“Ông lang Việt” ở xứ sở bạch dương
(VOV) - Trong mắt nhiều cư dân Ba Lan - việc chữa bệnh bằng những cây kim bạc nhỏ bé của cựu bác sĩ quân y Đỗ Xuân Cẩn quả là rất huyền bí.
Tôi gặp bác sĩ Đỗ Xuân Cẩn tại căn hộ của gia đình ông ở Hà Đông (Hà Nội). Thật ấn tượng khi chứng kiến cảnh một "ông Việt kiều" có dáng dấp doanh nhân đang lom khom, tỉ mẩn châm cứu cho các bệnh nhân. Về Việt Nam 2 tháng để tham gia đoàn kiều bào ưu tú về dự Giỗ Tổ Hùng Vương nhưng bác sĩ Đỗ Xuân Cẩn vẫn tranh thủ từng chút thời gian để chữa bệnh cho mọi người theo những phác đồ phù hợp nhất có thể.
Xuất thân trong một gia đình có truyền thống làm nghề Đông y nhưng bác sĩ Đỗ Xuân Cẩn lại học Tây y khi bắt đầu nhập ngũ để phục vụ cho quân đội. Ông kể: "Tôi từng có mặt trong lực lượng quân tình nguyện Việt Nam sang giúp đỡ nước bạn Campuchia và một sự tình cờ đã khiến anh lính quân y Đỗ Xuân Cẩn trở thành chỉ huy của Đại đội trong một trận đánh giáp lá cà với quân Pol Pot chỉ vì trên chưa bố trí kịp chỉ huy mới và trong tình hình quá gấp thì tôi được giao nhiệm vụ vì hằng ngày tôi đều đi thị sát ở tất cả các đơn vị của Đại đội nên nắm tình hình rất rõ".
Bs. Đỗ Xuân Cẩn trong chuyến trở về quê hương dự Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2013. |
Hoàn thành nhiệm vụ người chiến sĩ tình nguyện trên đất Angkor, Đỗ Xuân Cẩn đi xuất khẩu lao động tại CHDC Đức. Sau khi bức tường Berlin sụp đổ thì ông lại trở về. Đúng lúc đó, một người bạn của Đỗ Xuân Cẩn đang làm việc tại Ba Lan mời ông sang để cùng làm ăn.
Ở cái tuổi 28 đầy sức vóc, Đỗ Xuân Cẩn lại một lần nữa ra đi. Lúc đó, tất cả vốn liếng mà ông mang sang Ba Lan chỉ vỏn vẹn 20 bộ quần áo thể thao để sang đó bán. Thời gian đầu, để trụ lại trên đất Ba Lan, kế sinh nhai của ông là có mặt ở chợ từ 2-3 giờ sáng mỗi ngày để mua đi bán lại bất cứ thứ hàng hóa gì có thể. "Hồi đó, tôi chẳng nề hà bất cứ việc gì, miễn là kiếm ra tiền và không vi phạm pháp luật Ba Lan. Đặc biệt là người Ba Lan sống hiền hòa và rất quý người Việt Nam nên họ rất tạo điều kiện giúp đỡ người Việt tại đây" - Đỗ Xuân Cẩn nhớ lại.
Sau 5 năm lăn lộn khắp các chợ ở Ba Lan, Đỗ Xuân Cẩn đã dành dụm được một chút vốn liếng kha khá và ông bắt đầu tính đến việc quay trở lại nghề chữa bệnh bằng Đông y truyền thống của gia đình. Năm 1996, ông chính thức vào làm tại phòng khám Đông y của bác sĩ Kim Dung và bác sĩ Hoàng Diệu. Ông chia sẻ: "Là phòng khám chữa bệnh theo phương thức cổ truyền của người Việt nhưng bệnh nhân đến với phòng khám lại chủ yếu là người Đông Âu, còn người Việt ở Ba Lan thời đó đa số là thanh niên, trung niên có sức khỏe tốt nên ít khi phải lui tới phòng khám. Những bệnh nhân người Đông Âu đa số đã được chữa trị bằng Tây y nhưng không hiệu quả và họ lựa chọn Đông y như một sự đánh cược cuối cùng với bệnh tật. Và, họ đã rất ngạc nhiên khi tận mắt thấy được hiệu quả thần kỳ của những cây kim bạc nhỏ nhắn hay những bài thuốc thảo dược trong vườn nhà. Họ hiểu rằng, Đông y điều trị bệnh bằng những điều mà mắt họ nhìn thấy, tay họ sờ thấy chứ không có gì huyền bí cả".
Tiếng lành đồn xa, những người dân Ba Lan truyền tai nhau địa chỉ phòng khám và tới khi internet phát triển thì càng có nhiều người biết tới phòng khám Đông y này. Năm 2005, hai bác sĩ Kim Dung và Hoàng Diệu đã lần lượt về nước, chỉ còn một mình Đỗ Xuân Cẩn chủ trì phòng khám. Thời gian này, ông cũng đã dành thời gian để nghiên cứu nhiều về kinh dịch, về thuyết phong thủy để vận dụng thuyết âm dương ngũ hành vào việc khám, chữa bệnh bằng Đông - Tây y kết hợp của mình. Ngoài ra, ông cũng được cấp chứng chỉ quốc tế về Cảm xạ học và bộ môn Yoga tại Ấn Độ.
Không chỉ tận tụy với công việc khám chữa bệnh, bác sĩ Đỗ Xuân Cẩn còn là một trong những thành viên sáng lập Hội Cựu chiến binh Việt Nam tại Ba Lan với khoảng 200 hội viên. Hoạt động của Hội tập trung vào 3 mục tiêu là phục vụ tại chỗ (hỗ trợ, giúp đỡ các Hội viên khó khăn), hỗ trợ cho cộng đồng người Việt tại Ba Lan và tổ chức các phong trào hướng về Tổ quốc cho kiều bào tại đây. Đỗ Xuân Cẩn hiện cũng đảm trách cương vị Phó Ban Từ thiện cộng đồng của Hội.
Sau khi vợ con trở về Việt Nam sinh sống, Đỗ Xuân Cẩn thường xuyên đi về giữa hai nước. Mỗi lần trở về Việt Nam, ông hết sức tận dụng thời gian để chữa bệnh cho các bệnh nhân ngay tại nhà mình và cũng tranh thủ sưu tầm những bài thuốc quý trong dân gian.
Trong chuyến trở về quê hương lần này cùng với 65 người con ưu tú của đất nước ở khắp 5 châu dự Giỗ Tổ Hùng Vương (do Ủy ban Nhà nước về NVNONN - Bộ Ngoại giao tổ chức), bác sĩ Đỗ Xuân Cẩn chia sẻ: "Đây là một chuyến đi đầy ý nghĩa và thực sự rất cảm động. Đặc biệt là trong khuôn khổ chương trình, chúng tôi được tham dự lễ cầu siêu tưởng niệm anh linh các liệt sĩ tại nghĩa trang Thanh Sơn (Cao Bằng) và được đến thác Bản Giốc của Việt Nam, chạm tay vào cột mốc 836 tại đây. Tôi nghĩ, các kiều bào ở xa và hiểu chưa đúng về đất nước nên trở về để tận mắt nhìn thấy những đổi thay của đất nước và tự cảm nhận điều đó"./.