Bỏ ghế trong HĐBA, Saudi Arabia bày tỏ thái độ với Mỹ

VOV.VN - Thực chất động thái của Saudi Arabia là thể hiện sự bất bình với đồng minh Mỹ.

Chỉ vài giờ sau khi giành được một vị trí đáng mong muốn tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Saudi Arabia, quốc gia Trung Đông sở hữu trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới, đã đưa ra một quyết định được cho là mang tính lịch sử khi bất ngờ từ chối tư cách thành viên tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc với lý do cơ quan này đã thất bại trong việc giải quyết các cuộc xung đột trên thế giới.

Đại sứ Saudi Arabia tham dự một cuộc họp của Liên Hợp Quốc ở New York (Ảnh: AFP)

Đây là sự việc chưa từng có tiền lệ xảy ra tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và nó đã khiến cộng đồng quốc tế bất ngờ khi mà một ghế tại Hội đồng Bảo an là mong muốn của nhiều quốc gia. 

Theo hãng tin AP, quyết định từ chối gia nhập Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc được Saudi Arabia đưa ra chỉ vài giờ sau khi nước này được bầu trở thành một trong 10 thành viên không thường trực vào tối 17/10.

Trong một tuyên bố đưa ra ngày 18/10, Bộ Ngoại giao Saudi Arabia chỉ trích Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã thất bại trên tất cả các mặt trận ở Trung Đông, đặc biệt là không thể chấm dứt cuộc nội chiến vốn đã kéo dài suốt hơn 2 năm qua tại Syria cũng như không giải quyết được cuộc xung đột dai dẳng giữa Palestine và Israel, hay không giúp khu vực này thoát khỏi mối đe dọa về vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Đây là động thái tiếp theo của quốc gia vùng Vịnh nhằm bày tỏ sự không hài lòng, sau khi Ngoại trưởng nước này Saud al-Faisal đã từ chối phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc trong phiên họp tháng trước. 

Tuy nhiên, theo giới phân tích thì quyết định của Saudi Arabia đã phản ánh sự suy thoái trong mối quan hệ giữa nước này với Mỹ. Quyết định này được cho là chủ yếu để bày tỏ sự bất bình trước đồng minh của Saudi Arabia là Mỹ, khi nước này rút lại các mối đe dọa quân sự đối với Syria nhằm đáp trả các cáo buộc trước đó về việc sử dụng vũ khí hóa học tại quốc gia Trung Đông.

Bên cạnh đó, Saudi Arabia và Mỹ cũng nảy sinh bất đồng xung quanh những diễn biến trong thời gian qua tại Ai Cập. Trong khi Saudi Arabia ủng hộ mạnh mẽ việc quân đội Ai Cập lật đổ Tổng thống Morsi, thậm chí còn viện trợ thêm hàng tỉ USD cho chính phủ lâm thời do quân đội hậu thuẫn tại Ai Cập, thì Mỹ lại lên tiếng chỉ trích hành động của quân đội Ai Cập và đe dọa cắt viện trợ quân sự.

Động thái chưa từng xảy ra tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc được Saudi Arabia đưa ra cũng đúng vào thời điểm mà mối quan hệ giữa Mỹ và Iran, một đối thủ của Saudi Arabia trong khu vực, có những dấu hiệu được cải thiện đáng kể trong thời gian gần đây.

Ông George Lopez, chuyên gia thuộc Viện Hòa bình Mỹ nhận định: “Một quyết định rất bất ngờ và chưa từng có tiền lệ. Tôi cho rằng hầu hết các nhà phân tích đều nhận thấy đây là một phản ứng của Saudi Arabia về sự bất bình của nước này với Mỹ trước các quyết định của Washington trong vấn đề Ai Cập, những đề xuất và những triển vọng về một sự thỏa hiệp giữa Mỹ và Iran xung quanh chương trình hạt nhân gây tranh cãi và cả trong việc Mỹ rút lại kế hoạch tấn công Syria”. 

Một chỗ ngồi tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc là điều mà nhiều quốc gia mong muốn, bởi nó sẽ giúp các nước này có tiếng nói lớn hơn trong các vấn đề quốc tế. Do đó, quyết định của người khổng lồ về dầu mỏ đã khiến nhiều quốc gia bất ngờ. Anh, Pakistan và nhiều quốc gia khác đã yêu cầu một lời giải thích thỏa đáng hơn từ phía Saudi Arabia.

Trong khi đó,  Nga cho biết nước này lấy làm lạ về những lý do mà quốc gia vùng Vịnh đưa ra, nhất là sau khi nghị quyết về tiêu hủy kho vũ khí hóa học ở Syria đã được Hội đồng Bảo an triển khai trước đó.

Đại sứ Pháp tại Liên Hợp Quốc Gerard Araud nhấn mạnh, Pháp hy vọng Saudi Arabia sẽ có những đóng góp tích cực tại Hội đồng Bảo an song cũng hiểu được sự thất vọng của nước này.

Từ Washington, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Jen Psaki khẳng định, Mỹ không mong muốn sẽ đạt được sự nhất trí với các đồng minh của mình trong tất cả các vấn đề: “Rõ ràng là Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đang đóng một vai trò quan trọng trong một loạt vấn đề.  Do đó, trước quyết định của Saudi Arabia, các quốc gia đều đưa ra những phản ứng khác nhau. Tuy nhiên, về phần mình, Mỹ sẽ tiếp tục làm việc với Saudi Arabia về các vấn đề mà chúng tôi cùng quan tâm. Chúng tôi không thể nhất trí với tất cả các đối tác của mình trong mọi vấn đề và đây cũng không phải là mong đợi của chúng tôi”.

Dù thực chất quyết định của Saudi Arabia xuất phát từ sự không hài lòng của nước này trước những thất bại của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hay đồng minh Mỹ, thì việc quốc gia vùng Vịnh thẳng thừng chối bỏ tư cách thành viên tại Hội đồng Bảo an cũng sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến uy tín của Hội đồng Bảo an, vốn là cơ quan có tiếng nói quyết định trong nhiều vấn đề quốc tế.

Như Đại sứ Pháp tại Liên Hợp Quốc Gerard Araud đã nói, nên hiểu cho sự thất vọng của Saudi Arabia bởi trên thực tế, uy tín của Hội đồng Bảo an cũng đã phần nào suy giảm trong thời gian gần đây khi các thành viên của Hội đồng ngày càng tỏ rõ sự chia rẽ về hướng đi cho một loạt các vấn đề lớn, khiến các cuộc xung đột và những bất đồng trên thế giới lâm vào tình trạng bế tắc kéo dài./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Pháp "chia sẻ thất vọng" với Saudi Arabia về Hội đồng Bảo an
Pháp "chia sẻ thất vọng" với Saudi Arabia về Hội đồng Bảo an

VOV.VN - Saudi Arabia lần đầu tiên được bầu làm thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an, tuy nhiên nước này đã từ chối vị trí.

Pháp "chia sẻ thất vọng" với Saudi Arabia về Hội đồng Bảo an

Pháp "chia sẻ thất vọng" với Saudi Arabia về Hội đồng Bảo an

VOV.VN - Saudi Arabia lần đầu tiên được bầu làm thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an, tuy nhiên nước này đã từ chối vị trí.

Saudi Arabia chính thức từ chối ghế thành viên HĐBA LHQ
Saudi Arabia chính thức từ chối ghế thành viên HĐBA LHQ

VOV.VN - Động thái của Saudi Arabia khiến nhiều nhà ngoại giao Liên Hợp Quốc ngạc nhiên và yêu cầu có lời giải thích.

Saudi Arabia chính thức từ chối ghế thành viên HĐBA LHQ

Saudi Arabia chính thức từ chối ghế thành viên HĐBA LHQ

VOV.VN - Động thái của Saudi Arabia khiến nhiều nhà ngoại giao Liên Hợp Quốc ngạc nhiên và yêu cầu có lời giải thích.