Châu Âu thở phào nhẹ nhõm khi Emmanuel Macron đắc cử Tổng thống Pháp
VOV.VN – Chính giới và báo giới Phương Tây nhìn chung phản ứng tích cực nhưng cũng chỉ ra nhiều thách thức cho ông Macron.
Phản ứng từ chính giới
Liên minh châu Âu (EU) đã có thể “thở phào nhẹ nhõm” sau chiến thắng của ông Macron trong bầu cử Tổng thống Pháp. Trước đó, những bất ngờ từ cuộc trưng cầu ý dân đưa Anh ra khỏi EU (Brexit) và thắng lợi của Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 khiến EU không khỏi lo ngại khả năng chiến thắng của thủ lĩnh đảng Mặt trân Dân tộc (FN) cực hữu, có tư tưởng chống EU.
Tin ông Macron đắc cử Tổng thống Pháp tràn ngập các mặt báo. |
Trong thư chúc mừng gửi tân Tổng thống Pháp, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean - Claude Juncker nhấn mạnh: "Lịch sử hình thành của Liên minh Châu Âu gắn bó chặt chẽ với lịch sử của nước Pháp” và bày tỏ vui mừng trước những đề xuất của tân Tổng thống Macron về “một Châu Âu mạnh mẽ và tân tiến”.
Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk và Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của EU Federica Mogherini đã gửi lời chúc mừng.
Tại Pháp, Tổng thống mãn nhiệm François Hollande đã gọi ngay điện thoại chúc mừng “nồng nhiệt” Emmanuel Macron đắc cử, nhấn mạnh người Pháp đã chọn ông để "gắn bó với giá trị của nền cộng hòa”.
Một loạt các nước thành viên EU và châu Âu, trong đó có Thủ tướng Anh Theresa May, đã gửi lời chúc mừng tới ông Emmanuel Macron.
Phát ngôn của Thủ tướng Đức Angela Merkel đã ca ngợi đây là “chiến thắng cho một châu Âu vững mạnh và thống nhất”.
Thủ tướng Italia Paolo Gentiloni đánh giá chiến thắng này đại diện “hy vọng cho châu Âu”. Cựu Thủ tướng Italia Matteo Renzi cho rằng chiến thắng của ông Macron “đã viết lên một trang hi vọng cho nước Pháp và Châu Âu”.
Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras nhấn mạnh: “Chiến thắng của Emmanuel Macron tạo sinh lực cho nước Pháp và toàn thể châu Âu"
Từ Mỹ, Tổng thống Donald Trump đã gửi lời chúc mừng “chiến thắng lớn” của ông Emmanuel Macron và cho biết mong sớm được làm việc với tân Tổng thống Pháp.
Nhiều nước châu Á-Thái Bình Dương như: Campuchia; Australia; New Zealand... cũng đã gửi điện mừng.
Báo giới kỳ vọng và thận trọng
Dưới tiêu đề "Cuộc cách mạng nhung mang tên Emmanuel Macron", Đài RFI ngày 8/5 bình luận: Emmanuel Macron, thủ lĩnh Phong trào Tiến bước trung dung mới một năm tuổi, đã "nẫng tay trên" chìa khóa vào phủ tổng thống của hai đảng chính trị truyền thống tả - hữu ở Pháp.
Ông Macron đang tiến hành một cuộc "cách mạng nhung", vẽ lại bản đồ chính trị của nước Pháp. Ông muốn xây dựng một mô hình chính trị mới cho nước Pháp, mà ở đó không còn biên giới tả - hữu, vốn trong tay hai đảng lớn là Xã hội (PS) cánh tả và Những người Cộng hòa (LR) cánh hữu. Đảng Tiến bước của Tân Tổng thống Macron chuẩn bị cho bầu cử Quốc hội
Nhưng RFI lưu ý, cuộc cách mạng đó còn phải vượt qua một thách thức lớn. Đảng Tiến bước sẽ phải chiếm được đa số tại Quốc hội trong cuộc bầu cử lập pháp ngày 11 và 18/6 tới để không bị cản trở trong việc thực hiện các biện pháp cải tổ cần thiết cho nước Pháp.
Tờ Le Monde 9/5 đăng bài viết "Macron chiến thắng và phải hòa giải đất nước bị chia rẽ", cho rằng nhiệm vụ trước mắt là bổ nhiệm được một thủ tướng mới, không thuộc chính đảng truyền thống nào, hoặc một gương mặt được lòng cả hai phe tả-hữu.
Tờ Les Echos 8/5 mở đầu bài xã luận về chiến thắng của Emmanuel Macron với một câu nói nổi tiếng của đại văn hào Victor Hugo: "Bản năng của nhân dân luôn luôn phù hợp với lý tưởng của nền văn minh", cho rằng chính nhờ bản năng này mà dân Pháp đã quét sạch những chướng ngại cản bước tiến của đất nước, lật nhào một thế hệ chính khách đã hết thời, để đưa một nhân vật trẻ lên cầm quyền. Và kết luận: "Thế giới kinh ngạc, phát hiện qua tổng thống tân cử trẻ tuổi, khuôn mặt một nước Pháp trẻ trung, táo bạo, chinh phục, nước Pháp của lý lẽ, của hy vọng và tự do".
Tờ Le Figaro 8/5 thận trọng khi viết: "Nước Pháp của Macron, của tinh thần tích cực, năng động, cải cách, cởi mở với châu Âu và thế giới đúng là có thật, nhưng chỉ đại diện có 25% cử tri. Phần còn lại, cực hữu, cực tả, xã hội, không chắc chia sẻ những giá trị này".
Các tờ báo thân EU hoan nghênh chiến thắng áp đảo của ông Macron và đánh giá: Sau nhiều tháng đấu tranh với sự lớn mạnh của chủ nghĩa dân túy trên khắp lục địa châu Âu, và những chia rẽ chính trị do hậu quả của cuộc khủng hoảng di dân, chiến thắng áp đảo của ông Macron mở ra khả năng về một khởi đầu mới cho một EU đang chuẩn bị bước vào cuộc đàm phán đầy khó khăn để nước Anh chính thức rút ra khỏi EU.
Tờ Financial Times bình luận: Cuộc bầu cử này không phải là về tương lai của nền dân chủ, mà là về tương lai của nước Pháp trong Châu Âu, và về chính tương lai của Châu Âu.
Mạng Hoàn cầu 8/5 đăng bài bình luận: “Kết quả bầu cử Tổng thống Pháp có tác động còn quan trọng hơn cả Brexit”, cho biết Macron thắng cử trước mắt sẽ giúp giữ ổn định cục diện chính trị châu Âu, giúp EU “cầm máu” sau sự ra đi của Anh. Le Pen thắng cử, hậu quả còn lớn hơn cả Brexit, có thể coi là sự cáo chung của EU.
Tờ báo lưu ý, tuy Macron thắng cử nhưng chủ nghĩa dân túy châu Âu chưa hề thoái trào. Thực tế chủ nghĩa dân túy là phản ứng tự nhiên của những người chịu tác động mặt trái của toàn cầu hóa. Cho dù Le Pen thất bại, nhưng số phiếu giành được tại vòng 2 cũng lên đến 33 - 34%. Đây thực sự là một con số không nhỏ, chắc chắn sẽ có đại diện của nhóm người này hoặc tổ chức chính trị lợi dụng phản ứng của họ để tạo thách thức chính trị tại Pháp hoặc phạm vi lớn hơn./. “Tấm thảm gai” nào đang chờ đợi Tân Tổng thống Pháp Macron?