Có thể khởi kiện ra Tòa nếu hàng xóm gây gổ, phá tường rào?
VOV.VN - Trong trường hợp hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác có giá trị lớn thì hàng xóm của bạn có khả năng bị truy cứu trách nhiệm hình sự…
Bạn đọc hỏi:
Hàng xóm nhà tôi hay gây gổ với những nhà xung quanh, như đêm khuya vẫn mở nhạc rất to không cho con cái các gia đình học tập. Thậm chí, còn phá tường rào những nhà bên cạnh mỗi khi có mâu thuẫn. Khi phố đã nhiều lần nhắc nhở nhưng đâu lại vào đấy. Chúng tôi có được kiện người hàng xóm này ra tòa không, xin luật sư tư vấn?
Luật sư tư vấn
Về tiếng ồn ảnh hưởng đến sự yên tĩnh chung:
Theo Điểm a, Khoản 1, Điều 6 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình:
“1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
Gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 06 giờ sáng ngày hôm sau;...”
Căn cứ vào hành vi gây tiếng ồn này tùy mức độ có thể bị xử lý theo quy định tại Điều 17 của Nghị định 179/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường:
“Điều 17. Vi phạm các quy định về tiếng ồn
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn dưới 5 dBA.
2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 05 dBA đến dưới 10 dBA.
3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 10 dBA đến dưới 15 dBA.
4. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 15 dBA đến dưới 20 dBA.
5. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 20 dBA đến dưới 25 dBA.
6. Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 25 dBA đến dưới 30 dBA.
7. Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 30 dBA đến dưới 35 dBA.
8. Phạt tiền từ 120.000.000 đồng đến 140.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 35 dBA đến dưới 40 dBA.
9. Phạt tiền từ 140.000.000 đồng đến 160.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn trên 40 dBA.”
Về hành vi phá tường rào nhà bên cạnh khi có mâu thuẫn, và quậy phá hàng xóm láng giềng:
Theo điểm a, Khoản 2, Điều 15, Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình:
“2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác;”
Trong trường hợp hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác có giá trị lớn thì hàng xóm của bạn có khả năng bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác theo Khoản 1,3,4, Điều 178 Bộ luật Hình sự 2015 (áp dụng theo Công văn số 276/TANDTC-PC) và Khoản 2 Điều 143 Bộ luật Hình sự 1999 sửa đổi bổ sung 2009; theo đó:
“Điều 178. Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản
1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng, tài sản là di vật, cổ hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa hoặc tài sản trị giá dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.”
Như vậy, bạn và những người dân cùng khu có thể làm đơn trình báo các hành vi trên đến cơ quan công an địa phương để được giải quyết.
Hy vọng với sự tư vấn của chúng tôi, quý độc giả đã có thể giải đáp thắc mắc của mình. Nếu còn điều gì thắc mắc, vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn pháp luật VOV.vn 19006511 để được giải đáp./.