Hội chơi núi mùa xuân

Hội thường bắt đầu sau ngày mồng 3 Tết, là một sinh hoạt văn hoá sôi động, vui tươi, thu hút đông đảo người tham gia, đặc biệt là nam nữ thanh niên người H’Mông.

Người H’Mông ăn Tết theo âm lịch và chuẩn bị ăn Tết khá chu đáo. Trước hết phải có lợn to, gà béo. Lợn Tết cũng như lợn cưới, phải nuôi cả năm, có khi vài năm. Rượu và lương thực cũng phải đầy đủ.

Xưa kia, mùa màng mỗi năm chỉ làm một vụ, người H’Mông ăn Tết kéo dài cả tháng trời, từ giữa tháng chạp đến giữa tháng giêng. Nhà này mổ lợn mời cả xóm, rồi đến nhà khác cũng vậy. Cứ thế, người ta mổ lợn, làm đám luân phiên cho đến giáp vòng. Lối chiêu đãi “hào phóng” này có lẽ mang tàn dư của tổ chức sinh hoạt cộng đồng thời xa xưa được phản ánh trong câu thành ngữ của họ  như sau:

“Có nước, tất cả cùng đổ,
Có tiền, tất cả cũng tiêu”.

Mùa xuân về, trai trẻ rủ nhau ra bãi đất bằng ca hát, múa khèn. Người ở nhà thì vui với chén rượu đón xuân. Hội Gầu tào hoặc Sán sải, loại hội mùa hấp dẫn mọi lứa tuổi được mở ra vào dịp này. Ai cũng thấy mình có phần trong ấy, không đi thì cái tim không yên, cái gan muốn nhảy. Gầu tào có nghĩa đơn giản là đi chơi ngoài trời. Sán sải là đi chơi núi.

Lễ hội Gầu tào của người H'Mông ở Lào Cai.

Ngày nay, hội Gầu tào ở Hà Giang, cũng như hội Sán sải bên Lào Cai đã thưa thớt đi nhiều, nơi nào còn duy trì thì nội dung cũng đã giản lược không còn như xưa. Hội là những ngày vui lớn của xóm bản. Có khi khách đến ở cách mấy núi, đi từ 1 - 2 ngày đường để đến dự hội. Con gái mặc áo váy mới; bộ trang phục ngày hội của họ thêu hàng năm mới xong. Các cô gái thường mang theo dù để che nắng, che mưa và để khi gặp người có thiện cảm thì mở dù cùng che, cùng trò chuyện. Con trai mặc bộ tà pủ nhuộm chàm màu sẫm, ôm khèn đi biểu diễn thi thố tài năng.

Nơi vui chơi là bãi đất bằng, trên đó người ta trồng 3 cây tre để nguyên ngọn làm cây nêu. Trên ngọn cây có treo chai rượu và một vài miếng vải đỏ, dấu hiệu mời chào ma nhà (tổ tiên). Khi trồng nêu xong, có tổ chức cúng, thắp hương và đốt tiền giấy. Thân cột nêu có quấn giấy màu sặc sỡ.

Hội mở không định niên hạn, thường bắt đầu sau ngày mồng 3 Tết. Khi đã mở hội thì phải làm 3 năm liên tục, theo trình tự năm đầu 3 ngày, năm thứ hai 5 ngày, năm thứ ba 7 ngày. Mỗi năm lại một lần trồng cây nêu mới. Người chủ trì hội đem cây nêu sau buổi kết thúc về làm dát giường, mà theo tập tục ở đây sẽ nhanh chóng có con. Đó cũng là một dạng cầu tự của những người hiếm hoi. Về hội chơi núi mùa xuân, dân ca người H’Mông có câu: “Đôi ta ra về, cây nêu ở lại. Chúc người già, người trẻ dựng cây nêu mạnh chân khoẻ tay mãi mãi”.

Hội hấp dẫn nam nữ thanh niên và cả trẻ em bằng nhiều trò chơi. Trò thì ném quả papáo cũng giống như trò ném còn của người Việt, người Tày. Ai không thích papáo thì chơi trò đánh phết (cầu kết bằng lông gà). Hát ống là một hình thức tỏ tình tinh tế và kín đáo giữa nam và nữ. Người hát ống phải thuộc nhiều bài hát và phải có tài ứng tác nhanh nhạy mới mong chinh phục được đối phương. Qua các cuộc thi ném quả papáo, đánh phết, hát ống, trai gái có thể tìm đến nhau. Động tác dương dù  lên của cô gái là ngầm ý chấp nhận cùng đi tìm chỗ khuất vắng để trò chuyện. Nếu cô gái cụp dù thì chàng trai chỉ còn một việc quay lưng đi tìm “đám khác”.

Để tỏ tình, trai gái H’Mông thường dùng kèn lá thay lời. Một chiếc lá rừng nhỏ, cứng và dai, một mặt bóng được gấp làm đôi lại để thổi có thể làm xao xuyến lòng cô gái. Nhạc điệu của kèn lá là lời nói đã ngữ điệu hoá. Qua tiếng kèn lá, họ tìm đến nhau. Họ ngồi sóng bên nhau và tỏ tình bằng đàn môi. Đó cũng là “lời nói” quen thuộc diễn đạt bằng âm thanh uyển chuyển thầm thì khi to khi nhỏ, khi dịu dàng tha thiết. Phụ nữ H’Mông đặc biệt ưa dùng đàn môi. Khi tìm yêu, các chàng trai thường đến nhà, nơi cô gái đang ngủ, dùng đàn môi để thổ lộ nỗi lòng, đánh thức người yêu dậy.

Ngày hội ở nơi bãi chính, chỗ này đám trẻ con trai đánh quay, chỗ kia các trẻ gái chơi cờ ô. Bên cạnh đó, những con chim hoạ mi trong các lồng vui hót. Những người khoẻ, hiếu động thì tổ chức đấu các võ dân tộc: vật, đánh lưng, đánh mông… Các cụ già kể rằng, xưa trong hội vui này còn có tổ chức thi bắn nỏ, và được nhiều người tham dự, bởi vì nhiều người H’Mông giỏi nghề săn bắn. Những cuộc thi tài này cuốn hút người xem đông hơn cả trong hội mùa xuân.

Gầu tào và Sải sán xưa kia là ngày hội xuân lớn của người H’Mông. Câu ca chúc tụng ngày hội có đoạn: “Người già, người trẻ dựng nêu sinh được 9 con trai. Con trai lớn lên, ra cửa trời giữ được ruộng nương của cha mẹ”. Theo tập tục này, người H’Mông đẻ được nhiều con, và phải nhiều con trai, vì con trai cần cho công việc nặng nhọc trong ruộng rẫy cũng như khai thác lâm sản.

Chúng ta biết rằng dân tộc H’mông biết làm ruộng nước từ rất sớm. Mã Thiếu Kiều, trong sách Thanh đại Miêu dân khởi nghĩa có ghi: “…Tổ tiên của người H’Mông, người Dao trước kia đã biết dùng cây lương thực sớm nhất ở Trung Quốc”. Ngày nay, người H’Mông vẫn kể lại chuyện ông Thần Nông của mình trong thần thoại.

Lý do mở hội xuân của người H’Mông ban đầu do nhu cầu cầu phúc, cầu yên, tạ ơn trời (của một số gia đình) nên mang đậm màu sắc tín ngưỡng dân gian. Song tiến trình phát triển của hội dần dần được bổ sung thêm những nét mới do nhu cầu của cuộc sống đặt ra, như nhu cầu luyến ái nam nữ (dịp đua tài, đua sắc, tìm hiểu, kén chọn người yêu trong điều kiện sống ở núi rừng), nhu cầu vui chơi giải trí (hát, múa, âm nhạc, võ thuật và các trò chơi dân tộc khác) trong lúc nhàn hạ sau mùa thu hoạch…

Được tổ chức sau những ngày mùa đông giá rét, hội chơi núi mùa xuân của người H’Mông, bên cạnh một đôi nét bóng dáng hội mừng công của tộc người nông nghiệp thời cổ còn lưu lại, đây thực sự là một sinh hoạt văn hoá sôi động, vui tươi đã thu hút đông đảo người tham gia, đặc biệt là nam nữ thanh niên./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên