ASEAN cần đánh giá lại mối đe dọa từ Trung Quốc

VOV.VN - “Trung Quốc chỉ nói suông về COC”. Dù nhu cầu phát triển kinh tế lớn đến mấy, họ vẫn phải tôn trọng chủ quyền các nước khác.

Việc Trung Quốc có những hành động gây căng thẳng trên Biển Đông tiếp tục vấp phải sự chỉ trích cũng như lo ngại của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các nước ASEAN. Giới ngoại giao và học giả một số nước cho rằng đã đến lúc ASEAN cần đánh giá lại mối đe dọa từ Trung Quốc đối với trật tự khu vực mà ASEAN đã và đang xây dựng trong suốt bốn thập kỷ qua.

Trung Quốc đang có xu hướng sử dụng sức mạnh quân sự để giải quyết các tham vọng lãnh thổ (ảnh: theriskyshift.com)

Hôm qua (5/6), Indonesia đã đề nghị các Bộ trưởng Ngoại giao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhóm họp trước thềm Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM) dự kiến diễn ra vào tháng 8 tới để đánh giá về tình hình căng thẳng đang gia tăng trên Biển Đông. Một nhà ngoại giao Philippines cho biết, Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa đã nêu đề xuất trên trong bối cảnh Trung Quốc không ngừng tăng cường các hành động phi lý về yêu sách của mình trên Biển Đông. Ông nhấn mạnh, đây sẽ là hội nghị đặc biệt cấp bộ trưởng tập trung vào vấn đề Biển Đông, đồng thời cho biết các nhà lãnh đạo ASEAN hiện đang tiến hành tham vấn để ấn định địa điểm và thời gian tổ chức cuộc gặp, tuy nhiên cuộc gặp sẽ phải diễn ra trước Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN.

Theo nhà ngoại giao trên, Philippines ủng hộ đề xuất của Ngoại trưởng Indonesia và cho rằng hội nghị sẽ gửi một thông điệp mạnh mẽ tới Trung Quốc rằng ASEAN rất lo ngại về thái độ của Trung Quốc trên Biển Đông. Theo ông, các thành viên trong ASEAN đang ngày càng quan ngại về những diễn biến đặc biệt xảy ra gần đây giữa Trung Quốc và Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa.

Giới phân tích cũng cho rằng, trước thái độ và những đòi hỏi phi lý về yêu sách chủ quyền trên Biển Đông của Trung Quốc, ASEAN cần có phản ứng tập thể, cần đánh giá lại mối đe dọa của Trung Quốc đối với trật tự khu vực mà ASEAN đã và đang xây dựng trong suốt bốn thập kỷ qua. Quan điểm này được ông David Koh, nhà tư vấn độc lập người Singapore từng nghiên cứu về Việt Nam trong 20 năm qua, đưa ra trong một bài viết cho chuyên mục "Các vấn đề Đông Nam Á" của nhật báo "The Straits Times" ra ngày hôm qua.

Ông David Koh cho rằng việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên Biển Đông đã tạo ra "thách thức rất nghiêm trọng đối với những nguyên tắc cơ bản về hòa bình ở khu vực trong vài thập kỷ qua". Theo ông, trong hai thập kỷ qua "Trung Quốc chỉ nói suông về ý tưởng của một bộ quy tắc ứng xử, trong khi lại tiến hành hiện đại hóa quân sự và củng cố tuyên bố chủ quyền của mình".

Các nhà phân tích cũng tiếp tục chỉ trích việc Trung Quốc có hành động đe dọa vũ lực với ý định ép Việt Nam từ bỏ hoặc giảm tuyên bố chủ quyền đối với khu vực giàu dầu khí thuộc quyền tài phán của Việt Nam theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).

Ông Vinod Anand, chuyên viên cấp cao tại Viện quốc tế Vivekananda (VIF) của Ấn Độ đã có bài phân tích trên mạng tin Merinews.com nhận định, Trung Quốc từ lâu đưa ra những đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông dựa trên cái gọi là "đường chín đoạn" vốn không có cơ sở pháp lý hoặc lịch sử, do đó không có nguyên tắc hoặc luật lệ quốc tế nào chấp nhận. Ông Vinod Anand cho rằng hành động của Trung Quốc trên Biển Đông đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tự do hàng hải ở khu vực này, khi hơn 50% tàu chở dầu đi qua Biển Đông và hơn 5.300 tỷ USD giá trị thương mại được lưu thông qua Biển Đông mỗi năm.

Còn chuyên gia Juan Carlos Minghetti thuộc Trung tâm Nghiên cứu về kinh tế và xã hội (CIEYS) của Argentina khẳng định việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan, điều cả tàu và máy bay quân sự tới vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam chứng tỏ Bắc Kinh tìm cách giải quyết tranh chấp thông qua sức mạnh quân sự. Ông Minghetti đưa ra nhận định trên trong buổi nói chuyện về Việt Nam tại thủ đô Buenos Aires. Ông nhấn mạnh rằng cho dù Trung Quốc tăng cường thăm dò dầu khí để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế thì cũng phải tôn trọng chủ quyền của các nước láng giềng. Ông cũng bày tỏ hy vọng bất đồng giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ được giải quyết thông qua các biện pháp ngoại giao và các cuộc đối thoại giữa lãnh đạo hai nước./.

>> Xem thêm: Giải mã mối đe dọa từ Trung Quốc

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên