Iran trao trả tự do cho 10 thủy thủ Mỹ

VOV.VN- Nhà chức trách Iran ngày 13/1 thông báo vừa thả tự do cho 10 thủy thủ Mỹ bị bắt giữ ngày 12/1 do vô tình xâm phạm vùng biển của nước này.

Chuẩn Đô đốc Ali Phadavi, chỉ huy Hải quân của Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) cho biết, qua điều tra kỹ thuật cho thấy hai tàu Hải quân Mỹ đã vô tình đi vào vùng lãnh hải của Iran do một hệ thống dẫn đường bị hỏng. Chính vì sơ suất đó, nhà chức trách Iran quyết định thả tự do cho những thủy thủ đó, sau khi nhận được lời xin lỗi.

Một trong hai chiếc tàu của Hải quân Mỹ bị iran bắt giữ. Ảnh ABC News

Giới quan sát nhận định, động thái vừa nêu cho thấy Iran không muốn làm trầm trọng thêm những căng thẳng với Mỹ. Bởi phe bảo thủ của hai nước nhân sự việc này có thể lại gia tăng chỉ trích và phản đối thỏa thuận hạt nhân mà chính phủ Iran và Mỹ khó khăn mới đạt được.Và điều đó sẽ gây bất lợi cho kế hoạch dỡ bỏ các lệnh trừng phạt Iran dự kiến được thực thi trong những ngày tới.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã gửi lời cảm ơn Iran vì đã thả 2 tàu tuần tra cùng 10 thủy thủ Mỹ mà lực lượng này bắt giữ một ngày trước.

Sự cố trên xảy ra ngày 12/1, gần đảo Farsi của Iran trên Vịnh Persian. Một trong hai chiếc tàu đã bị mắc cạn do gặp sự cố kỹ thuật và được phía Iran cứu kéo.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry thông báo, các thủy thủ của nước này đã trở về an toàn. Họ đã được chăm sóc, cung cấp chăn và lương thực cũng như hỗ trợ trở về với hạm đội sáng sớm 13/1.

Qua đó, ông Kerry bày tỏ cảm ơn phía Iran vì sự hợp tác và phản ứng “nhanh nhạy và thích đáng” trong tình huống này.

Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh: “Luôn có những tình huống mà nếu không được hướng dẫn đúng đắn thì có thể nằm ngoài tầm kiểm soát. Và tôi nghĩ chúng ta có thể tưởng tượng tình huống tương tự xảy ra cách đây 3 hay 4 năm có thể dẫn đến hệ quả như thế nào.

Nhưng rõ ràng, thực tế hôm nay cho thấy những vấn đề như thế này có thể giải quyết một cách hòa bình và đó chính là bằng chứng rõ ràng nhất về vai trò quan trọng của các giải pháp ngoại giao trong việc đảm bảo cho đất nước chúng ta an toàn và vững mạnh”.

Quan hệ giữa Mỹ và Iran được cải thiện đáng kể sau khi nước này và nhóm P5 +1 (gồm 5 Ủy viên thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc và Đức), đạt được thỏa thuận hạt nhân tổng thể và lâu dài hồi tháng 7 năm ngoái.

Theo thỏa thuận với tên gọi chính thức là Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung (JCPOA), Iran đồng ý thay đổi thiết kế của lò phản ứng hạt nhân nước nặng Arak để không thể sản xuất plutoni ở cấp độ có thể chế tạo bom hạt nhân.

Dự kiến, việc thực thi thỏa thuận này sẽ được hoàn thành vào những ngày tới. Hiện tại, Iran đã chuyển hầu hết các kho urani làm giàu tới Nga và nhiệm vụ hiện nay là Iran phải loại bỏ các máy ly tâm và dỡ bỏ lò phản ứng Arak. Một khi Liên Hợp Quốc xác nhận Iran hoàn thành điều kiện trên, mọi lệnh cấm vận quốc tế áp đặt đối với quốc gia Hồi giáo này sẽ được dỡ bỏ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên