Căng thẳng với phương Tây, Nga tăng cường ngoại giao với châu Phi
VOV.VN - Phát triển mối quan hệ toàn diện với các nước châu Phi tiếp tục là một trong những ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Nga. Đây là tuyên bố của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov trong chuyến công du kéo dài 5 ngày tới châu Phi, với Ai Cập là chặng dừng chân đầu tiên.
Cùng với chuyến thăm Trung Đông của Tổng thống Vladimir Putin hồi tuần trước, chuyến đi của Ngoại trưởng Nga được tiến hành nhằm tìm kiếm và mở rộng các liên minh trong bối cảnh áp lực trừng phạt của phương Tây ngày một tăng liên quan cuộc xung đột tại Ukraine.
Theo Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, Nga và châu Phi luôn sẵn sàng mở rộng hơn nữa mối quan hệ cùng có lợi. Hai bên đang cùng nhau làm việc về chương trình nghị sự của Hội nghị Thượng đỉnh Nga - châu Phi lần thứ 2 dự kiến sẽ được tổ chức vào giữa năm 2023 sau thành công của hội nghị đầu tiên vào năm 2019.
Ngoại trưởng Sergei Lavrov khẳng định, mục tiêu hàng đầu là đưa các nhà khai thác kinh tế của Nga và châu Phi đến gần hơn với các thị trường tương ứng và khuyến khích họ tham gia vào các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn.
Châu Phi có quan hệ kinh tế và chính trị với cả Nga và Liên minh châu Âu. Tuy nhiên đây lại cũng là khu vực chịu tác động nặng nề nhất của cuộc xung đột tại Ukraine và cuộc chiến trừng phạt lẫn nhau giữa Nga và phương Tây. Nguồn cung ngũ cốc bị gián đoạn đã khiến giá lương thực toàn cầu tăng vọt. Trong khi đó hàng tỷ USD viện trợ cho các nước châu Phi cũng được chuyển sang hỗ trợ cho những người phải sơ tán khỏi Ukraine. Tình hình khiến hàng triệu người trong các khu vực xung đột ở châu Phi và Trung Đông rơi vào cảnh thiếu lương thực và các hỗ trợ khác ngày càng trầm trọng.
Phát biểu tại cuộc gặp với người đồng cấp Ai Cập Sameh Shoukr, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov một lần nữa trấn an các nước châu Phi về nguồn cung ngũ cốc, giữa lúc vẫn còn những nghi ngại về thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc đạt được mới đây với Ukraine: “Nga và Ai Cập đã xem xét chi tiết những bước đi cần thực hiện nhằm ngăn chặn thiệt hại từ các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với các giới hạn kinh tế. Và chúng tôi muốn tái cấu trúc mối quan hệ trong điều kiện mới do các lệnh trừng phạt bất hợp pháp từ Mỹ và các đồng minh”.
Trong khi phần lớn sự chú ý của quốc tế tập trung vào tác động của cuộc khủng hoảng đối với các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương và sự thống nhất của NATO, thì cuộc xung đột tại Ukraine cũng là một phép thử đối với sự đoàn kết của châu Phi. Các chính phủ châu Phi ngày càng quan tâm đến việc xây dựng mối quan hệ với cả Đông và Tây nhằm đa dạng hóa các lựa chọn thương mại, đầu tư và viện trợ.
Tuy nhiên châu Phi dường như đang bị mắc kẹt trong cuộc đối đầu giữa Nga và phương Tây. Nga đã khẳng định mình trong những năm gần đây thông qua cả ảnh hưởng về an ninh và kinh tế trên lục địa. Tuy nhiên, bài toán đặt ra không chỉ đối với Nga, mà cả phương Tây là làm thế nào tìm kiếm và duy trì được các liên minh bền vững trong bối cảnh địa chính trị toàn cầu thay đổi./.