Đà Nẵng bàn giải pháp khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm

VOV.VN - Thành ủy Đà Nẵng dành nhiều thời gian thảo luận các giải pháp khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy, không làm đúng, đầy đủ chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ Đảng viên.

Sáng nay (28/9), tại Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 29 của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng “về tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển thành phố trong tình hình mới”, Thành ủy Đà Nẵng đã dành nhiều thời gian thảo luận các giải pháp khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy, không làm đúng, đầy đủ chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong tình hình hiện nay. Hội nghị được tổ chức trực tiếp và trực tuyến đến tận xã phường với sự tham dự của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức toàn thành phố.

 Cán bộ, công chức, viên chức Đà Nẵng hưởng ứng “5 xây, 3 chống”    

10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 29 của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng “về tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển thành phố trong tình hình mới”, cán bộ, công chức, viên chức thành phố Đà Nẵng đã gắn với nội dung trọng tâm là “5 xây, 3 chống”. Trong đó, “5 xây” là trách nhiệm, chuyên nghiệp, trung thực, kỷ cương, gương mẫu và “3 chống” là chống quan liêu, tiêu cực, bệnh hình thức trong đội ngũ cán bộ thành phố. Qua đó, đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ; tính hiệu lực, hiệu quả của hệ thống hành chính thành phố được nâng cao; cơ bản xây dựng đội ngũ cán bộ đảm bảo về chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Các các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức triển khai thực hiện gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 theo hướng nêu cao các tiêu chí: “trách nhiệm, trung thực, chuyên nghiệp, kỷ cương, gương mẫu” và “chống quan liêu, chống tiêu cực, chống bệnh hình thức”.

Qua 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 29, nhận thức, thái độ và tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn thành phố được nâng cao. Ý thức chấp hành nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị đảm bảo. Trách nhiệm trong tham mưu, giải quyết công việc của các cơ quan, đơn vị và địa phương được tăng cường. Tác phong lề lối làm việc chuyên nghiệp hơn, thân thiện hơn. Thái độ, chất lượng phục vụ tại các cơ quan hành chính được nâng cao. Nhiều cơ quan, địa phương có những giải pháp sáng tạo, mô hình hay mang lại hiệu quả thiết thực.

Công tác cải cách hành chính của các cơ quan khối Đảng, Mặt trận, đoàn thể có nhiều chuyển biến. Cải cách hành chính của khối chính quyền tiếp tục duy trì và ngày càng nâng cao chất lượng phục vụ, đơn giản hóa các thủ tục hành chính.

 

 Một số cán bộ né tránh, đùn đẩy trách nhiệm

Thành ủy Đà Nẵng cũng thẳng thắn nhìn nhận, hiện nay một số cán bộ, công chức, viên chức làm việc thiếu tính chuyên nghiệp, phương pháp xử lý tình huống với người dân và doanh nghiệp còn hạn chế, chưa nắm vững nghiệp vụ, hướng dẫn không rõ ràng. Kỹ năng ứng xử trong giao tiếp chưa phù hợp, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Cá biệt có một số cán bộ tham nhũng, tiêu cực, vi phạm pháp luật trong thực thi công vụ, gây bức xúc trong Nhân dân.

Việc xây dựng các giải pháp giải quyết những vấn đề “nóng”, đột xuất của ngành, lĩnh vực thiếu quyết liệt. Một số cơ quan, nhất là lĩnh vực quản lý đất đai, nhà công sản, đầu tư... còn xảy ra sai phạm trong quy trình công tác, vi phạm pháp luật; việc khắc phục sai phạm chậm. Việc tiếp nhận xử lý một số vụ việc của các cơ quan, đơn vị còn qua loa, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong xử lý kiến nghị của tổ chức, công dân.

Hệ thống thủ tục hành chính và thực hiện trên một số lĩnh vực vẫn còn rườm rà, phức tạp gây nhiều khó khăn, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành chưa tương xứng; các dịch vụ công trực tuyến mức 3, mức 4 tăng nhưng hiệu quả chưa tương xứng.

Tại Hội nghị này, các đại biểu đã nghe 10 báo cáo tham luận về thực trạng và các giải pháp khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy, không làm đúng, đầy đủ chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức ở thành phố Đà Nẵng. Đáng chú ý là các báo cáo của Ban Tổ chức Thành ủy, Ban Nội chính Thành ủy, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, Đảng đoàn HĐND và một số sở ngành… đã nói thẳng, nói đúng, nói trúng.

Ông Nguyễn Đình Vĩnh, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng nhận định, “trong thời gian gần đây, một số cơ quan đơn vị và một bộ phận cán bộ, công chức đã xảy ra “tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, không thực hiện đầy đủ chức năng, quyền hạn trong thực thi công vụ”, đồng thời đề xuất 5 giải pháp khắc phục tình trạng này.

“Đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới phương thức, lề lối làm việc; theo đó, từng cơ quan, đơn vị tập trung rà soát, điều chỉnh bổ sung quy chế làm việc, quy định của cơ quan cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ được giao và thực tiễn của cơ quan, đơn vị. Tập trung xây dựng bộ thủ tục hành chính cho từng đầu công việc gắn với trách nhiệm cá nhân, tập thể, cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp”

 

Nhận diện 12 biểu hiện của tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm của cán bộ

Hội nghị đã dành thời gian nghe đại diện lãnh đạo UBND thành phố Đà Nẵng báo cáo kết quả Tọa đàm “Các giải pháp khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy, không làm đúng, đầy đủ chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong tình hình hiện nay” do Ban Thường vụ Thành ủy tổ chức ngày 25/9 vừa qua.

Tại buổi Tọa đàm này, các đại biểu đã nêu rõ thái độ, trách nhiệm làm việc cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong thực thi công vụ hiện nay. Trong đó, nhận diện 12 biểu hiện của tình trạng né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm không dám làm trong một bộ phận đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức. Biểu hiện đầu tiên là “Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; không thực hiện đúng nguyên tắc, chế độ, thủ tục, quy trình, quy phạm, tiêu chuẩn, điều kiện, thẩm quyền hoặc theo quy định của Đảng và pháp luật nhà nước về một nhiệm vụ, công việc cụ thể”.

Cán bộ không ưu tiên giải quyết các vấn đề cấp bách; các vấn đề lớn, khó, phức tạp, nhạy cảm; các vấn đề nổi cộm, bức xúc, cấp bách liên quan đến địa bàn, lĩnh vực tiềm ẩn phức tạp.

Một số cán bộ không chủ động tham mưu, đề xuất và tổ chức thực hiện các công việc thuộc thẩm quyền, trách nhiệm được giao phụ trách; tham mưu lòng vòng, không nêu rõ quan điểm chính kiến, tham mưu không rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ trách nhiệm đối với công việc được giao; không phối hợp hoặc phối hợp không có hiệu quả với các cơ quan có liên quan trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao.

Có cán bộ tìm cách đẩy việc lên cơ quan cấp trên hoặc chuyển ngang sang cơ quan, đơn vị, cá nhân khác trong khi công việc thuộc thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết của mình.

Có nơi không trả lời hoặc trả lời không rõ quan điểm, chậm trễ trong việc tiếp thu, trả lời các vấn đề thuộc thẩm quyền khi được hỏi hoặc xin ý kiến; Không chủ động dự báo tình hình, xa rời thực tế, không sâu sát công việc, không nắm chắc tình hình trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương. Tiếp nhận văn bản mà không báo cáo, báo cáo chậm hoặc báo cáo không trung thực, không đúng kết quả thực tế thực hiện thuộc trách nhiệm cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương, cá nhân được phụ trách.

Nội dung buổi Tọa đàm đưa ra nhận định thực trạng cán bộ hiện nay có biểu hiện “Thờ ơ, vô cảm, có thái độ bàng quang, vô trách nhiệm trước các hành vi sai trái, trong cơ quan, đơn vị và xã hội; không giải quyết hoặc giải quyết không kịp thời; không hết trách nhiệm đối với các vấn đề bức xúc của nhân dân”.

Cán bộ không hướng dẫn cụ thể mà trả lời đề nghị thực hiện theo đúng quy định pháp luật hoặc hướng dẫn không rõ ràng; Không xác định trách nhiệm của người kế nhiệm để triển khai thực hiện kết luận thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, các bản án có hiệu lực pháp luật liên quan đến các thời kỳ trước.

 Người đứng đầu còn đùn đẩy, né tránh, giao cho cấp phó trả lời hoặc cung cấp thông tin; Thuộc thẩm quyền ký của mình nhưng không ký mà để người khác ký thay; Chờ đợi sự chỉ đạo của cơ quan cấp trên và cơ quan chức năng hướng dẫn.

Xin hướng dẫn của bộ ngành Trung ương nhưng không được trả lời

Tại buổi Tọa đàm ngày 28/9, các đại biểu nêu lên nguyên nhân dẫn đến tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong thực thi công vụ. Nguyên nhân khách quan do sự chồng chéo, không thống nhất, đồng bộ giữa các luật, văn bản hướng dẫn dưới luật; nhiều vấn đề khó, vướng, chưa có quy định hoặc quy định còn chồng chéo, cần hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương nhưng hầu hết không được trả lời hoặc trả lời chung chung, không đi thẳng vào vấn đề; khi thành phố linh động vận dụng giải quyết vấn đề thì qua thanh tra, kiểm tra bị kiểm điểm, phê bình nên tạo tâm lý e ngại trong công tác tham mưu. Cùng với đó là áp lực công việc ngày càng cao, số lượng và yêu cầu chất lượng nhiệm vụ ngày càng lớn, yêu cầu thời gian gấp rút, trong khi số lượng biên chế và người làm việc ngày càng giảm, dẫn đến áp lực trong thực hiện nhiệm vụ, chất lượng, tiến độ không đảm bảo và có tâm lý đùn đẩy để giảm bớt việc.

Nguyên nhân chủ quan là một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa nhận thức đầy đủ về trách nhiệm trong chấp hành pháp luật, quy định, quy chế làm việc; một số cán bộ năng lực còn hạn chế, không đáp ứng yêu cầu công việc được giao nên sợ sai, sợ phê bình…

Đề xuất 5 nhóm giải pháp khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm

Tại buổi Tọa đàm, các đại biểu đề xuất 05 nhóm giải pháp lớn cần tập trung thực hiện trong thời gian đến. Ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho biết 5 nhóm giải pháp như sau:“Hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật; Giải pháp về công tác tổ chức, cán bộ; Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác quản lý cán bộ công chức, viên chức trong thực thi công vụ; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, thực hiện nghiêm kết luận, kiến nghị thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; Chế tài xử lý đối với cán bộ có biểu hiện né tránh, đùn đẩy, làm việc không đầy đủ chức trách, nhiệm vụ.”

Ông Hồ Kỳ Minh cho biết thêm, các đại biểu dự Tọa đàm cũng thống nhất đề nghị Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Chỉ thị mới thay thế Chỉ thị số 29-CT/TU để lãnh đạo, chỉ đạo các nhiệm vụ phù hợp với thực tiễn thành phố trong tình hình mới: “Qua Tọa đàm, Ban Thường vụ Thành ủy cũng mong muốn các đồng chí cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu tự soi, tự sửa, nêu cao danh dự, lòng tự trọng, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung; nỗ lực sáng tạo để thích ứng với những biến đổi nhanh chóng hiện nay. Mỗi đồng chí cán bộ phải có tinh thần tự giác, tích cực trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ; không lạm dụng và kiên quyết chấn chỉnh việc tham mưu lấy ý kiến các cơ quan cấp trên để né tránh trách nhiệm; không lạm dụng lấy ý kiến của các đơn vị không có chức năng, nhiệm vụ liên quan đến công việc cần giải quyết. Ban Thường vụ Thành ủy, lãnh đạo thành phố khẳng định luôn lắng nghe, chia sẻ, bảo vệ, đánh giá khách quan phẩm chất, năng lực, kể cả những sai sót (nếu có vì lý do khách quan, động cơ trong sáng); sẽ chịu trách nhiệm của người đứng đầu và trách nhiệm của ban thường vụ cấp ủy khi cán bộ bị xem xét, xử lý.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Có tình trạng né tránh, “đẩy” trách nhiệm khi xử lý nguồn tin tội phạm
Có tình trạng né tránh, “đẩy” trách nhiệm khi xử lý nguồn tin tội phạm

VOV.VN - Ông Lương Nguyễn Minh Triết, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng đề nghị chấn chỉnh tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm khi xử lý nguồn tin tội phạm.

Có tình trạng né tránh, “đẩy” trách nhiệm khi xử lý nguồn tin tội phạm

Có tình trạng né tránh, “đẩy” trách nhiệm khi xử lý nguồn tin tội phạm

VOV.VN - Ông Lương Nguyễn Minh Triết, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng đề nghị chấn chỉnh tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm khi xử lý nguồn tin tội phạm.

Chấn chỉnh cán bộ đùn đẩy, né tránh trách nhiệm
Chấn chỉnh cán bộ đùn đẩy, né tránh trách nhiệm

VOV.VN - Vấn đề kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm và tình trạng né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm của của một bộ phận cán bộ được nhận diện thẳng thắn tại kỳ họp HĐND ở nhiều địa phương.

Chấn chỉnh cán bộ đùn đẩy, né tránh trách nhiệm

Chấn chỉnh cán bộ đùn đẩy, né tránh trách nhiệm

VOV.VN - Vấn đề kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm và tình trạng né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm của của một bộ phận cán bộ được nhận diện thẳng thắn tại kỳ họp HĐND ở nhiều địa phương.

Quốc hội cần có giải pháp khắc phục ngay tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm
Quốc hội cần có giải pháp khắc phục ngay tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm

VOV.VN - Phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Quốc hội cần có giải pháp hữu hiệu để chấn chỉnh, khắc phục ngay tình trạng kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm, còn có tình trạng né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức.

Quốc hội cần có giải pháp khắc phục ngay tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm

Quốc hội cần có giải pháp khắc phục ngay tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm

VOV.VN - Phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Quốc hội cần có giải pháp hữu hiệu để chấn chỉnh, khắc phục ngay tình trạng kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm, còn có tình trạng né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức.