Myanmar phủ nhận thông tin về các ngôi mộ tập thể của người Rohingya
VOV.VN - Theo phía Myanmar, những ngôi mộ này không phải là của dân thường mà là “những kẻ khủng bố” đã thiệt mạng và họ được chôn cất một cách cẩn thận.
Trong một thông báo phát đi từ chính phủ Myanmar hôm 3/2, nước này phủ nhận thông tin của hãng AP, ghi nhận năm ngôi mộ tập thể được cho là của người Hồi giáo Rohingya ở làng Gu Dar Pyin, bang Rakhine. Theo tin của AP, những người dân thường này nhiều khả năng bị giết chết bởi quân đội và bị chôn tập thể.
Ảnh chụp vệ tinh về ngôi làng Gu Dar Pyin trước và sau khi bị tấn công. Ảnh: AP
Theo phía Myanmar, những ngôi mộ này không phải là của dân thường mà là “những kẻ khủng bố” đã thiệt mạng và họ được chôn cất một cách cẩn thận. Phía Myanmar cho hay, 17 quan chức chính phủ nước này và cảnh sát biên phòng đã tới khu vực làng Gu Dar Pyin để điều tra theo thông tin từ phía AP. Người dân và giới chức ở làng này khẳng định không có chuyện gì xảy ra.
Cũng trong thông báo của chính phủ Myanmar, một nhóm khủng bố người Rohingya đã vây hãm lực lượng an ninh trong làng và tấn công họ. Để tự vệ, lực lượng an ninh buộc phải nổ súng. Có tất cả 19 kẻ khủng bố đã chết và họ được chôn cất cẩn thận bởi lực lượng an ninh.
Chính phủ Myanmar cũng tuyên bố sẽ không phủ nhận bất cứ hành động vi phạm nhân quyền nào và sẽ điều tra nếu có bằng chứng rõ ràng. Đối với sự việc ở làng Gu Dar Pyin, phía Myanmar khẳng định, theo kết quả sơ bộ của cuộc điều tra thì thông tin của AP đưa ra là sai sự thật.
Đây không phải là lần đầu tiên ở làng Gu Dar Pyin phát hiện ra những ngôi mộ chôn cất tập thể, đã có 4 vụ tương tự xảy ra từ tháng 8/2017 và một số vụ giết người được biết tới.
Nhiều người tị nạn Rohingya trốn khỏi đất nước đã cáo buộc quân đội Myanmar là thủ phạm của các vụ tàn sát và đuổi những người này ra khỏi khu vực sống của họ. Theo những người tị nạn ước tính có khoảng 400 người đã chết và thi thể của họ rải rác trong khắp các khu vực.
Phiến quân Hồi giáo Rohingya phục kích xe tải quân sự Myanmar
Hiện tại Myanmar đang đối mặt với sức ép của cộng đồng quốc tế về vấn đề khủng hoảng nhân đạo người Hồi giáo Rohingya. Ước tính đã có khoảng 600.000 người Rohingya đã rời bỏ Myanmar để chạy sang các nước láng giềng, phần lớn là Bangladesh.
Bên lề hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM lần thứ 12 tổ chức tại Nay Pyi Taw tháng 11 năm ngoái, Bộ trưởng Ngoại giao Myanmar, bà Aung San Suu Kyi cho biết, nước này và Bangladesh đang đàm phán tích cực để đưa những người Rohingya trốn khỏi Myanmar trở về tự nguyện và an toàn./.