Trung Quốc và các nước ASEAN tập trận trên biển để giảm căng thẳng
VOV.VN - Trung Quốc và 10 nước ASEAN sẽ có cuộc tập trận chung đầu tiên trên Biển Đông vào tuần tới nhằm giảm căng thẳng trong khu vực.
Trung Quốc được xem là đang chuyển sang cách tiếp cận hợp tác và hòa giải hơn với các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong vấn đề Biển Đông.
Đá Subi thuộc quần đảo Trường Sa trên Biển Đông bị Trung Quốc cải tạo trái phép. (Ảnh: AP) |
“Hải quân các nước ASEAN đang trên đường tới Trạm Giang, Trung Quốc để tham gia cuộc tập trận hải quân ASEAN – Trung Quốc” – Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen chia sẻ với Thời báo châu Á (Asia Times) cuối tuần qua sau khi quyết định về các cuộc tập trận chung này được thông qua tại hội nghị mới đây của các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN.
Ông Ng Eng Hen cũng cho biết, Mỹ cùng các nước ASEAN, bao gồm Indonesia, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Philippines, Việt Nam, Myanmar, Campuchia, Brunei và Lào, dự kiến có cuộc tập trận chung đầu tiên vào năm sau.
Hồi đầu tháng này, tàu khu trục USS Decatur của Mỹ đã tiến hành chuyến đi “thực thi quyền tự do hàng hải” ở Biển Đông và đã chạm trán “không an toàn” với tàu của hải quân Trung Quốc.
Cuối tháng 9, Mỹ đã cử máy bay ném bom B-52 bay qua Biển Đông và ngay sau đó tập trận chung với máy bay Nhật Bản ở biển Hoa Đông và Biển Nhật Bản, những động thái khiến Bắc Kinh “nóng mắt”.
Trung Quốc đã cảnh báo Mỹ rằng sẽ có các biện pháp cần thiết để bảo vệ lợi ích của nước này và tiến hành tập trận bắn đạn thật trên biển.
Đáp lại, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tuyên bố Mỹ sẽ không lùi bước trước động thái mà Washington xác định là “sự đe dọa” của Bắc Kinh trên Biển Đông.
Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định, “chính sách của Mỹ từ năm 1983 đã cho phép nước này thực thi và khẳng định quyền hàng hải, hàng không trên khắp thế giới theo cách phù hợp với cân bằng lợi ích, đáp ứng Công ước về Luật Biển”.
“Tự do hàng hải” được quy định trong Công ước Liên Hợp Quốc (LHQ) về Luật Biển, trong đó có những điều khoản xác định rõ quyền và trách nhiệm của các nước trong việc sử dụng các vùng biển trên và nguồn tài nguyên biển trên thế giới. Công ước LHQ về Luật Biển có hiệu lực từ năm 1994 và hiện đã có hơn 165 bên tham gia./.