Nhớ hương vị Tết quê

Đối với tôi, hương vị Tết là hương của dân dã, hương của những loại bánh mứt mà cả đời tôi quên không được…  

Nhớ mãi bánh phồng, bánh tráng

Không biết đối với mọi người có phải hương vị Tết sẽ là thịt mỡ, dưa hành, bánh chưng xanh hay một loại thực phẩm nào khác khi mỗi độ Xuân về? Còn riêng đối với tôi, năm nào cũng vậy, cứ đến mùa gió bấc hanh khô, lúa mùa ngoài đồng chín đỏ, hương xoài thoang thoảng, là lòng tôi lại cứ lâng lâng rộn rã một niềm vui khó tả. Tết sắp đến rồi! Bọn trẻ ở quê như tôi mong đến Tết chỉ đợi được mặc áo mới và ăn bánh tráng và bánh phồng. Xưa làm gì có nhiều loại bánh như bây giờ, chỉ có bánh tráng, bánh phồng là chủ yếu. Tết nhà nào không tráng bánh tráng và quết bánh phồng là coi như không có Tết.

Cuối tháng 11 âm lịch, mọi người định ngày trước để tráng bánh. Người tráng giỏi, hai chủ nhà một ngày hoặc có khi chủ nhà tráng nhiều gạo quá thì chỉ một chủ chọn riêng một ngày. Hơn hai chục năm, má tôi chỉ duy nhất chọn ngày 19 tháng Chạp để tráng. Má nói có hai lý do chọn ngày này: Thứ nhất, lúa mùa chín cắt được vào lối khoảng rằm tháng Chạp trở đi, khi đó mới có gạo để tráng. Ngày trước má tôi thường chọn gạo một bụi để tráng vì theo má loại này có độ dẻo cao, bánh dai ngon và tráng ra nhiều bánh. Thứ hai, ngày 19 là ngày không gần Tết mà cũng không xa Tết lắm. Tráng sớm ăn hết bánh, Tết không còn để cúng, tráng trễ sợ anh em tôi thèm ăn mà dòm miệng người khác, lòng má đau! Có vậy mà ngày 19 tháng Chạp đã trở thành ngày kỷ niệm đáng nhớ nhất của tôi đối với Tết.

Bánh tráng có ba loại: Bánh tráng nhúng là loại bánh không để gia vị gì, dùng để gói với thịt cá ngày Tết. Bánh tráng dừa có vị béo của dừa dùng để nướng và bánh tráng ngọt có vị béo của dừa và vị ngọt của đường dùng để ăn sống. Tôi thì rất thích bánh tráng dừa. Nhất là khi ra giêng còn bánh, trưa đi làm đồng về nướng vài cái chín vàng nhai giòn rụm trong miệng, dư âm hương vị Tết thật tuyệt vời. Tôi còn thích loại bánh tráng dừa ướt để nhân đậu xanh, buổi sáng đi ruộng chỉ cần một đến hai cái là no đến trưa. Riêng ba má tôi thì thích bánh tráng nhúng. Từ ngày 28 cúng rước ông bà cho đến khi hết Tết (cả những ngày 29, 30 và mùng 1, ba má ăn chay) đều dùng bánh tráng nhúng để cúng ông bà và sau đó gói đồ chay hoặc thịt cá một cách ngon lành.

Bánh tráng được đem phơi nắng

Lo tráng bánh xong, ba má chuẩn bị quết bánh phồng. Do quết tập trung nhiều ổ bánh của nhiều nhà bà con họ hàng nên phải chọn hai ngày 23 và 24 tháng Chạp âm lịch. Đây cũng là hai ngày cố định của nhiều năm. Ngày trước các anh em tôi quây quần bên nhau lựa nếp (tức là tách bỏ những hạt nếp trong ra khỏi nếp đục) để nếp thật dẻo, quết bánh mới trùi, mới nổi. Một giờ khuya, mọi người xúm xít nhau chia từng công việc để chuẩn bị quết. Má tôi đảm nhận hai khâu quan trọng nhất của các công đoạn làm bánh phồng là trỏ xôi và dùa bánh. Má nói: “Trỏ xôi không khéo xôi khô hoặc xôi nhão thì không thể quết được. Dùa bánh phải ăn nhịp với người quết nếu không thì dễ bị người cầm chày quết vào tay”. Phần này ba với má tôi quết ăn nhịp là “số zách”. Tôi nhớ năm đó, ba tôi quết mệt, anh hai nhảy vào thay, chưa được mấy chày là “nện” cho má một chày, nhưng cũng may khi đó bánh đã phồng lên rồi, nên tay má chỉ bị đau nhẹ.

Cứ thế, tiếng quết bánh phồng đều đều, văng vẳng trong đêm, tiếng cười nói vui vẻ của bà con họ hàng cán bánh râm ran bên bếp lửa, sao mà vui đến thế, ấm tình đến thế. Làm bánh phồng, bánh tráng ngày Tết rất cực khổ, nhưng vui và thấm đượm hương vị Tết. Không có bánh phồng bánh tráng, ngày Tết quê sẽ mất vui. Má tôi thường nói vậy. Có một điều má tôi tin tưởng là năm nào bánh phồng quết tốt, nổi, trùi phồng to là năm đó nhà tôi sẽ làm ăn được, khá lên.

Quả dừa ngọt Tết quê

Tôi là anh cả trong gia đình có sáu anh em trai. Không có em gái nên mọi việc bếp núc, bánh trái ngày Tết, tôi phải đảm đương tiếp má tôi.

Tôi thích nhất là làm món mứt dừa vì ăn ngon mà lại rất dễ làm. Chỉ cần dừa hơi cứng cạy một chút, sắc mỏng, trộn đường, đem sên trên lửa liu riu đến khi mứt khô, ráo đường là có mứt ăn. Ngày trước, nhà đông nhân khẩu, mỗi dịp Tết đến, tôi phải làm hơn một chục dừa có đầu. Làm cả ngày, mỏi nhừ cả tay chân mà vui lắm nhất là râm ran nghe ba má kể chuyện tết xưa.

Trái dừa quê hương vừa thơm, vừa ngọt

Ba tôi cho biết, ngày xưa ăn Tết đúng 7 ngày, có dựng cây niêu đêm giao thừa rồi có hạ niêu đêm mùng Bảy. Ai đi làm đồng sớm là bị phạt vạ. Bởi vậy, dân gian truyền tụng câu hát: “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”.

Má tiếp lời ba: “Hồi trước bánh trái đâu có nhiều như bây giờ, Tết đến phải làm để có bánh cúng ông bà. Rồi má kể nào là bánh in, bánh bông lan, bánh kẹp trái tim, bánh phồng, bánh tráng… Còn mứt thì đủ loại: Mứt bí, mứt dừa, mứt đậu que, mứt mận, mứt hạnh, mứt gừng… loại nào cũng đặc sắc. Mặc dù làm thì cực lắm nhưng đổi lại do chính công sức của mình làm ra để cúng ông bà, có chút bánh mứt đãi bà con hàng xóm thì vui sướng lắm.

Tôi trèo cây hái dừa khá giỏi. Tết đến thím Tám, thím Sáu mỗi người bảo tôi trèo hai cây coi có bao nhiêu dừa làm mứt được là “cốt” hết xuống. Bẻ xong chia ra mỗi nhà một số, thường thì tôi được nhiều nhất bởi vì mấy thím hơi “làm biếng” vì có tuổi rồi còn tôi sức trẻ, sung lắm có bao nhiêu lấy hết. Ngày 26 âm lịch bẻ dừa lột vỏ, ngày 28 từ sáng sớm đã bắt đầu chặt bổ ra làm mứt cho đến chiều cúng rước ông bà mà vẫn chưa xong. Nước dừa ngọt gắt ai uống thì uống, số còn lại má đổ hết vào nồi chuẩn bị kho thịt.

Năm nào má cũng không phải lo tiền mua thịt. Qua Tết, ở quê tôi có chuyện hụi heo ăn Tết. Đó là hình thức góp vốn mỗi nhà vài chục nghìn tùy theo tình hình thịt heo mắc hay rẻ. Mỗi dây hụi có khoảng 30 đến 40 gia đình, lấy tổng số tiền ấy cho những gia đình nào cần vay lại với lãi suất 3% tháng. Cuối năm, tổng kết lại được bao nhiêu tiền lấy mua heo hết chia đều cho bà con ăn. Thường thì hàng năm má chia được gần chục kg nào thịt, xương, da, mỡ. Thịt kho nước dừa để thêm vài chục hột vịt, kho cho rệu, hột vịt thấm mặn, dai dai chấm dưa giá, dưa kiệu hay dưa cải thì không thể nào chê được.

Ngày 27, những quả dừa khô óc ách nước được má tôi bửa ra, nạo để làm bánh in nhân đậu xanh ăn vừa béo, vừa bùi. Ôi món bánh này ngon làm sao! Ngoài ra, dừa khô má còn dùng vắt nước cốt để thắng nước đường ngào cốm chung với đậu phộng, gừng tươi, ăn có vị cay cay, béo ngậy và bùi của dừa và đậu phộng. Món này anh em tôi rất khoái, thường thì nó hết trước hết thảy!

Ngày 29 Tết, sáng sớm, ba đã kêu tôi trèo bẻ cho ba một trái dừa tươi, tròn đều để ba trưng bày mâm ngũ quả: mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, sung với mong ước giản dị: Cầu Năm mới vừa có tiền đủ xài và cả năm sung túc bình an. Ngày 30 Tết và đêm giao thừa, quả dừa còn làm tăng thêm hương vị cho nồi chè cúng dựng niêu. “Cuốc kêu ba tiếng cuốc kêu/Chờ cho Tết đến dựng niêu ăn chè”.

Thường thì nhà nào cũng cúng chè đậu với mong mỏi cả năm làm ăn cái gì cũng đậu, cũng được. Mà nồi chè đậu trắng trong với nếp bột khoai, bột bán, thiếu đi nước cốt dừa trắng đục ở trên từng chén một thì chè làm sao ngon!

Tết năm nay, tôi không thể sống lại hết hồn Tết năm xưa, nhưng chỉ vài miếng mứt dừa vàng, xanh, đỏ, trắng áo đường nằm khoe mình với các loại bánh mứt khác, đặt biệt có thêm một ít bánh tráng, bánh phồng cũng đủ làm tôi ấm áp nhớ Tết quê./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên