Bệnh viêm não, viêm màng não vào mùa cao điểm
VOV.VN - Căn bệnh này có tỷ lệ tử vong 10-20%, sau khi chữa trị vẫn còn hơn 50% trường hợp bị di chứng về thần kinh.
Theo ghi nhận tại một số bệnh viện tuyến Trung ương, thời điểm này, số ca mắc bệnh viêm não đang có xu hướng gia tăng. Điều đáng nói là bệnh đã khiến cho nhiều bệnh nhi phải mang di chứng ảnh hưởng sức khỏe lâu dài như liệt toàn thân, trí tuệ sa sút.
Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận hơn 70 ca viêm não. Trong đó, có 3 ca viêm não Nhật Bản, còn lại là các ca viêm não khác do virus khác như sởi, thủy đậu...
Tại khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, riêng từ đầu tháng 5 đến nay, cũng tiếp nhận điều trị cho hơn 10 trẻ mắc bệnh viêm não. Bệnh nhân chủ yếu là trẻ em dưới 11 tuổi, tập trung ở Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc.
Bệnh nhân mắc bệnh viêm não thường bị di chứng nặng nề.
Điều trị tại khoa Nhi, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương đã gần 1 tuần, bệnh nhân Đỗ Thế Vinh, 15 tuổi, ở xã Sơn Thủy, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ vẫn chưa thể cử động được do di chứng của bệnh viêm não.
Bà Nguyễn Thị Truệ, mẹ em Vinh lo lắng cho biết, cháu Vinh sốt hơn 40-41 độ C, nôn nước vàng. Gia đình cho cháu ra trạm xá xã tiêm và truyền nước 1 ngày vẫn không thuyên giảm phải đưa lên Bệnh viện Nhiệt đới cấp cứu. Bác sỹ bảo cháu bị viêm màng não, tình trạng sức khỏe trước 10 phần chỉ được 2 phần, cơ thể không cử động được.
Theo các chuyên gia y tế, trước kia khi chưa có tiêm chủng, tỷ lệ mắc viêm não Nhật Bản trong số các trường hợp bị viêm não chiếm tới hơn 70%. Từ khi có vaccine phòng viêm vão Nhật Bản, tỷ lệ trẻ bị viêm não đã giảm đi nhiều. Tuy nhiên, lại gia tăng tỷ lệ mắc bệnh viêm não do virus tiêu hóa mà nguyên nhân chủ yếu là ăn uống thiếu vệ sinh.
Trường hợp em Nguyễn Thị Nghiên, 8 tuổi, ở TP Thanh Hóa bị viêm não do nhiễm giun đầu chó. Bà Triệu Thị Thắng, mẹ em Nghiên cho biết, mấy hôm ở nhà, cháu kêu đau đầu đi kèm với biểu hiện sốt. Gia đình cho cháu uống thuốc nhưng không đỡ. “Lên bệnh viện các bác sỹ nói cháu bị viêm màng não do giun đầu chó. Khi ở nhà, cháu Nghiên vẫn ăn cơm bình thường, tuy nhiên ăn nem chua với rau sống”, bà Thắng chia sẻ.
Theo PGT.TS Bùi Vũ Huy, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, mùa hè là thời gian cao điểm của bệnh viêm não nói chung và viêm não Nhật Bản nói riêng khi loài muỗi, vật trung gian truyền bệnh, phát triển nhiều.
Bệnh viêm não có tỷ lệ tử vong cao 10-20% số mắc. Bệnh sau khi chữa trị, vẫn còn hơn 50% trường hợp bị di chứng về thần kinh như bại não, phát triển chậm về thể chất, không nói, không nghe, không hiểu được. Đến nay, bệnh này vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên tốt nhất các phụ huynh cần chủ động cho trẻ đi tiêm phòng vaccine.
“Cần tiêm đầy đủ các vaccine trong chương trình tiêm phòng mở rộng như viêm não Nhật Bản, sởi, rubella, quai bị, thủy đậu… để hạn chế nguy cơ mắc viêm não do các căn nguyên này. Còn một số loại viêm não khác do Herpes, virus đường ruột, do sốt xuất huyết… cho đến giờ ta chưa có vaccine nên phải phòng bệnh bằng cách giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường và ăn uống hợp vệ sinh. Khi thấy trẻ có các biểu hiện như sốt cao hơn 39 độ C, nôn khan, đau đầu… cần đưa ngay tới các cơ sở y tế”, PGS.TS Bùi Vũ Huy khuyến cáo.
Để chủ động giảm tối đa số ca mắc, tử vong và biến chứng do viêm não Nhật Bản, năm 2014 là năm đầu tiên Dự án tiêm chủng mở rộng thực hiện tiêm phòng vaccine viêm não Nhật Bản cho trẻ dưới 5 tuổi ở toàn bộ 63 tỉnh, thành phố. Tại Hà Nội sẽ triển khai tiêm vaccine viêm não Nhật Bản cho trẻ trong độ tuổi tiêm chủng vào ngày 20 và 21/6 tới./.