Diễn biến chính tình hình chiến sự Nga - Ukraine ngày 9/9

VOV.VN - 24 giờ qua ghi nhận nhiều diễn biến quan trọng liên quan đến cuộc chiến tại Ukraine, đáng chú ý là việc quân đội Nga tuyên bố phá hủy 5 kho tên lửa và đạn dược của Ukraine và Moscow cảnh báo nguy cơ xung đột trực tiếp với NATO

Quân đội Nga tuyên bố phá hủy 5 kho tên lửa và đạn dược của Ukraine: Nga phá hủy 5 kho tên lửa và đạn dược của Ukraine ở khu vực Zaporozhye, nước Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng (DPR) và vùng phụ cận Balakleya ở khu vực Kharkov.

Theo Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenko, quân đội Nga sẽ "tiếp tục thực hiện các cuộc tấn công vào các mục tiêu quân sự trên lãnh thổ Ukraine. 5 kho đạn dược và tên lửa đã bị phá hủy ở vùng phụ cận Trudovoye tại khu vực Zaporozhye, Kurakhovo, Konstantinovka và Seversk ở DRP cùng với Balakleya ở khu vực Kharkov".

Nga cảnh báo nguy cơ xung đột trực tiếp với NATO: Một cuộc đối đầu gián tiếp giữa Nga và NATO có thể làm tăng rủi ro xảy ra xung đột trực tiếp, Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vasily Nebenzya nhận định tại Hội đồng Bảo an ngày 8/9.

"Cuộc đối đầu trực tiếp của NATO với Nga về khách quan sẽ làm tăng rủi ro xung đột trực tiếp giữa Nga và liên minh này, bất chấp những tuyên bố rằng NATO đang làm mọi thứ để tránh viễn cảnh trên xảy ra", Đại sứ Vasily Nebenzya cho hay.

Mỹ hỗ trợ quân sự 2,8 tỷ USD cho Ukraine và 18 quốc gia lân cận: Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 8/9 đã có chuyến thăm không báo trước tới Ukraine. Ông Blinken cho biết, Mỹ sẽ hỗ trợ quân sự trị giá 2,8 tỷ USD cho Ukraine và 18 quốc gia lân cận bị ảnh hưởng bởi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga.

Khoản ngân sách này bao gồm 675 triệu USD dành riêng cho Ukraine, nâng tổng cam kết hỗ trợ an ninh của Mỹ đối với Ukraine lên hơn 15 tỷ USD kể từ tháng 8/ 2021. Khoản viện trợ này được Ngoại trưởng Blinken thông báo tới Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại cuộc gặp ở Kiev ngày 8/9. Đây là chuyến thăm thứ hai của Ngoại trưởng Blinken tới Ukraine kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại đây ngày 24/2.

Người Nga đi lại khó khăn hơn ở châu Âu: Hội đồng châu Âu ngày 9/9 đã chính thức thông qua việc đình chỉ thỏa thuận đơn giản hóa việc thị thực giữa Liên minh châu Âu và Nga.

RT dẫn một thông báo của Hội đồng châu Âu ngày 9/9 cho biết quyết định này sẽ dẫn đến việc tăng phí xin thị thực nếu công dân Nga muốn đến các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU), đồng thời việc xin thị thực cũng mất nhiều thời gian hơn so với trước đây.

“Quyết định hôm nay là hệ quả trực tiếp từ các hành động quân sự của Nga và thêm bằng chứng cho thấy cam kết kiên định của chúng tôi đối với Ukraine và người dân nước này”, Bộ trưởng Nội vụ Cộng hòa Séc Vit Rakusan cho biết trong một tuyên bố kèm theo thông báo của Hội đồng châu Âu.

Phương Tây đã áp đặt khoảng 11.000 lệnh trừng phạt đối với Nga: Quan chức cấp cao của Nga cho biết phương Tây đã áp đặt khoảng 11.000 lệnh trừng phạt nhằm vào Moskva vì chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Theo hãng thông tấn TASS, ông Mikhail Ulyanov, Đại diện thường trực của Nga tại các Tổ chức Quốc tế ở Vienna (Áo), đã cho biết thông tin trên qua Twitter.

Ông nhấn mạnh rằng lần đầu tiên trong lịch sử, các quốc gia phương Tây đã phải đối mặt với hậu quả của các lệnh trừng phạt mà họ đưa ra đối với một quốc gia khác.

Bộ Tài chính Mỹ nêu định hướng tính giá trần đối với dầu của Nga: Phía Mỹ cho rằng mức giá trần nên được ấn định cao hơn chi phí sản xuất biên của dầu mỏ Nga và cân nhắc đến các mức giá “lịch sử” đã được thị trường chấp nhận.

Reuters đưa tin Bộ Tài chính Mỹ ngày 9/9 cho rằng trần giá dầu mà Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) sắp áp đối với dầu xuất khẩu của Nga nên được ấn định theo “giá công bằng theo thị trường” trừ đi phần giá chênh do rủi ro từ cuộc xung đột ở Ukraine.

Quan chức EU: Muốn gia nhập khối, cần áp trừng phạt với Nga: Chủ tịch Nghị viện châu Âu Roberta Metsola cho biết, các quốc gia muốn trở thành thành viên của EU cần áp đặt các biện pháp trừng phạt chống lại Nga.

"Liên quan tới các biện pháp trừng phạt, chúng tôi đã làm rõ rằng tất cả các quốc gia, đặc biệt là những nước muốn xích lại gần hơn tới EU, không chỉ cần tuân thủ các lệnh trừng phạt được áp đặt với Nga khi nước này tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine, mà còn phải thực thi trừng phạt", bà Metsola nói hôm 9/9.

Phương Tây và các đồng minh áp đặt loạt biện pháp trừng phạt với Nga, đáp trả chiến dịch quân sự của nước này ở Ukraine. Khối đã thông qua 7 gói trừng phạt chống lại Moskva, bao gồm cả việc dần loại bỏ dầu Nga./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên