Quyền sử dụng đất là tự nhiên?
VOV.VN-PGS, TS Nguyễn Quang Tuyến: Ở Việt Nam, nếu vì lợi ích chung, nhà nước dùng quyền thu hồi đất là phù hợp.
Thời gian qua, vấn đề thu hồi đất được bàn thảo rộng rãi. Trong đó, nổi bật là những tranh luận về việc dùng cụm từ “thu hồi đất” là không phù hợp. Theo PGS, TS Nguyễn Quang Tuyến, Trưởng Bộ môn Luật Đất đai, Khoa Luật Đất đai, Đại học Luật Hà Nội: Nếu vì mục đích chung (gồm phục vụ: quốc phòng, an ninh, quốc gia, công cộng) thì Nhà nước có quyền thu hồi đất. Và, cái cần bàn không phải nói “thu hồi đất” hay nói cách khác, mà quan trọng hơn là cách thu hồi cho phù hợp.
Chỉ thu hồi đất vì mục đích chung
Theo giải thích của PGS, TS Nguyễn Quang Tuyến: Quyền sử dụng đất là quyền tự nhiên, con người ta sinh ra là có quyền sử dụng đất, đây không phải là thứ mà nhà nước nào đó có thể ban phát cho một ai đó. Vì theo nguyên tắc, trong tuyên ngôn về quyền con người, K. Mark đã nói răng, đã là con người sinh ra thì có quyền được ăn, ở, học, đi lại.
Nhiều chuyên gia không đồng tình với việc thu hồi đất vì lợi ích tư (Ảnh minh họa/Nguồn: KT) |
“Đất đai là một trong những điều kiện vật chất để đảm bảo quyền con người, người nông dân có quyền có đất làm tư liệu sản xuất để tạo ra cái ăn, nhà ở. Cho nên, quyền sử dụng đất không phải là thứ các Nhà nước ban phát. Nhà nước chỉ thay mặt xã hội để điều tiết việc này”- ông Tuyến nhấn mạnh.
Ở Việt Nam, theo PGS, TS Tuyến, cần phải khẳng định đất đai thuộc về dân tộc, của cộng đồng. Đất đai không phải của nhà nước. Vì nhà nước có thể thay đổi theo tiến trình lịch sử, chế độ cũng có thể thay đổi, nhưng dân tộc vẫn không đổi. Do đó, cần xác định đất đai là sở hữu toàn dân.
Giải thích về tình trạng khiếu kiện liên quan đến đất đai nhiều, tham nhũng liên quan đến đất đai cũng nhiều, PGS, TS Tuyến cho rằng: Vì nước ta chưa tạo ra được cơ chế để ngăn chặn việc những người được đại diện cho toàn dân nắm quyền quản lý đất đai, phân phối đất đai.
Đồng thời, do không có cơ chế để giám sát quyền lực nên dẫn đến tha hóa quyền lực, lợi dụng quyền lực để vì lợi ích riêng, có lợi ích nhóm. “Vì vậy mới có nhiều ý kiến phản đối khi nói thu hồi đất vì lợi ích kinh tế - xã hội, còn thu hồi vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng thì không có ý kiến gì”.
Qua nghiên cứu về vấn đề quản lý và thu hồi đất đai của nhiều nước, PGS, TS Tuyến cho biết: Ở các nước khác, có sở hữu tư nhân về đất đai, nhà nước vẫn có quyền thu hồi đất vì những mục đích chung (quốc phòng, an ninh, quốc gia, công cộng) và điều này luật cho phép. Khi đó, nhà nước sẽ chưng mua và bồi thường. Nếu không bán, nhà nước sẽ chưng thu. Tất cả đều phải trên cơ sở Luật cho phép, để hạn chế sự lạm quyền.
Đối với Việt Nam, quan điểm của PGS, TS Nguyễn Quang Tuyến là “nếu thu hồi đất vì mục đích liên quan đến kinh tế - xã hội nhưng nó mang lại lợi ích cho toàn dân tộc, và khi lợi ích của nhà nước và lợi ích của dân tộc là một, thì Nhà nước có quyền thu hồi đất. Còn nếu thu hồi có mục đích kinh tế, nhưng vì lợi ích tư của một nhóm người, một nhóm cộng đồng, kể cả nhà đầu tư nước ngoài, không phục vụ mục đích chung của mọi người thì không nên thu hồi đất mà nên dùng cơ chế khác”.
Định giá đất: Mâu thuẫn từ trong Luật Đất đai hiện hành
Liên quan đến vấn đề định giá đất, PGS, TS Nguyễn Quang Tuyến cho biết, câu chuyện đất đai ở Việt Nam là do “xử lý miếng bánh về lợi ích không công bằng”. Đó là cơ chế xác định giá đất của Nhà nước hiện nay còn bất cập. Nếu Luật Đất đai sửa đổi cứ đi theo tư duy cũ, dù Luật có ban hành vẫn ít phát huy tác dụng trong cuộc sống vì không giải quyết được các điểm nghẽn.
PGS, TS Nguyễn Quang Tuyến phân tích: Nếu UBND cấp tỉnh vừa có thẩm quyền thu hồi đất vừa có thẩm quyền định giá đất làm cơ sở cho bồi thường cho đối tượng của mình, đây là điều không giống các nước. “Chúng ta cứ sợ bồi thường theo giá thị trường sẽ bị giá ảo, nhưng nghiên cứu kỹ sẽ thấy không phải thế. Đơn cử, tại CHLB Đức, họ không bồi thường theo giá thị trường, mà khi sử dụng đất vào mục đích chung (quốc phòng, an ninh, quốc gia, công cộng) thì nhà nước thu hồi đất nhưng có cơ quan độc lập để quản lý về giá đất. Cách làm này Việt Nam nên học hỏi”.
Hơn nữa, PGS, TS Nguyễn Quang Tuyến khẳng định, trong Luật Đất đai hiện hành chứa nhiều mâu thuẫn về giá đất. Ông phân tích: Đất có giá nghĩa là đất được trao đổi. Nhưng khi làm giấy tờ thủ tục lại cho phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Trên thực tế, người dân mua đất chứ không mua quyền sử dụng đất.
Chính vì mâu thuẫn này nên khi thực hiện các giao dịch giữa nhà nước và người dân nảy sinh sự dối trá khi ghi là chuyển nhượng quyền sử dụng đất, “đây là sự nói dối bắt buộc vì trong luật không quy định về giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà chỉ có giá đất”- ông Tuyến nhấn mạnh.
Cùng với đó, sự mâu thuẫn từ trong luật này đã gây ra nhiều mâu thuẫn khác trong thực tiễn. Chẳng hạn, thực tế cho phép thế chấp đất chứ không thế chấp quyền sử dụng đất./.