Đầu tư năng lượng sạch vẫn đối diện với tăng giá điện
VOV.VN - Hướng tới mục tiêu phát thải bằng 0, cơ cấu nguồn điện tương lai cần phải thay đổi, đồng nghĩa với giá điện sẽ tăng khoảng 30% so với kịch bản cơ sở thông thường.
Diễn đàn năng lượng sạch Việt Nam lần thứ 2 với chủ đề “Hướng tới trung hòa carbon: Cơ chế, chính sách, công nghệ, tài chính cho các dự án điện gió, điện mặt trời, điện khí” do Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) và Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) tổ chức ngày 7/4, được đánh giá là dịp để các cơ quan quản lý nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp cùng chia sẻ, trao đổi, phân tích các vấn đề bất cập, thách thức, cơ hội cho việc phát triển năng lượng sạch ở Việt Nam.
Giảm phát thải giá điện lại tăng
Tại diễn đàn, dự báo nhu cầu điện của Việt Nam đến năm 2045, ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó trưởng Phòng Phát triển hệ thống điện, Viện Năng lượng cho biết, sản lượng điện của Việt Nam hiện đứng thứ 22 thế giới, nhưng trong tương lai đến 2025, công suất nguồn cần phải đạt trên 300 tỷ kWh, năm 2030 sẽ là 600 tỷ kWh và năm 2045 là 1.200 tỷ kWh.
Đặc biệt, để hướng tới mục tiêu Net Zero 2050, cơ cấu nguồn điện cần phải thay đổi rất nhiều. Điều này đồng nghĩa với giá điện sẽ tăng khoảng 30% so với kịch bản cơ sở thông thường. Với kịch bản Net Zero, Việt Nam không thể xây thêm nguồn điện than mới (trừ nhà máy đang xây dựng), thậm chí nhà máy điện khí cũng hạn chế đến mức tối thiểu. Nên khi đó, nguồn năng lượng tái tạo gồm điện gió, điện mặt trời sẽ đóng góp chính trong cơ cấu năng lượng điện.
“Kịch bản phát triển nguồn NLTT sẽ luôn phải ở công suất cao để ứng phó với tình trạng thiếu nguồn khi các dự án có khả năng chậm tiến độ. Hiện các dự án điện NLTT phát triển rất mạnh nhưng cho đến năm 2045 vẫn phải đầu tư thêm các nguồn điện truyền thống, vì các dự án NLTT không đáp ứng được nhu cầu vào những giờ cao điểm, đặc biệt là buổi tối khi bị hạn chế bởi nguồn năng lượng mặt trời”, ông Cường lưu ý.
Đặc biệt theo ông Cường, với 2 nguồn phụ tải lớn ở Việt Nam thường tập trung ở Hà Nội và TP.HCM như hiện nay sẽ gây khó khăn lớn cho hệ thống truyền tải vì quá xa nguồn phát (chủ yếu tại Miền Trung và Tây Nguyên). Nhưng hiện các dự án điện than sẽ khó phát triển thêm theo cam kết COP26, trong khi các nguồn điện gián đoạn (điện gió, điện mặt trời) chịu tác động của thời tiết nên cần phải có các dự án lưu trữ điện với công suất lớn.
“Thiếu hụt 1.000MW điện than sẽ tương đương với việc phải xây thêm 2.000MW điện gió và 4.000 MW điện mặt trời để bù đắp. Đây là thách thức lớn cho nền kinh tế nên cần phải huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước để đầu tư cho hạ tầng nguồn cũng như lưới điện mới đảm bảo được nguồn cung điện”, ông Cường lý giải.
Làm năng lượng sạch cơ chế chưa thông thoáng
Chia sẻ thực tế quá trình đầu tư phát triển nguồn điện, ông Đỗ Văn Kiên, Phó Tổng giám đốc Trung Nam Group (TNG) cho rằng, với những kế hoạch phát triển NLTT hiện vẫn còn nhiều thách thức về cơ chế. Đặc biệt khi hành lang chính sách phát triển dự án điện mới vẫn còn đang trong quá trình thiết lập mà thực tế là Quy hoạch điện VIII vẫn chưa được thông qua; kế hoạch phát triển điện gió ngoài khơi chưa rõ ràng nên chưa có dự án triển khai cụ thể.
“Hợp đồng mua bán điện vẫn đang do EVN độc quyền bao tiêu sản lượng và có quyền không khai thác, trong khi đó còn những thách thức về công nghệ khi triển khai các dự án điện mới bởi hệ thống lưới điện chưa đồng bộ giữa các khu vực, đặc biệt là đường truyền tải còn nhiều vấn đề. Ngoài ra còn thách thức lớn hơn nữa về tài chính khi nguồn vốn đầu tư chưa rõ ràng và giá mua điện vẫn chưa ổn định”, ông Kiên chỉ ra.
Đề cập đến những khó khăn khi đầu tư các dự án điện sạch trong thời gian vừa qua, bà Ngô Quỳnh Lan, Trường phòng phát triển kinh doanh, Công ty CP Xây dựng IPC E&C cho biết, công tác GPMB là một trong những chìa khóa quan trọng không chỉ góp phần đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng đô thị, tạo động lực thu hút đầu tư. Tuy nhiên, hiện nay công tác GPMB vẫn đang là điểm nghẽn ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ của các dự án làm giảm hiệu quả đầu tư.
“Đặc biệt, tiến độ GPMB chậm ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành các dự án điện. Cò đất liên kết với các hộ dân “găm đất” để đòi giá đất cao hơn nhiều lần gây bất ổn khu vực; Quỹ đất dành cho dự án còn nhiều hạn chế, nhất là đối với hành lang an toàn cánh tuabin hiện nay chưa có hướng dẫn quy định trong công tác đền bù GPMB; người dân không hợp tác, cản trở thi công với các lý do ảnh hưởng trong quá trình thi công như tiếng ồn, bụi dẫn đến vòi vĩnh đền bù vô cớ nhằm trục lợi bất chính… Do đó, rất cần có cơ chế chính sách thúc đẩy xây dựng hạ tầng lưới điện cũng như ưu tiên phát triển chuỗi cung ứng nội địa và ưu tiên phát triển tổng thầu EPC trong nước”, bà Quỳnh Lan đề xuất./.