Giá xăng tăng dưới 1.000 đồng/lít, doanh nghiệp tự quyết?
(VOV) -Bộ Công Thương đề nghị khi xăng tăng giá trên 1.000 đồng/lít mới phải có ý kiến của liên Bộ Tài chính – Công Thương.
Bộ Công Thương đề xuất nghiên cứu quy định biên độ điều chỉnh tăng/giảm giá phù hợp với biến động giá thế giới hoặc quy định mức điều chỉnh giá khi chênh lệch giữa giá cơ sở và hiện hành bằng con số cụ thể.
3 phương án tần suất điều chỉnh giá
Cuối tuần qua, Bộ Công Thương đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đánh giá và đề xuất hướng sửa đổi nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu, trong đó có những đề xuất sửa đổi đáng chú ý về công tác điều hành, quản lý kinh doanh trong thời gian tới đây như: công thức tính giá, thời gian tối thiểu giữa hai lần điều chỉnh giá…
Về tần suất điều chỉnh giá, Bộ Tài chính đề xuất 3 phương án: một là chu kỳ tính giá cơ sở phù hợp với tần suất điều chỉnh giá như hiện nay là mười ngày; hai là phù hợp với số ngày dự trữ lưu thông 30 ngày; phương án ba là 15 ngày, để hài hoà giữa dự trữ lưu thông và tần suất điều chỉnh giá.
Bộ Tài chính nghiêng về phương án 3, tức là tăng tần suất điều chỉnh giá lên thành 15 ngày (thay vì 10 ngày như hiện nay). |
Sau khi phân tích ưu, nhược điểm từng phương án, Bộ Tài chính nghiêng về phương án 3, tức là tăng tần suất điều chỉnh giá lên thành 15 ngày (thay vì 10 ngày như hiện nay). Theo đó, phương án này có ưu điểm là hài hoà giữa tần suất điều chỉnh giá và số ngày dự trữ lưu thông, vẫn phù hợp với diễn biến của giá xăng dầu thế giới, giá xăng dầu trong nước được giữ ổn định trong thời gian dài hơn. Tuy vậy, nhược điểm là cần phải chuyển một phần dự trữ lưu thông sang dự trữ quốc gia, hoặc các hình thức dự trữ khác.
Theo bộ Công Thương, quy định thời gian giữa hai lần điều chỉnh thay vì do Chính phủ quy định, sẽ chuyển sang cho Thủ tướng Chính phủ quyết định để tăng tính linh hoạt.
Về biên độ điều chỉnh, để tăng giảm trong nước phù hợp với biến động giá xăng dầu thế giới, thay vì theo 3 mức: 7%, 12% và trên 12% như hiện nay (theo điều 27 nghị định 84) bằng các mức nhỏ hơn chẳng hạn: 3%, 5% và 7% hoặc quy định mức điều chỉnh giá xăng dầu trong nước khi chênh lệch giữa giá cơ sở và giá hiện hành bằng con số cụ thể, ví dụ như trong phạm vi đến 500 đồng/lít, kg thì thương nhân tự điều chỉnh giá bán; trên 500 – 1.000 đồng/lít, kg thì để thương nhân tự điều chỉnh giá kết hợp quỹ bình ổn; trên 1.000 đồng/lít, kg thì phải có ý kiến của liên bộ Tài chính – Công Thương.
Đối với công thức giá cơ sở, Bộ Tài chính đề nghị để tách bạch giá vốn cơ sở và lợi nhuận định mức thì cần bổ sung khái niệm giá vốn cơ sở, trong đó giá vốn cơ sở được xác định bằng (=): giá CIF + thuế nhập khẩu + thuế tiêu thụ đặc biệt nhân (x) với tỷ giá ngoại tệ + chi phí kinh doanh định mức + thuế bảo vệ môi trường + thuế giá trị gia tăng + quỹ bình ổn + các loại thuế và các khoản trích nộp. Giá cơ sở sẽ bằng giá vốn cơ sở cộng lợi nhuận định mức.
Công khai kết quả kinh doanh của doanh nghiệp
Đáng chú ý, một số bổ sung mới mà bộ Công Thương đề xuất là kiểm tra, kiểm soát và tính công khai minh bạch. Theo bộ Công Thương, do nghị định hiện nay chưa quy định chế độ công khai thông tin về kết quả tính toán giá cơ sở, sử dụng quỹ bình ổn giá, chế độ kiểm toán thương nhân đầu mối, nên bộ này đề nghị quy định đăng tải công khai giá cơ sở trên trang điện tử của bộ Tài chính để những ai quan tâm tiện theo dõi, tính toán; quy định thương nhân đầu mối phải công bố giá cơ sở công khai trên trang thông tin điện tử của thương nhân đầu mối.