5 nguyên tắc đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp
(VOV) - Các nguyên tắc này vừa được quy định tại Nghị định 71 do Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa ký ban hành Nghị định 71 về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý tài chính đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Trong Nghị định này quy định, 5 nguyên tắc đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp, gồm: Một là, đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp để tạo ra ngành, lĩnh vực cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội, đảm bảo phục vụ quốc phòng, an ninh, thực hiện điều tiết nền kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô mang tính chiến lược trong từng giai đoạn.
Hai là, đầu tư vốn vào doanh nghiệp phải đúng mục tiêu, có hiệu quả, phù hợp với từng dự án đầu tư và phải thực hiện công khai, minh bạch.
Ba là, đầu tư vốn Nhà nước để góp vốn thành lập doanh nghiệp, hợp tác kinh doanh với các thành phần kinh tế khác phải được cơ quan có thẩm quyền thẩm định và chấp thuận.
Bốn là, đầu tư vốn nhà nước phải thực hiện đúng quy định của pháp luật, đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, tránh dàn trải, lãng phí, thất thoát.
Năm là, gia tăng giá trị vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.
Với 5 nguyên tắc nêu trên, hình thức đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp sẽ bao gồm: Đầu tư vốn Nhà nước để thực hiện các dự án, công trình quan trọng của Nhà nước tại doanh nghiệp; đầu tư vốn thành lập mới doanh nghiệp; đầu tư, bổ sung vốn điều lệ cho các doanh nghiệp để mở rộng quy mô, nâng cao công suất, năng lực kinh doanh, đổi mới công nghệ, giảm ô nhiễm môi trường, phục vụ an ninh quốc phòng;
Đồng thời, đầu tư vốn nhà nước để duy trì quyền chi phối hoặc tỷ lệ vốn góp của Nhà nước tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn nhiều thành viên; mua lại một phần vốn hoặc toàn bộ doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác để thực hiện điều chỉnh cơ cấu kinh tế./.