Dân vùng ly khai khỏi Moldova muốn sáp nhập vào Nga
VOV.VN - Tin tức cho hay quân đội Nga đã diễn tập ở Transnistria – dải đất ly khai nằm kẹp giữa Ukraine và Moldova.
Dòng nước đen của sông Dniester chạy qua thành phố Tiraspol tạo thành ranh giới tự nhiên giữa Moldova, quốc gia nghèo nhất châu Âu và Cộng hòa Transnistria ly khai Moldova.
Gần đó một cụ già bán hàng rong 82 tuổi tên là Valentina Ivanova bày tỏ tình cảm chung của nhiều cư dân Transnistria.
Một tấm bản đồ cho thấy “nước” Transnistria (màu xanh), Moldova (xám đậm), và châu Âu cùng các khu vực khác bao gồm Ukraine (xám nhạt) (ảnh: Independent) |
Sau khi Liên bang Cộng hòa XHCN Xô viết sụp đổ, Transnistria – dải đất nằm giữa Moldova và Ukraine, đã tuyên bố độc lập với Moldova. Một cuộc nội chiến chóng vánh đã diễn ra sau đó vào năm 1992, kết thúc bằng thế bế tắc như hiện nay.
Trong suốt 23 năm tồn tại, Cộng hòa Transnistria chưa được bất cứ quốc gia nào trên trái đất này công nhận. Thậm chí cả Nga, hiện có 1.000 binh sĩ đồn trú tại đây kể từ năm 1992, cũng không công nhận quốc gia này!
Đồng nội tệ của Transnistria là vô giá trị bên ngoài biên giới nước này.
Hiện đang có nhận định cho rằng người Nga có thể lấy Transnistria làm quân cờ gây sức ép với Moldova, quốc gia muốn gần gũi hơn với EU.
Tuần trước, Chủ tịch Hội đồng Tối cao Transnistria, cơ quan chính quyền của nước này, đã một lần nữa yêu cầu Nga xem xét soạn thảo một dự luật có thể đồng ý sáp nhập Transnistria.
Hôm 23/3, truyền thông Moldova đưa tin quân Nga đóng tại Transnistria đang tiến hành tập trận.
Để vào Transnistria từ Moldova, phải vượt qua một trạm “biên giới” và vượt qua các chốt kiểm soát quân sự có binh lính gác. Con đường phía sau dẫn tới Tiraspol, thủ đô cộng hòa ly khai, nơi có các đại lộ lớn và kiến trúc thời Xô viết, cùng với vô số nét Xô viết khác.
Bên ngoài tòa nhà Xô viết tối cao, một bức tượng Lenin nhìn ra bên ngoài con đường lớn được đặt tên theo ngày diễn ra Cách mạng tháng Mười Nga: 25/10.
Transnistria có dân số chỉ nửa triệu người, gồm các tộc Nga, Moldova và Ukraine, với tiếng Nga là ngôn ngữ chính thức.
Sợ EU?
Bất chấp việc có nhiều sắc tộc sống đan xen, tình cảm chung dường như vẫn nghiêng sang phương án trở thành một phần của lãnh thổ Nga.
“Đa số dân ở đây thích gia nhập Nga,” Andrei Dabrovichi, một sinh viên 19 tuổi đang làm thêm tại một quán café bên ngoài quảng trường chính, nói.
“Chúng tôi là một quốc gia nhỏ và không thể độc lập được, mà tôi thì lại sợ EU. Họ rất khác biệt với chúng tôi. Chúng tôi ở đây mang tâm hồn Nga,” cậu sinh viên nói.
Trong một cuộc trưng cầu dân ý năm 2006, 97,2% cử tri Transnistria bỏ phiếu tán thành gia nhập Nga, một con số gần như giống hệt tỷ lệ bầu chọn Crimea ly khai Ukraine.
>> Đọc thêm: Quân Nga đột kích mãnh liệt vào các căn cứ Crimea
Trong khi đó, mặc dù Nga chưa bao giờ công nhận cuộc trưng cầu này và chưa có một cuộc trưng cầu nào tiếp theo được tổ chức, nhưng các chính trị gia Moldova đều cảm thấy bị báo động trước diễn biến trên.
Thủ tướng Moldova, Iurie Leanca, phát biểu ở thủ đô Chisinau: “Chúng tôi theo dõi sát sao những gì mà ban lãnh đạo Transnistria thực thi và những gì quân đội Nga làm”.
“Chẳng có gì bí mật cả, khu vực Transnistria sở dĩ tồn tại được là nhờ trợ giúp trực tiếp của Moscow,” vị Thủ tướng khẳng định.
Nicolai Topalo, một công nhân nhà máy ở Moldova, bày tỏ lo ngại: “Những gì diễn ra ở Crimea có thể xảy đến với chúng tôi. Chúng tôi rất nhỏ yếu và chúng tôi cần tiếp tục nỗ lực để được chở che”./.