“Chỉ số Hạnh phúc” - Thước đo hoạt động cấp ủy Yên Bái

VOV.VN - Qua 2 năm đầu triển khai đưa chỉ số “hạnh phúc” vào chủ đề Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, chỉ số hạnh phúc của người dân ở Yên Bái đã tăng vượt kế hoạch đề ra.

Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, lần đầu tiên tỉnh Yên Bái đưa chỉ số “hạnh phúc” vào chủ đề Đại hội, mục tiêu là nâng cao chỉ số hạnh phúc của người dân qua các năm, phấn đấu đến hết nhiệm kỳ tăng chỉ số hạnh phúc lên 15%. Đây là việc làm mới, chưa có tiền lệ ở bất cứ địa phương nào trong cả nước; khái niệm “hạnh phúc” lại khá trừu tượng, khó có thể “lượng hoá”. Tuy nhiên, kết quả cho thấy, mới qua 2 năm đầu triển khai, chỉ số hạnh phúc của người dân ở Yên Bái đã tăng vượt kế hoạch đề ra.

Vậy, Yên Bái đã làm thế nào để có kết quả này; người dân và dư luận có đồng thuận hay hài lòng với “tư duy” mới trong cách ra nghị quyết của cấp uỷ? Đây là những nội dung sẽ có trong loạt bài “Chỉ số Hạnh phúc” - Thước đo hoạt động cấp ủy Yên Bái" 

               Bài 1: Biến khái niệm thành mô hình thực tiễn hiệu quả

Mỗi ngày đến lớp với em Giàng Hoàng Cầm, học sinh lớp 6, Trường Tiểu học và THCS Suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái và các bạn cùng lớp đều là một ngày vui. Bởi trong không gian học tập sạch đẹp, gọn gàng, Cầm cùng các bạn được các thầy cô tận tình dạy dỗ, yêu thương: "Con mong mỗi ngày đều được đến trường để gặp các bạn và cô giáo. Con đến trường cảm thấy rất vui và hạnh phúc khi được các thầy cô giáo giảng dạy cho những kiến thức và yêu thương con".     

Đón học sinh vào lớp học với nụ cười tươi tắn, cô giáo Lương Thị Hạnh và gần 80 cán bộ, giáo viên của trường ai cũng cảm thấy vui hơn, hạnh phúc hơn khi giờ đây các em học sinh của trường, với phần lớn là con em đồng bào Mông mỗi sớm đều háo hức đến trường học tập. Đây là điều ít thấy ở vùng cao trong nhiều năm trước – khi cha mẹ các em chưa thật chú trọng với việc học chữ của con em mình. Từ sự quan tâm của cấp uỷ, chính quyền các cấp, sự tận tuỵ của mỗi thầy cô giáo; đặc biệt là từ khi triển khai mô hình “Trường học hạnh phúc” thì những chuyển biến tốt càng rõ nét.

"Chúng tôi tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp, hoạt động trải nghiệm để các em học sinh được tham gia vào các hoạt động này để các em cảm thấy mỗi một ngày đến trường là một ngày vui và thực sự trường học là một nơi hạnh phúc đối với bản thân cá nhân tôi cũng như các đồng nghiệp và các em học sinh của tôi"-cô giáo Lương Thị Hạnh nói.

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Suối Giàng, huyện Văn Chấn hiện có hơn 900 học sinh, với gần 90% là người dân tộc Mông. Dù còn không ít khó khăn của một ngôi trường vùng cao, song khi bắt tay xây dựng mô hình “Trường học hạnh phúc”, thầy và trò nơi đây đã cụ thể hoá khái niệm “hạnh phúc” bằng những hoạt động thiết thực, phù hợp với thực tế để "Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”. Đơn cử như mỗi góc nhỏ trong lớp, mỗi góc xanh nơi sân trường đều được các thầy cô chăm chút thiết kế theo hướng mở để các em vừa học tập, sinh hoạt cảm thấy gần gũi, thân thương như ở nhà.  

Thầy giáo Hà Việt Thành, hiệu trưởng nhà trường cho biết: Tất cả các hoạt động đều hướng tới mục tiêu cung cấp kiến thức, kĩ năng mềm cho các em: "Quan trọng nhất là việc dạy và học phù hợp với đặc thù vùng miền, học sinh rất phấn khởi, đến trường đến lớp đầy đủ cũng như tích cực các hoạt động. Tỷ lệ học sinh chuyên cần luôn đạt 100%".

Được huyện ủy Mù Cang Chải lựa chọn xây dựng mô hình "Bản hạnh phúc” nhằm nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân, bà con bản Trống Là, xã Hồ Bốn đã nỗ lực phấn đấu để hoàn thành nhiều tiêu chí. 

100% số hộ được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh; 100% số trẻ em dưới 6 tuổi trong bản được tiêm chủng các loại vaccine; người già từ 60 tuổi trở lên đều tham gia Hội Người cao tuổi và được theo dõi sức khỏe định kỳ;

Trong bản có từ 5-10 mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả, bền vững, tạo thu nhập ổn định; 40-50% số hộ gia đình có thu nhập từ 100 triệu đồng/năm trở lên; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 12%...

Ông Lìm Văn Hòa, Trưởng Ban Công tác mặt trận của bản chia sẻ, mục tiêu xây dựng "Bản hạnh phúc” của Trống Là là bản thân mỗi người đều sống vui, khoẻ mạnh, đoàn kết, hài lòng về cuộc sống, về môi trường sống xung quanh... 

"Chúng tôi cũng vận động các hộ gia đình thường xuyên học tập và nghiên cứu các bản, các xã đã làm rồi để bà con triển khai. Qua sơ, tổng kết, đánh giá chấm điểm nếu mà đạt thì từ giờ đến cuối năm chúng tôi sẽ cho ra mắt bản hạnh phúc"- ông Lìm Văn Hòa nói.

Ngoài Trống Là, mô hình "Bản hạnh phúc" cũng đang được triển khai ở nhiều thôn bản ở các huyện vùng cao Mù Cang Chải, Trạm Tấu và sẽ tiếp tục được nhân rộng ở nhiều địa phương khác ở tỉnh Yên Bái trong thời gian tới. Bà Đào Thị Thu Thủy, Trưởng Ban Tuyên giáo huyện ủy Mù Cang Chải cho biết, để xây dựng thành công mô hình này, ngoài nỗ lực của các cán bộ thôn, bản; sự đồng thuận, chung tay của bà con, mỗi cuối tuần, các cán bộ huyện, tỉnh cũng thường xuyên xuống cơ sở cùng chia sẻ và cùng làm từng phần việc cụ thể với người dân:

Bà Đào Thị Thu Thủy khẳng định, cán bộ, đảng viên xuống với dân, cùng nhân dân giải quyết những vấn đề khó khăn, vướng mắc ngay tại cơ sở, giúp người dân chuyển đổi nhận thức trong lao động sản xuất, trong xóa đói giảm nghèo và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần.

Phong trào “Bác sỹ tận tâm - Bệnh nhân hạnh phúc” hiện đang được triển khai tại 02 Bệnh viện đa khoa, 05 bệnh viện chuyên khoa ở tỉnh Yên Bái, để từ đây, các bệnh viện sẽ trở thành những “Bệnh viện Hạnh phúc” đối với mỗi người dân khi đến khám, chữa bệnh.

Trung tâm Y tế thành phố Yên Bái khi thực hiện mục tiêu này đã thành lập “Tổ Chăm sóc chỉ số hạnh phúc về y tế”, với các hoạt động gọi điện, tư vấn sức khỏe, hỗ trợ người bệnh sau khi khám và điều trị tại Trung tâm; thực hiện cấp phát thuốc miễn phí cho người dân từ 60 tuổi trở lên tại 15 xã, phường và duy trì thực hiện khám và chăm sóc sức khỏe định kỳ cho nhân dân…

Ngoài ra, để thực sự xứng danh “Bệnh viện hạnh phúc”, Trung tâm cũng đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu khám chữa bệnh của người dân như: Sử dụng hệ thống đặt lịch khám chữa bệnh qua mạng, đặt lịch tiêm chủng và lấy mẫu xét nghiệm qua hệ thống đặt lịch tại nhà, gọi xe cứu thương qua "Bản đồ xe cứu thương", quan tâm xây dựng môi trường y tế xanh - sạch - đẹp, thân thiện, văn minh, thuận tiện... Bà Nguyễn Kim Thúy, người dân phường Yên Ninh, TP Yên Bái hài lòng khi đến khám chữa bệnh tại đây: "Các y, bác sỹ ở Bệnh viện chăm sóc, thăm khám rất là nhiệt tình, thân thiện làm cho tư tưởng bệnh nhân thoải mái, bệnh tật trong người nó cũng giảm đi đáng kể". 

Tỉnh Yên Bái hiện cũng đang đẩy mạnh nhiều phong trào thi đua, nhằm thúc đẩy việc nâng cao chỉ số hạnh phúc của nhân dân, như phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”,  phong trào thi đua xây dựng văn hóa công sở, nơi làm việc “Xanh, sạch, đẹp, hạnh phúc”... 

Qua nửa nhiệm kỳ thực hiện các mô  hình, tỉnh Yên Bái hiện đã có gần 300 trường học đạt tiêu chuẩn Trường học hạnh phúc, chiếm 65% số trường hiện có và vượt 15% so với chỉ tiêu đề ra.

Toàn tỉnh cũng đã có gần 40% thôn, bản, tổ dân phố văn hóa đạt tiêu chí thôn, bản, tổ dân phố hạnh phúc; bên cạnh đó đã xây dựng được hơn 500 CLB gia đình hạnh phúc.

Trong lĩnh vực Y tế, toàn tỉnh đã đạt 10,8 bác sỹ/mười nghìn dân; gần 90% số xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế. Năm 2022, tỷ lệ hài lòng của người bệnh đạt 98,2%; tuổi thọ trung bình của người dân là 73,9; trong đó, số năm sống khỏe tối thiểu đạt 66,2.

Các phong trào văn hóa, văn nghệ, TDTT quần chúng, việc khôi phục các lễ hội truyền thống cũng đang được phát triển và lan tỏa rộng khắp, tạo khí thế, động lực thi đua hết sức sôi nổi, hướng tới mục tiêu xây dựng “Tỉnh hạnh phúc” như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã đề ra.          

 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Yên Bái đã làm thế nào để nâng chỉ số hạnh phúc của người dân?
Yên Bái đã làm thế nào để nâng chỉ số hạnh phúc của người dân?

VOV.VN - Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Yên Bái đã lựa chọn triết lý phát triển nhanh, bền vững theo hướng “xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”; đồng thời xác định “xây dựng chỉ số hạnh phúc cho người dân” là nhiệm vụ trọng tâm, giá trị cốt lõi trong chiến lược phát triển của tỉnh.

Yên Bái đã làm thế nào để nâng chỉ số hạnh phúc của người dân?

Yên Bái đã làm thế nào để nâng chỉ số hạnh phúc của người dân?

VOV.VN - Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Yên Bái đã lựa chọn triết lý phát triển nhanh, bền vững theo hướng “xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”; đồng thời xác định “xây dựng chỉ số hạnh phúc cho người dân” là nhiệm vụ trọng tâm, giá trị cốt lõi trong chiến lược phát triển của tỉnh.

Yên Bái gần nửa nhiệm kỳ nâng cao chỉ số hạnh phúc người dân
Yên Bái gần nửa nhiệm kỳ nâng cao chỉ số hạnh phúc người dân

VOV.VN - Cuộc sống người dân Yên Bái qua từng năm không chỉ được nâng cao về vật chất, mà đời sống văn hóa, tinh thần cũng phong phú, đa dạng hơn. Đây là cơ sở để Yên Bái tiếp tục đề ra những giải pháp triển khai thực hiện với mục tiêu đến cuối nhiệm kỳ, chỉ số hạnh phúc người dân tăng 15% so với đầu nhiệm kỳ.

Yên Bái gần nửa nhiệm kỳ nâng cao chỉ số hạnh phúc người dân

Yên Bái gần nửa nhiệm kỳ nâng cao chỉ số hạnh phúc người dân

VOV.VN - Cuộc sống người dân Yên Bái qua từng năm không chỉ được nâng cao về vật chất, mà đời sống văn hóa, tinh thần cũng phong phú, đa dạng hơn. Đây là cơ sở để Yên Bái tiếp tục đề ra những giải pháp triển khai thực hiện với mục tiêu đến cuối nhiệm kỳ, chỉ số hạnh phúc người dân tăng 15% so với đầu nhiệm kỳ.

Chỉ số hạnh phúc đưa vào nghị quyết Đảng ở Yên Bái có thành hiện thực?
Chỉ số hạnh phúc đưa vào nghị quyết Đảng ở Yên Bái có thành hiện thực?

VOV.VN - Hạnh phúc tuy là khái niệm hết sức trừu tượng, khó có thể “lượng hóa” nhưng thực tế ở Yên Bái những năm gần đây đã chứng minh một điều là: Người dân sẽ hạnh phúc khi bản thân họ hài lòng về cuộc sống, hài lòng về môi trường sống xung quanh...

Chỉ số hạnh phúc đưa vào nghị quyết Đảng ở Yên Bái có thành hiện thực?

Chỉ số hạnh phúc đưa vào nghị quyết Đảng ở Yên Bái có thành hiện thực?

VOV.VN - Hạnh phúc tuy là khái niệm hết sức trừu tượng, khó có thể “lượng hóa” nhưng thực tế ở Yên Bái những năm gần đây đã chứng minh một điều là: Người dân sẽ hạnh phúc khi bản thân họ hài lòng về cuộc sống, hài lòng về môi trường sống xung quanh...