Hội nghị hòa bình Syria, "không bột khó gột nên hồ"
VOV.VN - Hiện vấn đề quan trọng là thuyết phục các bên có liên quan ngồi vào bàn đàm phán để Hội nghị Geneva 2 sớm diễn ra.
Ngày 5/11, Đặc phái viên quốc tế về Syria Lakhdar Brahimi dự kiến gặp các quan chức Nga và Mỹ tại Thụy Sỹ để xúc tiến công tác chuẩn bị tổ chức Hội nghị Geneva 2 nhằm tìm giải pháp chấm dứt cuộc xung đột hơn 31 tháng qua tại quốc gia Trung Đông này.
Tuy nhiên, kinh nghiệm xây dựng hòa bình bằng phương pháp “vừa đi vừa dò đường” mà ông Brahimi áp dụng đối với việc tổ chức bầu cử ở Haiti, thành lập chính phủ ở Iraq hay chấm dứt nội chiến ở Lebanon, giờ đây tỏ ra không hiệu quả đối với Syria. Bởi lực lượng nổi dậy ở Syria và một số nước hậu thuẫn các nhóm này vẫn chưa nhất trí tham gia đàm phán hòa bình với chính quyền của Tổng thống Bashar Al-Assad.
Người dân Syria mong mỏi một giải pháp cho Syria để không phải sống trong cảnh tị nạn (Ảnh: Getty images) |
Trước thềm các cuộc gặp này, Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc kiêm Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tháng này, Lưu Kết Nhất ngày 4/11 cho biết: “Điều đầu tiên và quan trọng hơn cả là phải thuyết phục các bên có liên quan cùng ngồi vào bàn đàm phán để Hội nghị Geneva 2 sớm diễn ra. Chúng tôi lo ngại rằng tiến trình này không diễn ra suôn sẻ như chúng ta mong đợi, vì thế chúng ta cần nỗ lực với quyết tâm lớn hơn ở cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế”.
Đã bước sang tháng 11, thời điểm mà các bên kỳ vọng sẽ diễn ra Hội nghị Geneva 2 trong vòng 2 đến 3 tuần nữa nhưng các nhóm đối lập ở Syria vẫn bất đồng sâu sắc về những điều kiện tiên quyết và thẩm quyền đại diện cho phe đối lập tại hội nghị này.
Cơ quan điều phối quốc gia, nhóm chính trị đối lập lớn nhất hoạt động trong lãnh thổ Syria cương quyết với lập trường sẽ tham gia Hội nghị Geneva 2 với tư cách là một đảng độc lập. Một nhóm đối lập khác tập trung vào tầng lớp thanh niên có tên Xây dựng nhà nước Syria cũng từ chối liên minh với các nhóm khác.
Trong khi đó, Thứ trưởng ngoại giao Syria Faisal Mekdad khẳng định, nước này sẽ tham gia Hội nghị Geneva 2 nhưng yêu cầu hội nghị này phải được chuẩn bị kỹ và không có sự can thiệp từ bên ngoài.
“Để hội nghị thành công, chúng tôi đề nghị các nước khác ngay lập tức ngừng viện trợ cho các nhóm vũ trang khủng bố nhằm tạo bầu không khí thuận lợi cho cuộc họp này. Tôi cho rằng, vấn đề này có thể giải quyết dứt điểm nếu có các bên ở Syria ngồi lại với nhau để đàm phán. Hãy cho người dân Syria có cơ hội để quyết định chính số phận của họ thông qua đàm phán”.
Các học giả trong khu vực cho rằng, Nga, Mỹ và các nước có ảnh hưởng ở khu vực Trung Đông cũng chưa nhất trí về một kết quả có thể chấp nhận được cho tất cả các bên nếu hội nghị này được diễn ra. Saudi Arabia - nhà bảo trợ lớn nhất và công khai nhất của phe đối lập ở Syria cũng làm ông Brahimi phải thất vọng khi từ chối gặp ông trong chuyến vận động hành lang các nước trong khu vực tuần trước.
Trong khi đó, Mỹ dù luôn lên tiếng ủng hộ nỗ lực thúc đẩy hòa bình của Đặc phái viên Brahimi nhưng không có nhiều hành động nhằm hiện thực hóa sự ủng hộ đó ngoài những lời kêu gọi các bên ngồi vào bàn đàm phán. Không có bột thì không thể gột nên hồ, và cái khó của ông Brahimi là phải “nhào nặn” nên một hội nghị hòa bình mà dường như không bên nào thật sự có thiện chí muốn điều đó trở thành hiện thực.
Ông Brahimi được đánh giá là nhà đàm phán theo chủ nghĩa hiện thực với phương pháp “vừa đi vừa dò đường”, tức là luôn linh hoạt trong quá trình tìm kiếm một giải pháp cuối cùng nhằm chấm dứt xung đột. Tuy nhiên, kể từ tháng 8 năm ngoái, khi ông Brahimi tiếp quản vai trò Đặc phái viên quốc tế về Syria đến nay, phương pháp này tỏ ra kém hiệu quả.
Lúc này giới quan sát lo ngại rằng, nếu những nỗ lực vận động hành lang và ngoại giao con thoi dày đặc của ông Brahimi vẫn không thể biến Hội nghị Geneva 2 thành hiện thực, thì Đặc phái viên quốc tế thứ hai về Syria này có thể sẽ từ chức. Lúc đó, cộng đồng quốc tế sẽ khó có thể tìm được một người có được sự tin cậy của cả Nga, Mỹ và Liên đoàn Arab như ông Brahimi, và đàm phán hòa bình cho Syria sẽ bị đẩy lùi vô thời hạn./.