Lần đầu tiên Việt Nam phá án “tiền ảo”
Cục Cảnh sát hình sự (C45) cho biết, đã kết luận điều tra vụ án kinh doanh trái phép tiền điện tử Liberty Reserver...
Ngày 28/5, Cục Cảnh sát hình sự (C45) cho biết, đã kết luận điều tra vụ án kinh doanh trái phép tiền điện tử Liberty Reserver (viết tắt là tiền LR).
Đây là vụ án lần đầu tiên được xử lý tại Việt Nam, nhưng có ý nghĩa rất quan trọng. Bởi, theo nhận định của các điều tra viên, tiền LR có thể là “điểm cuối cùng” trong quá trình hoạt động phạm tội; từ mua bán thông tin thẻ tín dụng, trộm cắp hàng hóa, tống tiền, làm thẻ tín dụng giả, cá độ bóng đá... đều được các đối tượng thanh toán cho nhau bằng tiền LR sau đó được đổi thành tiền VNĐ hoặc tiền ngoại tệ.
Cách thức tội phạm thực hiện một giao dịch ẩn danh trên Liberty Reserve (Ảnh: Tuổi trẻ) |
Vụ án nói trên bắt nguồn từ việc Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm (Tổng cục VI) – Bộ Công an nhận được công văn của Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ đề nghị hỗ trợ xác minh đối tượng có email money4ptr@gmail.com đã đột nhập và lấy cắp dữ liệu quan trọng trong máy chủ của một người tên là Tun Musfata, sau đó yêu cầu nạn nhân phải chuyển 948 USD cho một người Việt Nam tên là Vu Van Su (Hai Phong) (viết theo phiên âm tiếng Anh-PV) thông qua hệ thống chuyển tiền của Western Union.
Tiếp sau đó, Văn phòng Tùy viên Pháp luật – Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Campuchia yêu cầu hỗ trợ xác minh về tổ chức tội phạm sử dụng công nghệ cao đánh cắp dữ liệu trong hệ thống máy tính để tống tiền. Đây là vụ án do Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đang điều tra, liên quan đến vụ án có một số đối tượng ở Việt Nam đã nhận tiền từ các nạn nhân, gồm: Pham Thi Thuy, Bui Thi Tuyen, Doan Van Cong (Hai Phong).
Căn cứ vào thông tin và tài liệu do nước ngoài cung cấp, Tổng cục VI đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ phối hợp điều tra xác minh nhằm nhanh chóng làm rõ những nội dung trên. Tuy nhiên, qua điều tra, cơ quan CSĐT lại phát hiện ra một sự thật, đó là những người có tên trên chưa từng đến nhận tiền tại các đại lý Western Union, mặc dù tên của những người này có trong hệ thống giao dịch chi trả của Western Union.
Vậy ai đội lốt họ để nhận tiền? Qua điều tra, cơ quan Công an xác định các giao dịch trên được thực hiện qua Công ty cổ phần Thịnh Vũ, có trụ sở tại quận Dương Kinh, TP Hải Phòng, do Vũ Văn Lăng, 30 tuổi, làm Giám đốc; Công ty TNHH Giao Dịch nhanh, địa chỉ 233 Nguyễn Văn Linh, phường Kênh Dương, quận Lê Chân, TP Hải Phòng do Nguyễn Thế Dũng làm Giám đốc. Và tất cả các giao dịch trên đều do Vũ Văn Lăng “phù phép” bằng cách sử dụng bản photocopy CMND của những người có tên trên lập chứng từ để nhận tiền.
Theo các điều tra viên, Vũ Văn Lăng lập ra Công ty cổ phần Thịnh Vũ từ năm 2008, làm đại lý phụ cho Ngân hàng Đầu tư và Phát triển chi nhánh Hải Phòng (BIDV Hải Phòng) để chi trả kiều hối thông qua hệ thống Western Union. Tuy nhiên, mục đích của Lăng không phải để kinh doanh mà để có quyền chi trả ngoại tệ phục vụ việc kinh doanh tiền điện tử LR.
Lăng đã sử dụng bản photocopy CMND của nhiều người lập hồ sơ khách hàng để nhận tiền của Western Union thông qua các đại lý chi trả Western Union của Thịnh Vũ, Nam Phong và Giao dịch nhanh. Lăng đã thu mua LR từ trong nước và nước ngoài sau đó bán cho người nước ngoài để thu lợi, các giao dịch nói trên được thực hiện thông qua mạng internet. Những người mua LR của Lăng trả tiền bằng cách gửi tiền về cho y thông qua đại lý Western Union mà chính Công ty cổ phần Thịnh Vũ làm đại lý của dịch vụ này.
Ngày 3/6/2011, Western Union Việt Nam đã đơn phương chấm dứt hợp đồng với Công ty Thịnh Vũ do phát hiện công ty này có nhiều vi phạm và có liên quan đến tiền điện tử. Tháng 6/2011, Công ty cổ phần Thịnh Vũ bị Sở Kế hoạch đầu tư TP Hải Phòng tước giấy phép kinh doanh.
Để giúp sức cho Vũ Văn Lăng kinh doanh trái phép, Dũng và Chiển đã cho Lăng quyền truy cập từ xa bằng phần mềm Teamviewer vào tài khoản của đại lí phụ của Công ty để lập chứng từ, in hóa đơn và nhận tiền.
Tổng số tiền mà Thịnh Vũ và 2 công ty kia đã lập hồ sơ của khách hàng để nhận tiền là: 24,534,838.07 USD, tương đương với số tiền hơn 404,7 tỷ đồng. Để nhận được số tiền trên, Vũ Văn Lăng đã cho thực hiện 59.605 giao dịch và lấy tên của hơn 1.000 người để lập hồ sơ rút tiền.
Tổng số tiền mà Vũ Văn Lăng đã mua LR của những đối tượng ở Việt Nam là hơn 186 tỷ đồng được chuyển khoản thông qua các tài khoản Ngân hàng. Còn khi mua của người nước ngoài, Lăng cho chuyển tiền tại các tiệm vàng Nhật Hạ; Hùng Lệ tại Hải Phòng và đối tượng Diệu Hồng tại TP Hồ Chí Minh.
Để bán LR cho các khách hàng nước ngoài, Vũ Văn Lăng đưa danh sách tên người nhận tiền lên website www.privatechange.com. Khách hàng muốn mua LR phải đăng ký thành viên, xác thực số điện thoại. Khách hàng tự động đặt lệnh mua trên website và lấy thông tin của người nhận tiền sau đó gửi tiền cho Lăng thông qua các tên người nhận đó.
Sau khi khách hàng đã gửi tiền qua Western Union, họ đăng nhập vào website www.privatechange.com để xác nhận lại các thông tin chuyển tiền như: MTCN (mã số chuyển tiền) và biên lai gửi tiền tại nước ngoài. Sau khi nhận được các thông tin khách hàng xác nhận,
Lăng sẽ chuyển qua các công ty chuyển tiền Western Union như Thịnh Vũ, Nam Phong, Giao Dịch Nhanh để họ chi trả số tiền đó, sau khi nhận được tiền thì bị can chuyển LR cho khách hàng.
Kết quả điều tra cho thấy việc Lăng kinh doanh như trên bản chất là kinh doanh ngoại tệ do Lăng đã mua LR ở trong nước rồi bán cho người nước ngoài và nhận tiền về là đô la Mỹ (USD), việc này Lăng chưa được các cơ quan có thẩm quyền cấp phép theo Luật Ngân hàng Nhà nước. Đối với hoạt động mua bán LR, Lăng cũng không xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền, hoạt động này đã diễn ra quá trình mua và bán có phát sinh lợi nhuận được gọi là kinh doanh.
Theo quy định của Nghị định 43/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010 của Chính phủ quy định về việc đăng ký doanh nghiệp, mặc dù việc kinh doanh LR là một lĩnh vực kinh doanh mới, chưa có trong hệ thống ngành kinh tế Việt Nam, nhưng các cá nhân, tổ chức muốn kinh doanh thì phải báo cáo với Sở Kế hoạch và Đầu tư để được cấp đăng ký kinh doanh.
Tuy nhiên, Lăng mua bán LR mà không đăng ký kinh doanh, không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép và quản lý, tự ý tổ chức hoạt động kinh doanh để thu lợi. Sau đó, mặc dù bị Western Union Việt Nam đơn phương chấm dứt hợp đồng và bị Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hải Phòng tước giấy phép kinh doanh nhưng Lăng vẫn tiếp tục phối hợp với Nguyễn Thế Dũng, Nguyễn Văn Chiển thực hiện việc mua bán LR.
Quá trình kinh doanh của Vũ Văn Lăng được xác định là một chuỗi sai phạm để đạt lợi nhuận, hành vi của Lăng đã phạm tội kinh doanh trái phép được quy định tại Điều 159 BLHS. Đối với Nguyễn Thế Dũng và Nguyễn Văn Chiển có hành vi giúp sức cho Vũ Văn Lăng phạm tội, bị xử lý hành chính và tịch thu số tiền thu lợi bất chính mà các đối tượng đã tự nguyện giao nộp.
Từ việc kinh doanh trái phép như trên, theo bị can Vũ Văn Lăng khai, đã thu lợi bất chính gần 5 tỷ đồng từ phí hoa hồng mà ngân hàng chi trả và từ lợi nhuận của việc mua bán LR. Vì thu lợi bất chính dễ dàng như vậy nên bị can chi tiêu vung tay, toàn sắm đồ hiệu đắt tiền, chẳng hạn mua xe ôtô Mercedes SLK 350 loại 2 chỗ ngồi giá 2 tỷ đồng, mua 2 máy tính xách tay hiệu Sony Vaio hết 150 triệu đồng, mua 2 điện thoại di động hiệu Mobiado hết 200 triệu, mua căn nhà 92m2 tại quận Dương Kinh, TP Hải Phòng 2 tỷ đồng…
Theo nhận định của các điều tra viên, tiền LR có thể là “điểm cuối cùng” trong quá trình hoạt động phạm tội; từ mua bán thông tin thẻ tín dụng, trộm cắp hàng hóa, tống tiền, làm thẻ tín dụng giả, cá độ bóng đá... đều được các đối tượng thanh toán cho nhau bằng tiền LR sau đó được đổi thành tiền Việt Nam./.