Di sản bất tử của vĩ nhân Karl Marx

VOV.VN - Karl Marx (Các Mác) - cha đẻ của chủ nghĩa Mác được đánh giá là một trong những nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử loài người, là một trong những “kiến trúc sư chính của khoa học xã hội hiện đại”.

Karl Marx - một vĩ nhân từ Trier

Karl Heinrich Marx (Các Mác, 5/5/1818-14/3/1883) là một nhà triết học, nhà kinh tế học, nhà sử học, nhà xã hội học, nhà lý luận chính trị, nhà báo và nhà cách mạng người Đức gốc Do Thái, sinh ra tại Trier. Trier là một thành phố lâu đời nhất của nước Đức, được kiến lập cách đây trên 2.000 năm, với tên là Augusta Treverorum (từ nửa sau thế kỷ thứ 3 là Treveris) dưới thời trị vì của Hoàng đế La Mã Augustus.

Trier nằm trong một thung lũng giữa những ngọn đồi thấp phủ đá sa thạch đỏ ở phía tây bang Rhineland-Palatinate, trong vùng rượu vang Moselle và gần biên giới với Luxembourg. Cũng giống như các đô thị phồn hoa khác, Trier thơ mộng có con sông Moselle chảy qua. Đây cũng là địa chỉ quan trọng của các di tích nghệ thuật, kiến ​​trúc cổ đại được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Cầu La Mã Trier, có niên đại thế kỷ thứ 2 sau Công nguyên bắc qua Moselle, là cây cầu cổ nhất ở phía bắc dãy Alps vẫn còn dùng cho hoạt động đi lại. Thành phố Trier có trường Đại học Trier, Đại học thực hành Trier và Học viện Luật Châu Âu (ERA) cùng nhiều lễ hội văn hóa nổi tiếng...

Cha mẹ của Karl Marx là Heinrich Marx (người Đức) và Henriëtte Presburg (người Hà Lan). Họ có với nhau 9 người con, Karl Marx là con thứ ba. Ông được giáo dục tư thục tại nhà cho đến năm 12 tuổi và theo học luật tại Đại học Bonn khi ông 17 tuổi. Sau một năm, ông chuyển đến Đại học Berlin để nghiên cứu triết học. Năm 22 tuổi, ông nhận bằng Tiến sĩ triết học tại Đại học Jena. Năm 1843, Marx kết hôn với Jenny von Westphalen.

Do những hoạt động chính trị của mình, Karl Marx trở thành người không quốc tịch, sống lưu vong cùng vợ, con tại London trong nhiều thập kỷ. Ông và gia đình thường xuyên sống trong cảnh nghèo khó, người bạn thân Friedrich Engels phải hỗ trợ tiền bạc. Tuy nhiên, cùng với Engels, Karl Marx tiếp tục phát triển những tư tưởng của chủ nghĩa cộng sản và cho ra đời nhiều tác phẩm. Hai tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” và bộ “Tư bản” 3 tập. Karl Marx sống ở London cho đến khi qua đời vào ngày 14/3/1883.

Những quan điểm chính trị và triết học của ông ảnh hưởng lớn đến lịch sử tri thức, kinh tế và chính trị của thế giới sau này. Lý luận phê phán của Karl Marx về xã hội, kinh tế và chính trị, gọi chung là chủ nghĩa Karl Marx cho rằng, lịch sử loài người là lịch sử đấu tranh giai cấp. Karl Marx tiên đoán, cũng như những hệ thống kinh tế-xã hội trước đó, chủ nghĩa tư bản đã tạo ra những cuộc khủng hoảng nội bộ dẫn tới sự tự sụp đổ trong tương lai và sẽ được thay thế bởi một hệ thống mới là chủ nghĩa xã hội.

Karl Marx được coi là một trong những nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử loài người, một trong những “kiến trúc sư chính của khoa học xã hội hiện đại”. Tác phẩm của ông về kinh tế đã đặt nền tảng cho phần lớn sự hiểu biết hiện tại về lao động và mối quan hệ của nó với vốn và các tư tưởng kinh tế. Nhiều trí thức, hiệp hội, nghệ sĩ và đảng phái chính trị trên khắp thế giới chịu ảnh hưởng từ các tác phẩm của Karl Marx. Tuy nhiên, ảnh hưởng của các đảng chính trị và các phong trào Marxist đã suy giảm đáng kể sau sự sụp đổ của Liên bang Xô viết.

Dù có những người chỉ trích ở góc độ triết học, coi lý thuyết của Karl Marx không mang tính khả thi, nhưng năm 1999, đại học Cambridge (Anh) công bố bình chọn nhà tư tưởng số một thiên niên kỷ, kết quả là Karl Marx đứng đầu, còn nhà khoa học lớn Einstein - đứng thứ hai. Tháng 7/2005, với câu hỏi tương tự, trong một cuộc thăm dò ý kiến của chương trình In Our Time trên kênh Radio 4 của BBC, 27,9% thính giả đã chọn Karl Marx là nhà tư tưởng ưa thích của họ, và ông vẫn là người đứng đầu. David Hume, nhà triết học Scotland đứng thứ hai, chỉ đạt 12,6% số phiếu, đứng xa sau Karl Marx.

Trong cuộc bình chọn 100 nhân vật vĩ đại nhất lịch sử Đức, Karl Marx đứng thứ 3, chỉ sau Konrad Adenauer (Thủ tướng Tây Đức giai đoạn 1949-1963) và Martin Luther (người sáng lập đạo Tin Lành). Tại Mỹ, trong khảo sát tổng hợp những cuốn sách, tài liệu mà sinh viên Mỹ bắt buộc phải đọc trong hơn 1 triệu bài giảng năm 2016, “Tuyên ngôn Đảng Cộng sản” của Karl Marx đã bỏ xa các cuốn sách khác để trở thành tài liệu được giáo viên Mỹ giảng dạy rộng rãi nhất, cả về số bài giảng lẫn tần suất được trích dẫn. “Tuyên ngôn Đảng Cộng sản” được sử dụng làm tài liệu giảng dạy về lý thuyết xã hội, còn cuốn “Tư bản” - tại các lớp học và trường kinh tế.

Bảo tàng Nhà Karl Marx

Karl-Marx-Haus ở Trier - nơi cha đẻ của chủ nghĩa Mác chào đời, là một bảo tàng về triết gia lỗi lạc này. Tầm quan trọng của ngôi nhà đã không được chú ý cho đến năm 1904, vào thời điểm đó, Đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD) đã quyết tâm mua nó, và mua thành công vào năm 1928. Sau khi Đảng Quốc xã lên nắm quyền vào năm 1933, tòa nhà bị tịch thu và biến thành một nhà in.

Ngày 5/5/1947, tòa nhà được khai trương như một bảo tàng về cuộc đời và các tác phẩm của Karl Marx cũng như lịch sử của chủ nghĩa xã hội hiện đại và chủ nghĩa cộng sản. Năm 1968, nó được ghép vào Quỹ Friedrich Ebert, một tổ chức từ thiện liên kết chặt chẽ với SPD. Ngày 14/3/1983, nhân kỷ niệm 100 năm ngày mất của Karl Marx, bảo tàng đã mở cửa trở lại sau một đượt cải tạo kéo dài một năm và mở rộng tầng ba. Sau 3 tháng đóng cửa, ngày 9/6/2005, bảo tàng Karl Marx House một lần nữa mở cửa có sự tham dự của nhiều nhân vật nổi tiếng như Anke Fuchs, Franz Müntefering, Kurt Beck và Helmut Schröer.

Nhà Karl Marx ở Trier - tòa nhà theo kiến trúc Baroque có từ khoảng năm 1727 - nơi sinh của một trong những học giả toàn cầu có ảnh hưởng nhất trong thế kỷ 19, là một trong những bảo tàng lịch sử quan trọng nhất của Đức. Tầng trệt mô tả về cuộc đời, đặc biệt tập trung vào bản thân Karl Marx và gia đình cũng như cuộc sống lưu vong của ông. Tầng hai giới thiệu sâu hơn về các công trình đã quá nổi tiếng của cha đẻ chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa Marx. Tất cả các lĩnh vực chính mà ông làm việc đều được đề cập ở đây - triết học, xã hội học, kinh tế học và báo chí…

Với tác phẩm “Tư bản” bất hủ nhất của mình, con người của những ý tưởng vĩ đại đã trở thành người hùng của phong trào lao động và đặt nền móng cho huyền thoại về chính mình. Với bộ ba tập đó, triết gia vĩ đại đã tạo ra một cẩm nang tư tưởng cho những người cộng sản và chủ nghĩa xã hội cho đến ngày nay - một thành tựu không ai có được. Phần thứ ba của triển lãm mô tả tác động các tư tưởng của Karl Marx đến xã hội loài người theo thời gian, cho đến ngày nay.

Gian này trưng bày các hiện vật lịch sử về chủ nghĩa cộng sản ở Liên Xô, Việt Nam, Cuba, Trung Quốc, Trung và Đông Âu... Nhà Karl Marx trở thành một tài sản văn hóa độc đáo, bởi vì chính tại đấy, chàng trai trẻ Marx đã hình thành những ý tưởng mang tính cách mạng đầu tiên của mình và trở thành một trong những người có ảnh hưởng nhất trong lịch sử loài người. Bảo tàng đón khoảng 32.000 du khách mỗi năm, khoảng một phần ba trong số đó là khách đến từ Trung Quốc./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Ra mắt sách của Karl Marx dưới dạng nhỏ gọn, bỏ túi
Ra mắt sách của Karl Marx dưới dạng nhỏ gọn, bỏ túi

Tác phẩm “Tuyên ngôn Đảng Cộng sản” được Nhà xuất bản Trẻ phát hành theo nguyên tác của tác phẩm gốc, gồm song ngữ Việt - Anh. 

Ra mắt sách của Karl Marx dưới dạng nhỏ gọn, bỏ túi

Ra mắt sách của Karl Marx dưới dạng nhỏ gọn, bỏ túi

Tác phẩm “Tuyên ngôn Đảng Cộng sản” được Nhà xuất bản Trẻ phát hành theo nguyên tác của tác phẩm gốc, gồm song ngữ Việt - Anh. 

Thăm mộ Karl Marx ở nghĩa trang Highgate, London
Thăm mộ Karl Marx ở nghĩa trang Highgate, London

VOV.VN - Nghĩa trang Highgate ở London (Anh) là nơi an nghỉ cuối cùng của lãnh tụ giai cấp vô sản Karl Marx và rất nhiều vĩ nhân khác

Thăm mộ Karl Marx ở nghĩa trang Highgate, London

Thăm mộ Karl Marx ở nghĩa trang Highgate, London

VOV.VN - Nghĩa trang Highgate ở London (Anh) là nơi an nghỉ cuối cùng của lãnh tụ giai cấp vô sản Karl Marx và rất nhiều vĩ nhân khác

Tính tiên phong của Đảng Cộng sản trong tư tưởng của Karl Marx
Tính tiên phong của Đảng Cộng sản trong tư tưởng của Karl Marx

Những chỉ dẫn của Marx về tính tiên phong của Đảng Cộng sản luôn được Đảng ta vận dụng, phát triển sáng tạo.

Tính tiên phong của Đảng Cộng sản trong tư tưởng của Karl Marx

Tính tiên phong của Đảng Cộng sản trong tư tưởng của Karl Marx

Những chỉ dẫn của Marx về tính tiên phong của Đảng Cộng sản luôn được Đảng ta vận dụng, phát triển sáng tạo.

Bảo kiếm Marx-Lenin giúp Đảng giành thắng lợi huy hoàng
Bảo kiếm Marx-Lenin giúp Đảng giành thắng lợi huy hoàng

VOV.VN - Giữa đêm tối lịch sử, những người cách mạng Việt Nam đã được trao thanh “gươm báu” thần kỳ giúp họ vạch mây mù đi tới bờ thắng lợi.

Bảo kiếm Marx-Lenin giúp Đảng giành thắng lợi huy hoàng

Bảo kiếm Marx-Lenin giúp Đảng giành thắng lợi huy hoàng

VOV.VN - Giữa đêm tối lịch sử, những người cách mạng Việt Nam đã được trao thanh “gươm báu” thần kỳ giúp họ vạch mây mù đi tới bờ thắng lợi.