“Tôi đánh giá rất cao sự đóng góp xây dựng của bà con kiều bào“
VOV.VN - Trả lời phỏng vấn của VOV, ông Vũ Hồng Nam, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết, ông đánh giá cao sự đóng góp của kiều bào để có một văn kiện hoàn chỉnh.
Dự thảo văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII đang được đưa ra lấy ý kiến của nhân dân trong nước và cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Nhân dịp này, phóng viên VOV đã phỏng vấn ông Vũ Hồng Nam, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài về những ý kiến đóng góp tâm huyết của bà con kiều bào đối với văn kiện quan trọng này.
Ông Vũ Hồng Nam, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài. |
P/V: Thưa Thứ trưởng, hiện Dự thảo văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII đang đưa ra lấy ý kiến của đông đảo bà con trong nước cũng như đồng bào Việt Nam ở nước ngoài. Vậy, đến thời điểm này, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã có những hình thức nào trong việc lấy ý kiến đóng góp của kiều bào vào Dự thảo văn kiện?
Ông Vũ Hồng Nam: Trước mỗi kỳ Đại hội Đảng nào chúng tôi đều có nhiệm vụ chuyển tải Dự thảo văn kiện tới cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và tranh thủ ý kiến của bà con kiều bào về Dự thảo văn kiện. Hiện nay, chúng tôi đã chuyển Dự thảo văn kiện cho các cơ quan đại diện, chuyển cho các hội đoàn người Việt lấy ý kiến.
Ngay lập tức đã có nhiều ý kiến phản hồi của kiều bào. Phần lớn là tập trung vào đường hướng phát triển kinh tế của đất nước để góp phần cấu trúc lại nền kinh tế, tìm ra phương cách phát triển phù hợp với đất nước Việt Nam trong giai đoạn 2016 - 2020.
Ví dụ, Giáo sư Trần Văn Thọ ở Nhật có phát biểu xác đáng được đăng tải trên một số báo điện tử của Việt Nam. Thông qua việc thu thập những ý kiến đóng góp đó, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục công bố những ý kiến đóng góp rộng rãi. Vì một số ý kiến của bà con kiều bào là cơ sở tạo ra một sự tranh luận ở trong nước cũng như của kiều bào ta ở nước ngoài. Chúng ta cần công khai những ý kiến đóng góp đó.
P/V: Có một số ý kiến đóng góp của kiều bào tập trung vào một số vấn đề như: tạo cơ chế, chính sách để sử dụng người tài và huy động sự đóng góp của kiều bào cho đất nước. Ông nghĩ sao về những đóng góp này?
Ông Vũ Hồng Nam: Đó là những đóng góp rất đáng hoan nghênh. Trước đây trong quá trình thực hiện văn kiện Đại hội Đảng XI, Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị, chúng ta đã đề ra nhiều chương trình để thu hút người tài, tiếp thu những ý kiến của bà con trong tất cả các vấn đề như chống tham nhũng, xây dựng hệ thống pháp quyền, làm sao thu hút được nguồn lực chất xám của người Việt Nam ở nước ngoài. Lần này bà con kiều bào có nhiều ý kiến rõ hơn.
Nhiều tri thức kiều bào đưa ra những lĩnh vực cụ thể, đề nghị trong nước quan tâm. Ví dụ như thu hút giáo viên, giảng viên ở các trường Đại học, cơ sở giáo dục lớn của các nước về tham gia giảng dạy ở trong nước. để thông qua họ, truyền bá kiến thức, văn hóa cho sinh viên.
Tôi đánh giá rất cao sự đóng góp xây dựng của bà con kiều bào để có một văn kiện hoàn chỉnh. Đồng thời chúng tôi cũng đánh giá cao sự sẵn sàng đóng góp của bà con trong lĩnh vực giáo dục và sự nghiệp về khoa học công nghệ ở trong nước.
P/V: Trong dự thảo văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII cũng có nội dung nói về “đồng bào định cư ở nước ngoài”, ông có nhận xét gì trong phần nội dung liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài?
Ông Vũ Hồng Nam: Dự thảo văn kiện của Đại hội Đảng XII tiếp tục giữ được nội dung riêng về cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Đây là điều thể hiện tính kế thừa của đất nước Việt Nam.
Trong nội dung liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài, có khẳng định và phát triển hơn nhiệm vụ của các cơ quan trong công tác bảo hộ công dân. Làm sao để chúng ta bảo vệ được lợi ích của người Việt Nam ở nước ngoài, bảo hộ được tính pháp nhân của người Việt Nam ở nước ngoài và chúng ta bảo hộ được tài sản và những công việc làm ăn của bà con.
Điều này chúng ta đã từng làm rồi nhưng lần này trong Dự thảo văn kiện ghi rõ những việc chúng ta đã làm và để xác định rõ nhiệm vụ của chúng ta trong giai đoạn tới.
P/V: Xin trân trọng cảm ơn thứ trưởng./.