Cựu Thủ tướng Lebanon được mời thăm Pháp giữa lúc “nước sôi lửa bỏng”
VOV.VN - Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định đây không phải là một lời mời lưu vong chính trị đối với Thủ tướng Lebanon Saad Hariri và gia đình.
Ngày 15/11, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã gửi lời mời ông Saad Hariri và gia đình sang Pháp sau khi Thủ tướng Lebanon bất ngờ từ chức ngày 4/11, khơi mào một cuộc khủng hoảng chính trị tại quốc gia Tây Á này. Quan chức Pháp cho biết, ông Saad Hariri sẽ đến Paris trong vòng vài ngày tới.
Ông Saad Hariri (trái) và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (phải) trong cuộc gặp hồi tháng 9/2017. (Ảnh: AFP) |
Thông tin đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Lebanon Michel Aoun cùng ngày cáo buộc Saudi Arabia đang giữ ông Hariri làm tù nhân. Chính phủ Saudi Arabia đã bác bỏ thông tin này cũng như đồn đoán rằng họ đã gây sức ép buộc ông Hariri từ chức nhằm ngăn cản ảnh hưởng của Iran trong khu vực.
Trong khi đó, Cựu Thủ tướng Hariri tuyên bố ông vẫn ổn và sẽ sớm trở về nước. Anh trai ông, Bahaa Hariri cũng khẳng định ủng hộ quyết định từ chức trên, đồng thời cảm ơn Saudi Arabia vì hàng thập kỷ hỗ trợ chính phủ ở Lebanon và cáo buộc Iran cùng nhóm Hezbollah tìm cách kiểm soát Lebanon.
Pháp đang tìm cách làm trung gian hòa giải cho cuộc khủng hoảng giữa Lebanon và Saudi Arabia.
Cùng với việc mời ông Hariri thăm Paris “trong vòng vài ngày”, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định đây không phải là lời đề nghị lưu vong chính trị, cho rằng “sự lựa chọn chính trị đó phải phù hợp với quy định luật pháp”.
“Chúng ta cần có các nhà lãnh đạo được tự do thể hiện bản thân”, ông Macron nêu rõ. “Điều quan trọng là ông Hariri có thể thúc đẩy chính trị tại đất nước của ông trong thời gian tới”.
Ông Macron cũng khẳng định: “Tôi mong Lebanon sẽ ổn định. Chúng ta cần một Lebanon toàn vẹn lãnh thổ”.
Động thái đưa ra sau khi ông Macron đã nói chuyện qua điện thoại với cả ông Hariri và Thái tử kế vị Saudi Arabia Mohammed bin Salman./. Lebanon: Mặt trận mới trong cuộc đua ảnh hưởng Saudi Arabia-Iran
Lebanon - Ngòi nổ xung đột mới tại Trung Đông thời kì hậu IS