt Nam phát triển mạnh và hệ thống doanh nghiệp du lịch Việt Nam đang ngày càng phát triển, có nhiều đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế đất nước.
Tuy nhiên, sự phát triển của Du lịch Việt Nam còn một số tồn tại, khó khăn cần tháo gỡ. Đó là một số Bộ, ngành, địa phương chưa hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 92 và Chỉ thị số 14; Còn thiếu đồng bộ để kết nối có hiệu quả giữa du lịch và các lĩnh vực khác như: giao thông, hàng không, thương mại, ngoại giao; Vấn đề đảm bảo môi trường du lịch tại nhiều địa phương; Tình trạng đeo bám khách, trộm cắp, an toàn giao thông, vệ sinh an toàn thực phẩm, chưa được giải quyết triệt để …
Trong năm 2016, ngành Du lịch dự kiến đón từ 8,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế; phục vụ 60 triệu lượt khách nội địa; tổng thu từ khách du lịch đạt 400.000 tỷ đồng. Để đạt được mục tiêu này, ngành du lịch và các địa phương tập trung khắc phục yếu kém, tăng cường liên kết giữa ngành Du lịch với các bộ, ngành liên quan, giữa cơ quan quản lý ở Trung ương và cơ quan quản lý ở địa phương, giữa Nhà nước và doanh nghiệp, giữa địa phương và địa phương, giữa doanh nghiệp và doanh nghiệp nhằm thúc đẩy du lịch phát triển.
Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết: “Tôi tin rằng khi doanh nghiệp đã sát cánh cùng với cơ quan Nhà nước quản lý về Du lịch và với sự hợp tác cao giữa các địa phương, các bộ ngành tin rằng Du lịch sẽ vượt qua được khó khăn hiện nay và chúng ta có sự cạnh tranh mạnh hơn so với các nước trong khu vực và Việt Nam xứng đáng là điểm đến hàng đầu trong khu vực trong tương lai gần”.
Sự phát triển của du lịch phụ thuộc nhiều vào quyết tâm chính trị của chính quyền các cấp từ Trung ương đến địa phương, phối kết hợp chặt chẽ của các bộ, ngành liên quan, sự năng động tích cực của các doanh nghiệp du lịch, quá trình tham gia của cộng đồng dân cư, du khách và sự quan tâm khích lệ của các cơ quan thông tin truyền thông – một kênh quan trọng tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch đất nước để thương hiệu Du lịch Việt Nam mang tầm khu vực và Quốc tế, thu hút ngày càng nhiều du khách./.