Nhiều giải pháp xử lý nợ xấu ở Việt Nam
VOV.VN - Tại Việt Nam, nợ xấu cũng đang là vấn đề nan giải gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế đất nước.
Ngày 17/12 tại Hà Nội diễn ra Hội thảo “Kinh nghiệm xử lý nợ xấu của Trung Quốc và bài học cho Việt Nam”.
Các chuyên gia đã phân tích, đánh giá một số mô hình xử lý nợ xấu từ đó đưa ra những đề xuất, kiến nghị nhằm xử lý nợ xấu hiệu quả, tránh tác động xấu đến nền kinh tế.
Hội thảo về xử lý nợ xấu tại Hà Nội |
Các chuyên gia từ Viện Nghiên cứu Khoa học Tài chính Trung Quốc cho biết, từ năm 1999 đến nay, Trung Quốc đã tiến hành 2 đợt xử lý nợ xấu quy mô lớn.
Để xử lý nợ xấu, 4 công ty quản lý tài sản (AMC) được thành lập, trực thuộc Bộ Tài chính Trung Quốc, bắt đầu tiếp nhận 1393,9 tỉ nhân dân tệ nợ xấu của 4 ngân hàng thương mại nhà nước.
Phương thức xử lý nợ xấu của 4 công ty này là: đôn đốc hoàn nợ, chuyển nợ thành cổ phần, chuyển nhượng tài sản, tái cơ cấu tài sản, cho thuê tài sản, chứng khoán hoá tài sản.
Tính đến giữa năm 2009,4 công ty AMC đã thu mua và uỷ quyền quản lý nợ xấu đạt hạn ngạch hơn 3.400 tỉ nhân dân tệ.
Đánh giá về hiệu quả xử lý nợ xấu của 4 công ty AMC, Giáo sư Hàn Hiểu Minh, Viện Nghiên cứu Khoa học Tài chính Trung Quốc cho biết: “Sau khi AMC tiếp quản khoản nợ xấu khổng lồ, cuộc cải cách hiện đại hoá ngân hàng nhà nước cũng được đẩy nhanh hơn một bước. Tạo điều kiện cho các cơ quan quản lý giám sát hoàn thiện quản lý giám sát tài chính. Sau khi cắt bỏ nợ xấu,các cơ quan quản lý giám sát ngân hàng Thương mại Trung Quốc đưa ra nhiều yêu cầu hơn đối với việc điều tiết nợ xấu sau cắt bỏ, và tạo ra được hiệu quả thực tế tương đối tốt. Việc xử lý nợ xấu cũng thúc đẩy hiệu quả tái cơ cấu giữa các doanh nghiệp nhà nước”.
Tại Việt Nam, nợ xấu cũng đang là vấn đề nan giải gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế đất nước.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 8/2013, tổng nợ xấu của toàn hệ thống là 142,27 nghìn tỷ đồng, chiếm 4,64% tổng dư nợ. Tỷ trọng nợ xấu tập trung cao ở nhóm Ngân hàng thương mại Nhà nước, chiếm tới chiếm 48,6% tổng nợ xấu của các tổ chức tín dụng Việt Nam.
Nợ xấu liên quan đến bất động sản chiếm tỷ trọng lớn, trong bối cảnh thị trường bất động sản suy giảm, đây là nguy cơ làm tăng khả năng mất vốn của các tổ chức tín dụng.
Khác với Trung Quốc, xử lý nợ xấu ở Việt Nam hiện thông qua hình thức bán nợ cho Công ty quản lý nợ và khai thác tài sản (VAMC) và bán nợ cho Công ty mua bán nợ và Tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC) để xử lý các khoản nợ tồn đọng của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, theo Tiến sỹ Phạm Mạnh Thường, Phó Tổng Giám đốc Công ty mua bán nợ và Tài sản tồn đọng của doanh nghiệp, tiến độ xử lý nợ xấu hiện nay còn chậm. Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu cuối 2015 cố gắng đưa dư nợ xấu về mức an toàn dưới 3% so với tổng dư nợ.
Điều này đặt ra thách thức cho 2 tổ chức này. Với VAMC, ngoài việc tiếp tục mua nợ xấu theo giá trị ghi sổ thì theo định hướng từ 2014 trở đi sẽ thực hiện phương thức theo cơ chế thị trường và bắt đầu phương thức xử lý nợ xấu.
Còn DATC thì việc mua nợ xấu gắn với tái cấu trúc và các doanh nghiệp, đặc biệt hỗ trợ quá trình sắp xếp lại, cổ phần hóa các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Định hướng DATC sẽ hoạt động như mô hình tái thiết doanh nghiệp thông qua xử lý nợ xấu ở Việt Nam.
Đại diện Công ty mua bán nợ Việt Nam (DATC) cũng kiến nghị, cần xét nâng cấp quy mô hoạt động, quy mô vốn và mô hình hoạt động của DATC theo hướng chuyển đổi mô hình và nâng cấp DATC thành Tổng công ty xử lý nợ quốc gia trực thuộc Chính phủ. Bổ sung vốn điều lệ, cho phép DATC phát hành trái phiếu Chính phủ bảo lãnh để mua nợ của các tổ chức tín dụng. Thành lập 1 số công ty cổ phần có vốn điều lệ khoảng 2.000 tỷ đồng do DATC nắm giữ cổ phần từ 36%-49% nhằm xã hội hóa, thu hút sự tham gia góp vốn vào hoạt động xử lý nợ xấu của các thành phần kinh tế./.