Cựu chiến binh Kazan (Nga) và tấm lòng tri ân của người dân Việt Nam
VOV.VN - Người cựu chiến binh không khỏi xúc động khi có một phụ nữ Việt tài trợ chi phí cho đoàn cựu chiến binh Nga trở lại thăm Việt Nam.
Cũng giống như các cựu chiến binh (CCB) khác từng có mặt ở Việt Nam thời kỳ chiến tranh, ông Anatoli Ivanov đã coi việc ông tham gia cùng quân đội và nhân dân Việt Nam chống đế quốc Mỹ thời đó là việc thực thi nhiệm vụ rất bình thường. Chính bởi thế, việc ông được những người bạn Việt Nam tri ân hôm nay như một món quà lớn của cuộc đời.
Chúng tôi biết đến ông và nhiều cựu chiến binh khác khi ngồi trò chuyện cùng bà Đào Thị Côi, người phụ nữ thành đạt và được nhiều người biết tiếng ở thành phố Kazan, nước Cộng hòa Tatarstan thuộc Liên bang Nga. Và qua bà chúng tôi tìm gặp ông. Ông cũng rất vui mừng tiếp đón chúng tôi vì lại một lần nữa ông có dịp bày tỏ niềm xúc động của mình với đất nước, nhân dân Việt Nam khi những người như ông luôn luôn được nghĩ đến trong những dịp này.
Trong câu chuyện của ông khi mở đầu buổi gặp gỡ, ông cũng nhắc đến “madam Côi”. Ông nói: “Chúng tôi với bà Côi rất thân thiết với nhau. Bà ấy là một phụ nữ rất tốt. Vào năm 2000 chúng tôi đã biết đến nhau nhân kỷ niệm lần thứ 25 năm Ngày thống nhất hai miền Nam – Bắc Việt Nam. Và bà đã hỗ trợ chi phí cho đoàn chúng tôi sang thăm lại Việt Nam vào năm đó. Bà đã mua vé cho chúng tôi và chúng tôi đã đi 12 ngày, thăm lại rất nhiều nơi trên đất nước các bạn. Cho đến bây giờ, mối quan hệ của các cựu chiến binh chúng tôi với bà vẫn rất tốt”.
Và thế là cuộc gặp gỡ để nghe ông hồi tưởng lại quãng thời gian ở Việt Nam thời chiến tranh đã được bắt đầu như thế. Trong ông vẫn nguyên cảm giác sung sướng, mãn nguyện sau chuyến thăm lại Việt Nam lần thứ hai trong thời bình diễn ra từ 3 năm trước, năm 2012. Ông đã cho chúng tôi xem cả một cuốn ảnh chụp chuyến đi, ông kể từng địa danh ông được đi thăm, từng con người ông gặp lại, gặp mới và không giấu niềm xúc động to lớn vì sự tri ân rất đặc biệt của nhân dân Việt Nam, của các đồng chí, đồng đội Việt Nam và đặc biệt là của người phụ nữ ông đã coi là người bạn thân thiết của cựu chiến binh Kazan, bà Đào Thị Côi.
Đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, đi đâu ông cũng phải mang theo những thứ thuốc mà vị “bác sỹ riêng” chính là con trai của ông “chỉ định”... Bởi thế, với ông, có lẽ chuyến thăm Việt Nam vào năm 2012 ấy đã trở thành một điều tuyệt diệu và khó có cơ hội lặp lại. Giờ đây, những người Việt Nam ở thành phố Kazan này trở thành những người bạn thân thiết của ông.
Về phần mình, bà Đào Thị Côi, người đã gặp không ít thăng trầm trong công việc kinh doanh, sinh sống ở thành phố Kazan ngót 30 chục năm qua, bà đã giúp đỡ rất nhiều cho các cựu chiến binh Nga trong các hoạt động với Việt Nam, đặc biệt là những cựu chiến binh của thành phố Moscow và Kazan.
Bà Côi lý giải thật giản dị rằng: “Có một cựu chiến binh hỏi tôi, “Madam Côi, vì sao bà lại tài trợ cho chúng tôi một số tiền lớn như vậy?” Tôi nói rằng “thế khi ông sang Việt Nam ông có hỏi Việt Nam ở đâu, vì sao ông lại phải đi không? Các ông đã từng sang giúp đỡ chúng tôi chiến đấu thì chúng tôi phải có trách nhiệm giúp các ông trở lại Việt Nam để xem đất nước của chúng tôi có gì đổi mới so với hồi các ông sang Việt Nam không. Cho nên các ông đừng băn khoăn chuyện đó”.
Rồi trò chuyện với ông, xem kỹ từng kỷ vật của ông, chúng tôi biết, cựu chiến binh Anatoli Ivanov đã có 3 lần đến Việt Nam. Lần đầu ông đến vào tháng 8/1966, mà theo lời của ông thì là “thực thi nhiệm vụ quốc tế, giúp đỡ nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống Mỹ xâm lược”. Ông cho biết, ông phục vụ trong Trung đoàn Tên lửa 236, đây là trung đoàn đầu tiên ra trận và đã ngay trận đầu tiêu diệt được 3 máy bay Mỹ. Và chỉ trong đúng 1 năm, thời gian ông có mặt ở Việt Nam, số máy bay Mỹ bị tiêu diệt đã lên tới 1.500 chiếc.
Ông vẫn còn nhớ rất nhiều những kỷ niệm về những tháng ngày cùng chiến đấu và huấn luyện cho các cán bộ, chiến sỹ binh chủng tên lửa của Việt Nam và ông vẫn giữ rất nhiều những kỷ vật của thời chiến ấy. Trong số đó, vật mà ông nâng niu nhất là chiếc huy hiệu “Quyết thắng” được làm từ chính mảnh vỡ của máy bay Mỹ.
Còn lần thứ hai ông đến Việt Nam, được gặp lại những người đồng chí chiến đấu của mình, chính là nhờ sự giúp đỡ chi phí của “madam Côi” khi bà biết có những người như ông ở thành phố Kazan. Đó là vào năm 2000. Và lần thứ ba ông thăm lại Việt Nam là vào năm 2012 theo lời mời của Bộ Quốc phòng Việt Nam. Những chuyến đi ấy còn để lại rất nhiều dấu ấn đẹp trong ông cho đến hôm nay.
Ông kể: “Chúng tôi đã được đến những vùng biển rất đẹp của Việt Nam, đó là Vịnh Hạ Long, Cam Ranh... Tôi có thể thấy rằng, đất nước các bạn đã đổi thay rất nhiều. Hồi chiến tranh, khi chúng tôi ở Việt Nam, có thế nói, đất nước các bạn là nghèo nhất, mọi thứ đều không có và tất cả chúng tôi đều phải mua trong cửa hàng Đại sứ quán... Bây giờ quay trở lại thì thấy rằng, dù Việt Nam chưa phải là nước giàu, nhưng cái gì cũng có và có thể nói là các bạn đã tiến bộ rất nhiều. Và tôi chỉ mong sao cho đất nước Việt Nam mãi hòa bình, hữu nghị và thịnh vượng.”
Ông say sưa kể về những cuộc gặp mặt thật vui vẻ giữa những người lính từng kề vai, sát cánh trong đạn bom, khói lửa của ngót 50 năm trước và đọc cho chúng tôi nghe lời của bài hát tự biên mà những người lính Liên Xô như ông hồi đó từng cùng nhau hát: “Vai kề vai cùng người bạn Việt Nam, cùng đi chung trên một con đường, tôi gọi các bạn là “tovarish”, các bạn gọi tôi là “đồng chí”.
Và trong ngày vui, tròn 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước Việt Nam 30/4 này, ông muốn một lần nữa qua chúng tôi, gửi lời chúc mừng chân thành tới nhân dân Việt Nam, tới những người bạn, người đồng chí mà ông từng biết, từng gặp gỡ.
Ông cũng không quên nhắc lại một điều mà ông và không ít cựu chiến binh Nga, cựu chiến binh Kazan... giờ đây vẫn nói với nhau đó là niềm cảm động sâu sắc trước lòng tri ân của nhân dân Việt Nam hôm nay, từ những người dân bình thường đến các cựu chiến binh, các cán bộ, quan chức trong quân đội Việt Nam đối với các cựu chiến binh như ông. Qua đây, ông cũng hiểu, đó là đạo lý của người Việt Nam. Chính điều đó đã khiến ông cảm động và tin rằng, tương lai tốt đẹp sẽ đến với mọi người Việt Nam./.