Bầu cử Tổng thống Mỹ: cuộc đua ngang sức, cân tài

Cả Tổng thống Obama và ông Romney đều đưa ra những lập luận thuyết phục, lôi kéo cử tri ủng hộ, nên khó đoán trước ai sẽ chiến thắng.

Vào tháng 11 tới, nước Mỹ sẽ chứng kiến một sự kiện hết sức quan trọng. Đó là cuộc bầu cử Tổng thống với “cuộc chiến” giữa hai đối thủ là đương kim Tổng thống Barack Obama và ứng cử viên của Đảng Cộng hòa Mitt Romney.

Để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử này, cả Tổng thống Obama và cựu Thống đốc bang Massachusetts Romney đang thực hiện nhiều chiến dịch vận động tranh cử quyết liệt. Vấn đề mà người dân Mỹ quan tâm nhất hiện nay là những chính sách, sự điều hành của ông Obama và Romney sẽ tác động như thế nào đến nền chính trị, kinh tế-xã hội, đời sống hàng ngày của họ.

Tổng thống Mỹ Barack Obama (phải) và ứng cử viên Đảng Cộng hòa Mitt Romney (Ảnh: Csmonitor)

Trong chiến dịch tranh cử, cả Tổng thống Barack Obama và ứng cử viên Đảng Cộng hòa Mitt Romney đều đã đưa ra những quan điểm riêng, thuyết phục của mình đối với những vấn đề tác động lớn đến đất nước và đời sống của người dân Mỹ.

2 đối thủ thể hiện lập trường, quan điểm cứng rắn

Mặc dù ông Mitt Romney đã vượt qua các ứng cử viên khác để trở thành ứng cử viên đại diện cho Đảng Cộng hòa tham gia tranh cử trong cuộc bầu cử Tổng thống tới nhưng ông còn đang phải cạnh tranh gay gắt với đối thủ “nặng ký” là đương kim Tổng thống Barack Obama.

Đặc biệt là khi vị thế của ông Obama được củng cố khi mới đây, Tòa án Tối cao Mỹ ủng hộ cải cách y tế được chính Tổng thống thông qua vào tháng 3/2010, tuyên bố Luật Cải cách chăm sóc y tế là hợp hiến pháp và ủng hộ điều khoản “nghĩa vụ cá nhân” trong đạo luật. Theo đó, Luật buộc mọi người Mỹ phải dùng khoản tiền hoàn thuế của Sở Thuế vụ để mua bảo hiểm. Luật Cải cách chăm sóc y tế có hiệu lực từ ngày 1/1/2014 và quy định phạt tiền người dân nào không tuân thủ.

Kết quả thăm dò của Trường đại học Quinnipiac cho thấy, đương kim Tổng thống Obama chỉ dẫn trước đối thủ Mitt Romney một khoảng cách nhỏ là 3%. Ông Obama nhận được tỷ lệ 46% ủng hộ, còn ông Romney nhận được 43%.

Tờ Bưu điện Washington và hãng tin ABC cũng đưa ra kết quả của cuộc thăm dò mới, với tỷ lệ ủng hộ dành cho cả hai người đều ở mức 47%.

Theo nghiên cứu của Trung tâm thống kê y tế quốc gia Mỹ, khoảng 46,3 triệu người Mỹ không có bảo hiểm y tế trong năm 2011. Với Luật Cải cách y tế, chính quyền liên bang sẽ phải chi 938 tỷ USD trong 10 năm tới để mở rộng cung cấp bảo hiểm cho 32 triệu người, nâng tổng số người Mỹ được bảo hiểm lên 95%.

Trong bối cảnh Mỹ đang vật lộn để vượt ra khỏi suy thoái kinh tế với những dấu hiệu còn tiêu cực về ngân sách và thất nghiệp thì người dân sẽ không cần “đánh cược số phận cho sự thay đổi” hoặc lo sợ gánh nặng tài chính nếu họ lâm bệnh.

Dự luật đã trở thành một trong những vấn đề gây tranh cãi nhất trong cuộc chạy đua Tổng thống Mỹ năm 2012. Không một nghị sĩ nào của Đảng Cộng hòa bỏ phiếu cho dự luật này vì họ cho là tốn kém và không hiệu quả vì chính quyền sẽ phải chi 938 tỷ USD trong vòng 10 năm tới cho chương trình này. Đến nay, đã có 26/50 bang chính thức đệ đơn kiện Luật Cải cách y tế, cho rằng luật này vi hiến, vi phạm quyền của người dân Mỹ khi ép buộc họ phải mua bảo hiểm y tế. Ứng viên Tổng thống của Đảng Cộng hòa Mitt Romney đã cam kết sẽ bãi bỏ dự luật này nếu ông đắc cử vào tháng 11 tới.

Trong cuộc chạy đua quyền lực đầy gay cấn và căng thẳng khi ứng cử viên Mitt Romney và các Nghị sỹ Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ tiếp tục phản đối các kế hoạch giảm thuế của Tổng thống Obama. Mới đây nhất, ngày 9/7, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã kêu gọi Quốc hội nước này tiếp tục gia hạn chính sách cắt giảm thuế thêm 1 năm cho các hộ gia đình có thu nhập dưới 250.000 USD/năm, song đề xuất tiếp tục áp thuế cao đối với người giàu ở Mỹ.

Lý do khiến người đứng đầu Nhà Trắng đưa ra yêu cầu trên là, việc gia hạn cắt giảm thuế cho tầng lớp trung lưu sẽ mang lại lợi ích đối với 98% người dân Mỹ vì họ là những người lao động, đóng góp công sức cho nền kinh tế. Tổng thống Obama cũng cho rằng, tầng lớp thu nhập cao tại nước này cần trả nhiều tiền thuế hơn, nhằm góp phần giải quyết vấn đề nợ của quốc gia.

Tuyên bố trên của ông Obama với lập trường ủng hộ tầng lớp trung lưu ngay lập tức vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của các nghị sỹ Đảng Cộng hòa, trong đó có cựu Thống đốc bang Massachusetts Mitt Romney.

Các nghị sỹ Đảng Cộng hòa cho rằng, việc cắt giảm thuế trên nên được áp dụng đối với tất cả những người đóng thuế, đồng thời cảnh báo việc áp thuế cao đối với người giàu nước Mỹ sẽ gây khó khăn các chủ doanh nghiệp nhỏ, những người mà theo họ đã giúp tạo thêm nhiều việc làm trong bối cảnh kinh tế khắc nghiệt.

Tuy nhiên, Tổng thống Obama đã bác bỏ quan điểm trên, đồng thời lập luận rằng, 97% những người chủ doanh nghiệp nhỏ của Mỹ đều có thu nhập ít hơn 250.000 USD/năm.

Cuộc đua ngang tài, cân sức và khó đoán định

Trong những cuộc vận động tranh cử gần đây, ứng cử viên Đảng Cộng hòa Mitt Romney liên tục có những chỉ trích sự điều hành nền kinh tế của Tổng thống Barack Obama.

Ông Mitt Romney cho rằng, trong thời gian nắm giữ cương vị Tổng thống, chính sách điều hành của ông Obama đã không làm cho nền kinh tế Mỹ phát triển hơn được. Ngược lại, nền kinh tế của nước này ngày càng trở nên u ám hơn, khi thực tế tình trạng thất nghiệp ở Mỹ hiện vẫn ở mức cao (trên 8%).

Ngày 11/7, phát biểu vận động tranh cử tại thành phố Houston, ứng cử viên của Đảng Cộng hòa Mitt Romney nói rằng, ông là một lựa chọn xứng đáng hơn Tổng thống Obama, khi có thể làm xoay chuyển nền kinh tế và giảm mạnh tỷ lệ thất nghiệp của người Mỹ gốc Phi, hiện đang đứng ở mức 14.4%, cao hơn nhiều so với tỷ lệ thất nghiệp quốc gia của Mỹ là 8,2%.

Ngược lại, trong các cuộc vận động tranh cử mới đây, đương kim Tổng thống Obama đã có những đòn công kích liên tiếp đối với lý lịch kinh doanh của ông Romney. Đó là việc Công ty Bain Capital của ông Romney liên quan tới các vụ sa thải hàng loạt công nhân viên. Tổng thống Obama cho rằng, sự sa thải này đang là vấn đề nhức nhối ở Mỹ trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay.

Các chuyên gia phân tích cho rằng, kinh tế sẽ là vấn đề trọng tâm số 1 trong cuộc tranh cử năm nay. Nếu từ nay đến cuộc bầu cử Tổng thống, nền kinh tế Mỹ không được cải thiện, tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức cao thì sẽ ảnh hưởng rất lớn tới sự tái đắc cử của Tổng thống Obama.

Trong khi Tổng thống Obama đang nhận được sự ủng hộ của tầng lớp trung lưu, người Mỹ gốc Phi, thì ứng cử viên Đảng Cộng hòa Mitt Romney lại nhận được sự ủng hộ tầng lớp thượng lưu giàu có và cử tri da trắng.

Cho đến nay, tỷ lệ người dân ủng Tổng thống Obama và cựu Thống đốc bang Massachusetts Mitt Romney đang sít sao ngang nhau.

Tuy nhiên, trong cuộc vận động tranh cử quyết liệt này, ngân sách để vận động tranh cử và lấy lòng cử tri rất quan trọng. Ủy ban vận động tranh cử của ông Mitt Romney vừa công bố, họ đã quyên góp được 106 triệu USD trong tháng 6, nhiều hơn nhiều  so với mức 71 triệu USD của Tổng thống Obama.

Với chiến dịch tranh cử vào chiếc ghế Tổng thống Mỹ đang diễn ra vô cùng khốc liệt, gay gắt giữa ông chủ Nhà trắng Barack Obama và ứng cử viên Đảng Cộng hòa Mitt Romney, có lẽ khó có thể đoán định trước được ai sẽ là người giành chiến thắng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên