Các cuộc đoàn tụ gia đình Triều Tiên: Có quá ít và quá muộn?
VOV.VN-Các nhà lãnh đạo hai miền Triều Tiên nhất trí nối lại các cuộc đoàn tụ các gia đình Triều bị ly tán do chiến tranh trong Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều.
Song điều này dường như chưa thể làm thoả lòng nhiều gia đình Triều Tiên và Hàn Quốc đang trong cảnh biệt ly.
Ông Gu Sub Shim (83 tuổi) cùng với bạn bè mình và một số phóng viên, chăm chút theo dõi Hội nghị Thượng đỉnh lịch sử giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Ông tham gia Hội các Gia đình Ly tán, một tổ chức các gia đình bị chia cắt do cuộc Chiến tranh Triều Tiên 1950-53 có trụ sở tại Seoul.
Trong một văn phòng nhỏ hẹp của Hội nằm tại con phố nhỏ ở thủ đô Seoul, những người đàn ông có tuổi này gặp gỡ đàm đạo về quá khứ bên tách trà. Trên tường có treo các tấm bản đồ và nhiều tấm ảnh của các cuộc gặp gỡ gia đình trước đây.
Ông Shim ngắm nhìn chăm chú những bức hình em gái, em trai và bố mẹ mình.
Người đàn ông ở độ tuổi bát thập này hoàn toàn hài lòng với kết quả của Hội nghị giữa ông Moon và ông Kim. “Song đây có thể mới chỉ là một sự khởi đầu nan”, ông nói.
Cũng giống như hầu hết người Hàn Quốc, ông Shim vô cùng xúc động khi Tổng thống Moon và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim ôm choàng lấy nhau một cách thân thiện sau khi ký tuyên bố chung. Và khi nhà lãnh đạo Triều Tiên nói về “chấm dứt chiến tranh”, những từ đó đã đem lại cho ông le lói hy vọng, ông Shim nói.
Giải thích về tình cảnh giữa hai miền, ông Shim nói: “Tại đây đã diễn ra một cuộc chiến mà người Triều Tiên đã giết lẫn nhau. Và đến ngày hôm nay, chỉ mới có một thoả thuận ngừng bắn chứ không phải một hiệp ước hoà bình”.
Đó là cuộc chia ly kéo dài 71 năm
Ông Shim sinh ra ở tỉnh Hamgyong thuộc miền Đông Bắc Triều Tiên, cách không xa biên giới Trung Quốc. Bố của ông là một nhà báo công tác tại tờ báo bảo thủ Choson IIbo và đã chạy trốn sang Hàn Quốc vào năm 1945 khi Đảng Cộng sản ở Triều Tiên lên cầm quyền.
Ông Shim đã đi theo cha mình hai năm sau đó, trong khi mẹ và hai người em của ông vẫn còn lưu lại Triều Tiên.
Trong nhiều năm ròng, họ không biết tin tức gì của nhau và khi chiến tranh bùng nổ vào năm 1950 dẫn tới sự chia cắt hai miền vào năm 1953, hy vọng cuối cùng được về sống chung một mái nhà tan thành mây khói.
Sau khi cha của ông qua đời, ông Shim sống một cuộc đời cô đơn tại miền Nam. Tuy nhiên, rồi một ngày ông bất ngờ nhận được một tấm bưu thiếp do người em gái của ông gửi đến Hàn Quốc qua đường Trung Quốc. Một mặt của tấm bưu thiếp là tấm chân dung của em gái ông lúc còn nhỏ và mặt sau là một tin dữ, đó là mẹ của ông qua đời, ông Shim kể lại.
Mẹ của ông đã nhắc đến tên của ông ngay trước khi bà trút hơi thở cuối cùng, người em gái của ông viết.
Kể từ đó, ông Shim bắt đầu những nỗ lực nối lại liên lạc với hai người em của mình ở miền Bắc. Thông qua người quen ở Trung Quốc, ông đã tìm ra dấu vết của họ.
Nhiều năm trôi qua và cuối cùng vào năm 1994, sau 47 năm chia cách, ông đã lần đầu tiên gặp lại người em trai của mình ở miền Nam Trung Quốc. Cuộc gặp gỡ này chỉ diễn ra trong vài giờ đồng hồ.
Người em trai của ông Shim đã qua đời, song ông Shim vẫn thường xuyên gửi đồ tiếp tế cho em gái mình thông qua những đầu mối bí mật tại Trung Quốc. Tuy nhiên, hiếm khi em gái của ông có thể lén gửi cho ông một bức thư.
Khi chia cách nhau em gái của ông mới chỉ 5 tuổi. Ông vẫn nhớ em của ông nhảy nhót trên đùi của mình và bây giờ đã một người đàn bà trung niên có mái tóc hoa râm.
Thời gian đang dần cạn
Tại cuộc họp vào tuần qua, Tổng thống Hàn Quốc và nhà lãnh đạo Triều Tiên đã nhất trí nối lại các cuộc đoàn viên cho các gia đình bị ly tán. Lần đầu tiên trong lịch sử, một người trị vì Triều Tiên đề cập đến số phận của các gia đình ly tán.
Vào ngày 15/8, lễ kỷ niệm quân Nhật đầu hàng sau khi bại trận trong Thế chiến II, dự kiến sẽ có khoảng một trăm thành viên gia đình Triều Tiên ly tán được gặp mặt trở lại.
Đối với Hội các Gia đình Ly tán, con số này quá ít ỏi. Trong 130.000 thành viên gia đình bị ly tán, khoảng 1/2 đã qua đời và 12.000 đã trên 90 tuổi. Nhiều người e ngai rằng họ sẽ chết mà không gặp lại các thành viên gia đình bị ly tán của mình.
“Điều cần thiết là cả hai bên thiết lập lại một hệ thống thư tín chung để thư từ và bưu phẩm có thể chuyển cho nhau. Một tấm bưu thiếp có thể đủ để biết ít nhất người thân của mình vẫn còn sống”, ông Shim nói.
Hơn nữa, ngày nay nói chuyện với ai đó ở nơi nào đó trên thế giới không có gì là tốn kém, ông Shim giải thích. “Anh có thể thậm chí nhìn thấy nhau qua điện thoại di động.”
Song điều đơn giản như vậy vẫn là không thể có giữa hai miền Triều Tiên, ông Shim trải lòng. Cuộc đoàn tụ gia đình được phép đầu tiên vì thế, theo ông, chỉ có thể là sự khởi đầu.
Hàng chục ngàn thành viên gia đình ly tán hiện nay sẽ phải cạnh tranh để được lọt vào danh sách 100 người được xếp lịch gặp gỡ vào tháng 8 tới trong khuôn khổ chương trình đoàn tụ gia đình. “Điều đó giống như trúng xổ số”, ông Shim nói một cách chua xót trong khi ngước nhìn tấm hình người em gái của mình./.